Hạnh phúc mong manh của tuổi già

KHẢI LY| 10/10/2015 01:48

Dù người già ở gần con cháu nhưng tinh thần vẫn không đủ mạnh mẽ để có cuộc sống thật sự yên vui nhờ tính độc lập, mà hoàn toàn phụ thuộc vào con cháu - một sự phụ thuộc đem lại hạnh phúc mong manh cho tuổi già.

Hạnh phúc mong manh của tuổi già

Tôi có một người bạn sống ở vùng Bắc Cực, dân Na Uy gốc. Điều ngạc nhiên là hai vợ chồng ngoài 50 tuổi đang sống chung và chăm sóc mẹ già 85 tuổi mắc bệnh Alzheimer và những chứng bệnh lặt vặt tuổi già khác.

Đọc E-paper

Vì vậy, mỗi lần nói chuyện, tôi thường hỏi thăm sức khỏe bà cụ, và luôn được nghe bạn tôi kể về mẹ với giọng trìu mến như nói về một người bạn nhỏ cần chăm chút. Mỗi sáng thứ Bảy, trong lúc vợ còn ngủ, anh lái xe đưa mẹ vào thị trấn uống cà phê và gặp gỡ các anh chị em khác tại đó.

Một thói quen anh ấy đã duy trì gần 15 năm, kể từ khi bà cụ không thể tự lái xe và trí nhớ bắt đầu suy giảm. Anh bạn này luôn làm tôi thấy gần gũi với cách sống có trách nhiệm và thương yêu, chăm sóc mẹ già rất giống với người Việt.

Nhưng đó là một gia đình khá hiếm hoi ở châu Âu! Anh ấy tự nguyện sống với mẹ.

Tôi cũng từng theo một cặp vợ chồng ngoài 60 tuổi đi từ Pháp sang Bỉ thăm mẹ già gần 90 tuổi sống một mình bên khoảnh rừng thưa trong một làng cổ theo đạo Thiên Chúa. Ở tuổi ấy nhưng vợ chồng bạn tôi vẫn duy trì lối sống lang thang khắp thế giới, đôi lúc sang Việt Nam thuê nhà sống 6 tháng rồi lại về Pháp.

Bà mẹ vẫn sống một mình tại Bỉ. Trong ngôi nhà gỗ trăm tuổi vô cùng thơ mộng, bà cụ đeo kính ngồi bên cửa sổ, giải trí bằng cách xem tivi hoặc đan áo để tặng cho nhà thờ làm từ thiện. Cụ ngủ ở tầng hai, chân yếu nên không lên xuống cầu thang mà có một chiếc ghế thiết kế đặc biệt trượt theo đường ray nẹp vào cầu thang đưa cụ lên xuống an toàn.

Sáng sớm khi tôi ngủ dậy, còn đang co ro vì cái lạnh của mùa Thu châu Âu, đã thấy bà cụ đi dạo quanh ngôi nhà, kiểm tra thức ăn để sẵn đãi bọn chim rừng. Sau đó cụ vào bếp, chậm rãi chuẩn bị bữa sáng, nướng bánh mì, pha cà phê, thỉnh thoảng còn khẽ hát.

Sau khi ở với bà cụ 3 ngày, nấu vài món Việt Nam đáp lại thịnh tình của cụ, tôi ra đi, dù lưu luyến nhưng thấy rất yên tâm, thư thái chứ không ái ngại về cuộc sống đơn độc của cụ trong ngôi nhà cổ nơi bìa rừng. Cụ cảm thấy rất thoải mái, tự do chứ không than vãn, buồn bã về cuộc sống của mình.

Và tôi nhớ một cô bạn cũng kể câu chuyện rất đáng suy nghĩ. Cô sang Pháp học một năm, có người bạn Pháp ngoài 50 tuổi đón cô về nhà ở, giúp đỡ những ngày đầu nơi đất khách. Sau một tháng, cô thấy người bạn tiếp đãi quá nồng hậu, ngôi nhà quá ấm áp, lại nghĩ có mình bà bạn già sẽ vui hơn nên không có ý định đi thuê nhà ở riêng.

Một hôm, người bạn bảo đã tìm thuê cho cô một căn phòng với mức phí hợp lý. Thấy cô bạn Việt Nam ngỡ ngàng, bà chủ nhà người Pháp bảo: "Tôi biết bạn ở đây rất dễ chịu nhưng tôi không thể tước đi sự tự do trong cuộc sống của bạn và cả của tôi. Vì vậy, thỉnh thoảng chúng ta lại gặp nhau".

Cô bạn Việt Nam thật sự choáng vì cách suy nghĩ của người bạn Pháp, rất tiếc rẻ cuộc sống chung nhưng cũng phải chấp nhận thuê phòng sống riêng. Sau này về nước, cô vẫn nhận được sự giúp đỡ chân tình từ người bạn nên thấu hiểu mình chỉ gặp một tính cách độc lập, một quan điểm mới về tự do.

Có hàng trăm cách sống để đạt được hạnh phúc cho mình và người thân. Hạnh phúc thường đến từ văn hóa nền và hoàn cảnh sống thực tế. Với điều kiện ở Việt Nam, hầu như chúng ta chưa có cách sống nào khác ngoài quan điểm gia đình có phúc thì phải "tứ đại đồng đường", cha mẹ, con và cháu cùng sống dưới một mái nhà, xem việc báo hiếu chính là ở bên cạnh cha mẹ, ông bà.

Và hầu như đa số sống với tư tưởng đó, đến lúc tuổi già kéo đến, dù có cuốn sổ tiết kiệm tiền tỷ nhưng không được ở gần con cháu là cảm thấy bất hạnh, vô phúc. Rồi những người con, người cháu cũng thấy bị dằn vặt khi vì hoàn cảnh riêng không thể kề cận chăm sóc cha mẹ già.

Và ngay cả cảnh sống "tứ đại đồng đường" với điều kiện kinh tế Việt Nam, cho dù người già ở gần con cháu nhưng tinh thần vẫn không đủ mạnh mẽ để có cuộc sống thật sự yên vui nhờ tính độc lập, mà hoàn toàn phụ thuộc vào con cháu - một sự phụ thuộc đem lại hạnh phúc mong manh cho tuổi già.

>Chẳng ai sung sướng, tại sao?

>Thành phố của những người già

>Nhật Bản: Người già về đâu?

>Đừng yêu cháu quá

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hạnh phúc mong manh của tuổi già
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO