Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Vẫn là dòng kênh đen

THIÊN CẦM| 06/02/2007 09:29

Đã 21 năm kể từ ngày TP.HCM quyết định cải tạo, chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL - TN) trước khi nó tắc nghẽn hoàn toàn. Sau 13 năm triển khai thi công ì ạch, hình ảnh một dòng kênh xanh vẫn còn nằm trên giấy...

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Vẫn là dòng kênh đen

Cẩn thận: nguy hiểm chực chờ

Trưa 22/12, trời nắng gắt. Một chiếc xe máy vội vã vòng đường bao giếng S1, chạy về phía đường Cách Mạng Tháng Tám, đột nhiên xe cán phải một cục đá chông chênh bên vệ đường, người và xe té chổng chơ. Chưa kịp dựng xe, cô gái quay lại, hốt hoảng: “Tí nữa là miếng tôn kia kéo rách chân rồi!”.

Khoảng cách hẹp, mặt đường gồ ghề là nguyên nhân gây kẹt xe thường xuyên

Bác chạy xe ôm gần đó vừa đỡ cô gái, vừa nhắc nhở: “Chắc cô không biết, chạy xe ở đây phải cẩn thận, tôn rách, đá vỡ của công trường rải khắp nơi”.

Bác xe ôm quay sang cô gái, nói như tự hỏi mình: “Không biết họ làm xong chưa mà im hơi lặng tiếng thế! Làm xong rồi thì dọn dẹp đi cho bà con còn làm ăn, đi lại!”.

Chúng tôi ngược lên cầu số 1 trên kênh NL-TN, nhìn vào trong công trường. Những tấm sắt rỉ sét chĩa ngược lên trời.

Cỏ mọc giăng xung quanh. Bảo vệ nằm ngủ ngon lành dưới tấm bạt che nắng. Đi dọc tuyến cống bao, chỉ có đoạn giếng S9 đến giếng S11, mới nghe thấy tiếng rì rầm làm việc của máy khoan, máy hàn...

“Xe đông, đường chật, ùn tắc giao thông liên tục diễn ra cả mấy năm nay làm chúng tôi không thể nào làm ăn, buôn bán được”- Chị Trần Thị Lê, phường 3, quận Tân Bình than thở.

Tại các hố kích, cứ thi công mỗi giếng, nhà thầu phải ngăn một đoạn đường dọc kênh 60 - 100 m, thế là mặt đường chỉ còn lại 1 m cho việc lưu thông.

Ngóng cổ đợi dự án

Trong các gói thầu của dự án cải tạo môi trường kênh NL-TN, gói thầu số 7 bao gồm thi công tuyến cống bao, thiết bị tách dòng và miệng xả ngầm do nhà thầu liên danh TIANJIN - CHEC 3 (Trung Quốc) thực hiện là gói thầu để lại nhiều “hậu quả” nhất.

Theo hợp đồng được kí kết ngày 23/10/2003, thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng và ngày hoàn tất hợp đồng là 14/11/2006. Đến ngày 9/12/2005, nhà thầu mới thực hiện được 20% khối lượng công việc.

Đến ngày 27/1/2006, chỉ lên được 21,57% khối lượng trong 70% thời hạn hợp đồng. Thông tin từ ông Lê Toàn, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính TP.HCM, dự kiến phải đến cuối năm 2009, dự án kênh NL - TN mới hoàn thành về cơ bản.

Trong quá trình thi công, dự án còn gặp không ít những sai sót kỹ thuật dẫn đến mâu thuẫn phát sinh trong chính nội bộ đơn vị tư vấn và nhà thầu, góp phần làm chậm trễ tiến độ thi công.

Ngày 2/7/2005, khi thực hiện kích ống vào trạm bơm để xử lý trước khi bơm nước ra sông Sài Gòn qua miệng xả ngầm tại giếng S33 đã diễn ra sự cố đầu kích ống (robot tự hành) chìm lún kéo theo 3 đoạn cống bao, buộc nhà thầu phải tạm ngưng thi công đến giữa năm 2006.

Trước đó, đơn vị tư vấn đã lưu ý nhà thầu cần sử dụng biện pháp phun vữa với áp lực cao để kiểm soát tình trạng gây lún và giảm thiểu thiệt hại cho nhà dân xung quanh, nhưng nhà thầu phun vữa với áp lực thấp và hậu quả là robot tự hành chìm lún ngay trước điểm giao diện với trạm bơm.

Ở một vị trí khác, giếng SNL-TN, nhà thầu cũng không quan tâm đến lời khuyên của đơn vị tư vấn, nhưng rất may là không có sự cố. Nhà thầu ngay sau đó đã làm đơn khiếu kiện lên Sở Giao thông - Công chánh thành phố, cho rằng đơn vị tư vấn chỉ dẫn sai trong việc kết nối ống ngầm tại vị trí SNL-TN đến trạm bơm.

Ban Quản lý dự án đã phải “vào cuộc” hòa giải: “Việc nhà thầu thực hiện thành công công tác giao diện tại giếng SNL-TN là sự mạo hiểm dựa trên các phương pháp không thích hợp tại giếng S33, và không nên vì sự thành công này mà cho rằng các chỉ thị của tư vấn giám sát là không cần thiết hoặc sai lầm, cũng như quy kết việc thiếu tinh thần trách nhiệm của tư vấn giám sát trong công tác giám sát công trình”.

Còn quá nhiều bất cập

Đi lại và vệ sinh là hai quan tâm lớn nhất của hơn 10.000 hộ dân sống ven dòng kênh này. Với tiến độ và cách thức thi công ì ạch như hiện nay của nhà thầu JV of Tianjin Machinery & Equipment and CHEC 3, những vấn đề phát sinh là rất có thể. Trước hết, việc phân luồng giao thông không hợp lý trên các tuyến đường tạm, gây bất ổn cho việc đi lại.

Như tại Rạch Bùng Binh - Trương Định - Kỳ Đồng, các hướng xe trái chiều gặp nhau tại nút thắt cổ chai này. Cầu Trần Quang Diệu thì luôn trong tình trạng “nghẹt thở”, người đi đường phải chen lấn chờ đèn đỏ mới xuống được dốc cầu về hai hướng Trần Văn Đang - Trần Quang Diệu. “Đó là chưa kể những hệ lụy như nhà nứt, mặt đường bị hư hỏng, cảnh quan nhếch nhác do thi công” - ông Võ Văn Đức, Chủ tịch UBND phường 9, quận 3 bức xúc nói.

Tháng 11/2005, UBND quận 3 đã có văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của thành phố tình hình ùn tắc giao thông tại giếng S10 và đề nghị nhà thầu có biện pháp giải quyết nhưng đơn vị này phờt lờ. Tháng 4/2006, UBND quận 3 lại có văn bản đề nghị giải quyết giao thông tại giếng S6d1.

Trong cuộc họp ngày 26/10/2006 giữa quận Bình Thạnh, đơn vị tư vấn và nhà thầu, một số hộ dân đã yêu cầu nhà thầu rải một lớp đá dăm trên đường giao thông bên ngoài hàng rào công trình, nếu không nhà thầu có thể bị cản trở khi làm việc tại đây. Trước những yêu cầu quyết liệt của nhân dân, nhà thầu mới rục rịch tái lập mặt đường ở một số chỗ lồi lõm, đông dân cư.

Theo thống kê, có 80 căn nhà ở Bình Thạnh và 7 căn nhà ở phường Tân Định (quận 1) bị lún, nứt do thi công các giếng cống... Việc đền bù đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn do sự bất hợp tác, thiếu thiện chí của phía nhà thầu, dù trước đó, họ đã tính đến khả năng nứt nhà dân khi thi công và cam kết với Ban Quản lý dự án, sẽ sửa chữa nếu làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Trước đó, khi phía thi công làm nứt bia tưởng niệm gần cầu Thị Nghè, quận Bình Thạnh phải tổ chức cuộc họp với sự tham gia của nhà thầu và tư vấn, nhà thầu hứa sẽ sửa chữa “sơ bộ” bằng cách dùng vữa để trám các vết nứt, nhưng phải qua rất nhiều lần hối thúc của các cơ quan có chức năng, nhà thầu mới sửa.

Trong công văn tháng 12/2006 của đơn vị tư vấn CDM International INC gửi ông Lê Toàn, Giám đốc Ban quản lý dự án, kỹ sư trưởng Keith John Rush đánh giá: “Nhà thầu đã tự gây rắc rối cho mình với ý định cắt giảm chi phí hoặc thiếu năng lực chuyên môn. Sự quản lý yếu kém của nhà thầu làm cho các vấn đề nan giải của họ trở nên tồi tệ hơn”.

Khi dự án cải tạo kênh NL - TN đi vào giai đoạn cuối, Khu Quản lý giao thông đô thị cho biết: Kênh NL - TN có chế độ thủy triều bán nhật, không thể phát triển đường thủy cũng như phát triển du lịch sông nước như dự kiến ban đầu được. Hiện nay, Sở Giao thông - Công chính đang kêu gọi đầu tư dự án tuyến đường trên cao dọc kênh NL - TN.

Dù mang đến một viễn cảnh tốt đẹp, song dự án này gặp không ít ý kiến trái ngược từ phía các chuyên gia. “Nhà cửa nhỏ lẻ, phức tạp sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng một khu đô thị mới.

Thứ hai, một tuyến đường đi trên lòng kênh sẽ phá hủy cảnh quan. Chúng ta cần tạo ra một không gian hành lang thông thoáng trên và dưới kênh NL - TN. Công năng của toàn tuyến chỉ hoàn thiện khi hệ thống thoát nước và việc nạo vét sạch lòng kênh đã được thực hiện.

Như thế, tương lai về một NL - TN xanh, sạch, đẹp mới có thể thành hiện thực..

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Vẫn là dòng kênh đen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO