Hài kịch trong một chuyến bay

HỒNG BÍCH| 10/06/2018 03:00

Chuyến bay kéo dài có 60 phút mà tôi cảm thấy như mình đang được xem vở hài kịch chua chát, kiểu kịch hài mà đau của nhà viết kịch vĩ đại người Pháp Molière.

Hài kịch trong một chuyến bay

Molière là người đã để lại cho sân khấu thế giới một gia tài đồ sộ là những vở kịch viết về thói hư tật xấu của tầng lớp thượng lưu và trung lưu thế kỷ XVII.

Quả nhiên những thói xấu nơi công cộng của tầng lớp trung lưu người Việt đang hiện diện khắp nơi như tấm gương phản chiếu xã hội đang xao động giữa các chuẩn mực mà dễ thấy nhất là sự vội vã hưởng thụ, khoe mẽ.

Một cặp độ chừng ngoài ba mươi vừa bước vào ghế bên cạnh tôi, mang theo tất cả túi xách chứ không gửi hành lý. Ổn định chỗ ngồi xong, người phụ nữ lập tức lấy điện thoại ra chụp ảnh "tự sướng" các kiểu. Rồi chị co chân lên ghế, đụng cả vào người tôi mà không hề tỏ ra ngượng ngùng, và bắt đầu gọi điện thoại cho bạn bè thông báo chị ấy sắp đến thành phố. Mặc cho tiếp viên đi qua đi lại nhắc nhở, người phụ nữ vẫn cứ "bung sóng" cho đến khi máy bay cất cánh.

Thế nhưng vở kịch chưa kết thúc, mà mới bắt đầu vào cao trào. Anh chị ấy nói chuyện, đùa giỡn, ôm ấp nhau như chỗ không người nên dù muốn hay không thì mấy hàng ghế lân cận cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Điều đáng nói là đề tài câu chuyện tâm tình của anh chị ấy là anh nói xấu vợ nhà, kể lể dài dòng rằng anh không hạnh phúc khi sống với vợ, còn chị tay trong tay anh, ngả đầu vào vai anh rao giảng bài học đạo đức là anh phải thế này, anh phải thế kia, phải lo cho con anh đầy đủ.

Một tiếng đồng hồ dài dằng dặc cũng trôi qua, khi máy bay đáp xuống, vừa có sóng điện thoại thì chị lại bắt đầu "nối sóng", gọi ngay cho anh nào đó và xưng hô là "ông xã” rất ngọt ngào: "Anh ở mô đó? Em vừa đến sân bay, chuẩn bị đi công việc đây, nắng nóng em mệt lắm. Anh nhớ đón con đúng giờ. Mai em về anh đón em nhé...".

Tôi đoán chừng hành khách ở mấy hàng ghế gần anh chị đều tỉnh ngủ hẳn vì chuyến bay kết thúc thì ít, mà vì đoạn kết bất ngờ của vở hài kịch thì nhiều. Bức tranh gia đình và những mối tình công sở kiểu Việt Nam là thế này sao? Vấn đề là họ ngang nhiên công khai chuyện "ăn chả, ăn nem", coi đó là chuyện bình thường, không cần giấu giếm, lén lút cũng như thấy không có gì đáng xấu hổ.

Tôi biết mạng xã hội đang rất tích cực đóng vai trò của một đám đông "giễu nhại" những điều đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống. Camera an ninh đang làm việc giám sát những hành vi gây mất trật tự, vô đạo đức... Thế nhưng tại sao những hành vi xấu trong xã hội vẫn ngày một nhiều? Nhìn nhận xã hội như vậy có chua xót lắm không? Với những chất liệu kiểu như vở hài kịch tôi vừa chứng kiến liệu có đủ để sản sinh ra những nhà viết hài kịch tầm cỡ Molière?

Có lẽ chúng ta đang sống vội, chỉ nhếch mép cười khi đọc những tờ báo cười hiếm hoi còn xuất bản, chứ không có thời gian để bày tỏ thái độ phản kháng trước những thói hư tật xấu đang ngày càng "lộ liễu" ở tầng lớp trung lưu có tri thức và về mặt lý thuyết, họ được coi là tầng lớp rường cột, có thể giúp đất nước phát triển về kinh tế, văn hóa. Cứ nghĩ đến là giật mình! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hài kịch trong một chuyến bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO