Hội và doanh nghiệp: Cần những kết nối mạnh hơn

HỒNG NGA| 17/07/2012 00:38

Thời gian qua, mối quan hệ giữa các hội ngành nghề và doanh nghiệp (DN) đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay không chỉ cần “tiếng nói chung” giữa hội và DN mà còn phải có những “cái bắt tay” giữa các hội với nhau.

Hội và doanh nghiệp: Cần những kết nối mạnh hơn

Thời gian qua, mối quan hệ giữa các hội ngành nghề và doanh nghiệp (DN) đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay không chỉ cần “tiếng nói chung” giữa hội và DN mà còn phải có những “cái bắt tay” giữa các hội với nhau.

Đã có “tiếng nói chung”

Các hội phải liên kết mạnh hơn nữa để hỗ trợ DN giải quyết khó khăn

TP.HCM hiện có 23 hội ngành nghề với hơn 7.000 hội viên hoạt động trong tất cả các lĩnh vực, từ thương mại - dịch vụ cho đến sản xuất. 

Trước đây, các hội ngành nghề được đánh giá là “chỉ tổ chức hội hè” là chính, nhưng từ đầu năm đến nay, hoạt động của các hội ngành nghề đã được cải thiện đáng kể, nhiều hoạt động hữu ích, thiết thực cho DN đã được triển khai.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của các hội ngành nghề do Sở Công Thương tổ chức ngày 16/7, ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong 6 tháng qua, nhiều hoạt động của các hội ngành nghề như đào tạo nghề, hội thảo, hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đã được triển khai thực hiện.

Điều đáng nói là các buổi họp họp mặt, đối thoại trực tiếp để tìm hiểu tình hình khó khăn của DN để kiến nghị lên các cấp chính quyền do các hội ngành nghề và Hiệp hội DN TP.HCM thực hiện đã bước đầu mang lại những hiệu ứng tích cực.

Cùng với các hội ngành nghề, Sở Công Thương TP.HCM cũng đã tổ chức 11 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc DN có sự tham gia của lãnh đạo thành phố.

Theo thống kê, 85% DN tại TP.HCM hiện nay là DN nhỏ và vừa, vốn ít, vay ngân hàng là chủ yếu. Vì vậy, các hội ngành nghề đã tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho DN bằng nhiều hình thức (tọa đàm, hội nghị khách hàng, ký kết trực tiếp), trong đó có việc kết nối với các ngân hàng tại từng địa bàn quận, huyện, giúp các DN tiếp cận được các khoản vay với lãi suất như công bố và các chương trình ưu đãi khác.

Mới đây nhất, ngày 9/7, Hội DN Tân Bình phối hợp với UBND quận Tân Bình và Hiệp hội DN TP.HCM tổ chức ký kết giữa 11 DN trên địa bàn quận với 4 đại diện ngân hàng, gồm: Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với số tiền hỗ trợ gần 100 tỷ đồng, với lãi suất từ 12% đến 13%.

Trước đó, Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM đã ký kết với Ngân hàng Đông Á ký gói hợp đồng 1.000 tỷ đồng dành cho các thành viên của Hội. Trong đó, có 100 tỷ đồng được cho vay tín chấp với lãi suất 13%.

Chính những hoạt động trên đã thu hút nhiều hội viên mới đăng ký tham gia. Tính sơ bộ, trong 6 tháng qua, đã có 142 DN đăng ký tham gia vào các hội ngành nghề. Trong đó, Hội Doanh nhân Trẻ có thêm 50 hội viên, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ kết nạp 7 hội viên mới, Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý thêm 6 hội viên, Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP.HCM thêm 22 hội viên, Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn thêm 47 hội viên…

Tăng cường kết nối

Các DN cho rằng, thời gian qua, khi DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn cũng như giải quyết hàng tồn kho, các hội ngành nghề đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

Bà Trương Thùy Trang, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho rằng, lâu nay, các DN chỉ nêu lên những khó khăn, vướng mắc khi Nghị định đã ban hành. Như vậy, mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.

Các hội nên “bám” các cơ quan quản lý Nhà nước để nắm thông tin, từ đó, nghiên cứu, để xuất những kiến nghị có lợi nhất cho DN trước khi các Nghị định ban hành. Có như vậy, các DN mới có thể yên tâm nghiên cứu, sản xuất ra những sản phẩm có tính bức phá, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.

Cũng theo bà Trang, hiện nay, năng lực lãnh đạo của các hiệp hội ngành nghề còn yếu nên vẫn chưa có cơ chế giải quyết xung đột giữa các hội viên. “Giải quyết được những mâu thuẩn này mới tạo được lợi thế cạnh tranh lành mạnh cho DN”, bà Trang khuyên.

Thừa nhận những điều trên, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM, nói thêm:

“Hiện nay, các hội vẫn làm một cách “mò mẫm” mà chưa có sự hướng dẫn nào cụ thể. Nhân sự các hội thường xuyên thay đổi nhưng vì không được đào tạo nên mỗi nơi làm mỗi kiểu. Mặc dù, thời gian qua cũng đã có những lớp tập huấn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế”.

Thực tế tại Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM là các hội viên đang muốn xuất khẩu nhưng không thực hiện được vì không biết tình hình thị trường các nước như thế nào nên DN không biết nên xuất khẩu ở đâu, ra sao?...

Trước những khó khăn trên, đại diện các hội ngành nghề cũng như các DN thống nhất: “trong tình hình này, không gì khác hơn là phải liên kết lại một cách mạnh mẽ hơn nữa”.

Không chỉ là sự liên kết giữa các DN với nhau mà còn giữa các hội ngành nghề để tạo “tiếng nói có trọng lượng” đối với các cấp chính quyền.

Ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho rằng, lâu nay, các hội chủ yếu chỉ kêu khó cho DN nhưng chưa có những liên kết, hợp tác với nhau để đưa ra những ý kiến tham vấn chính sách cho Chính phủ.

Vì vậy, trong thời gian sắp tới, các hội nên liên kết với nhau để tự bảo vệ các DN hội viên. Lâu nay, các hội viên Hawa liên kết với nhau rất tốt và trong thời gian tới, Hawa nên liên kết với Hội Cơ khí TP.HCM (Hame), Hội Khoa học công nghệ tự động (STAA)...

Cùng quan điểm này, ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm thành phố (FFA), còn cho rằng, các DN nên liên kết lại để làm “áp lực” đối với các ngân hàng.

Các hội phải tổ chức các cuộc gặp gỡ, xúc tiến có sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước thì hiệu quả sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, các hội phải “ngồi lại với nhau”, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy chu kỳ sản xuất mới để giải quyết hàng tồn kho.

Một trong những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của DN là nạn hàng gian, hàng giả. Từ 1/7, Luật Bảo vệ Người tiêu dùng đã có hiệu lực. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề “hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng” ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì bảo vệ người tiêu dùng không thôi chưa đủ mà phải bảo vệ cả DN.

Nhưng “để làm được điều này thì các hội ngành nghề phải hợp tác chặt chẽ với Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng thành phố, Hội Bảo vệ người tiêu dùng…”, ông Mười nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội và doanh nghiệp: Cần những kết nối mạnh hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO