Hai "gọng kìm" chính sách

TS. NGUYỄN ĐẠI| 23/07/2013 09:25

Hạ lãi suất đồng nghĩa với nới lỏng tiền tệ, kích thích tăng trưởng tín dụng. Tăng tỷ giá đồng nghĩa với hạ giá tiền đồng, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, chống lại sự dịch chuyển của tiền đồng sang đầu cơ ngoại tệ.

Hai

Hạ lãi suất đồng nghĩa với nới lỏng tiền tệ, kích thích tăng trưởng tín dụng. Tăng tỷ giá đồng nghĩa với hạ giá tiền đồng, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, chống lại sự dịch chuyển của tiền đồng sang đầu cơ ngoại tệ.

Đọc E-paper

Hạ lãi suất kèm tăng tỷ giá đã tạo ra "hai gọng kìm" chính sách, lái dòng vốn nội tệ đi vào nhu cầu của người vay, tăng cầu cho nền kinh tế. Đặc biệt là không để chúng triệt tiêu nhau bằng quá trình dịch chuyển phương tiện đầu tư.

Vốn rẻ, tỷ giá tăng, nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) sẽ chủ động tìm lĩnh vực đầu tư, sản xuất phù hợp, hoặc tìm thị trường cho sản phẩm với chi phí vốn nhẹ hơn.

Các DN xuất khẩu cũng tích cực tìm đối tác để bán hàng ở nước ngoài, thu ngoại tệ về nước, khi đó, lợi nhuận tính bằng tiền đồng sẽ tăng ngay cả với số ngoại tệ cũ. Với "đường cong" mới của lãi suất và tỷ giá, hy vọng nền kinh tế sẽ khởi sắc nhờ vốn rẻ và lợi nhuận lớn hơn từ xuất khẩu.

Đến nay, cả lãi suất và tỷ giá đã trải qua nhiều "phép thử". Thậm chí bản thân nó cũng đã đến lúc tự tìm ra "đường cong" hợp lý mà không cần sự tham gia một cách quá khích của bàn tay hữu hình. Do đó, trên thị trường tín dụng có thể tự do hóa hoàn toàn việc huy động vốn và thiết lập "trần mềm" cho vay.

Ví dụ, lãi suất cho vay không được vượt quá 120% lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng kỳ, cùng thời điểm. Tức là chính phủ cũng phải cân nhắc về lãi suất mỗi khi cần huy động cho mục tiêu chi hay đầu tư công.

Nỗi ám ảnh lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là có được chính sách tiền tệ độc lập, để Ngân hàng Nhà nước thực sự là ngân hàng mẹ, là trung tâm tiền tệ, là người "mua, bán" vốn cuối cùng và kinh tế Việt Nam cân bằng được cả dòng vào và dòng ra với thế giới.

Giai đoạn cuối năm cũng là giai đoạn ngoại tệ vào nhiều hơn từ các nguồn FDI, ODA và nhất là kiều hối, do Việt Nam đang là điểm đến của đầu tư thế giới và là một trong ít quốc gia Đông Nam Á có nguồn kiều hối lớn, từ 8 đến 10 tỷ USD/năm.

Bây giờ và cho đến hết năm, lãi suất và tỷ giá không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà tạo sức mua của thị trường nội địa và xuất khẩu mới là vấn đề chủ đạo. Vì vậy, cần có những chính sách khuyến khích dòng vốn đầu tư và tăng cầu cho nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, tăng cầu chỉ có ba cách: giảm giá, tăng lương (tốt nhất là đồng thời) và tăng năng suất lao động. Các chính sách này phải được thiết lập trong mối quan hệ với các nguy cơ tái lạm phát. Trong đó, lãi suất và lạm phát là một cặp chỉ tiêu đồng biến theo nguyên tắc: Nguyên nhân và kết quả, nội dung và hình thức, mà lãi suất vừa là nhân tố nguyên nhân, vừa là nhân tố nội dung.

Nhưng một vấn đề đặt ra trong dài hạn, có nên kỳ vọng và sẽ cổ xúy như thế nào cho "đường cong" của lãi suất, của tỷ giá? Trong một nền kinh tế mở, thị trường tài chính là bức tranh phản chiếu toàn bộ thị trường. Theo cách nói của người Nhật, thị trường tài chính là một nửa sức mạnh của toàn nền kinh tế.

Còn trong lý thuyết "bộ ba bất khả thi", bất kỳ quốc gia nào cũng muốn có, muốn đạt được đồng thời cả ba mục tiêu: chính sách tiền tệ độc lập, ổn định tỷ giá và tự do hóa tài khoản vốn trong hội nhập tài chính toàn cầu.

Rất tiếc, bằng cả lý thuyết hàn lâm lẫn kiểm nghiệm thực tiễn, hai nhà kinh tế học nổi tiếng Robert Mundell và Marcus Fleming đã chứng minh từ những năm 1960 rằng: ba mục tiêu đó chính là "bộ ba bất khả thi". Điều đó có nghĩa, tối đa chỉ chọn và đạt được hai trong ba mục tiêu, tùy vào điều kiện, ý muốn chủ quan của các nhà điều hành kinh tế trong thời kỳ cụ thể.

Bối cảnh nền kinh tế hiện nay, trong trung và dài hạn, nên chọn cặp mục tiêu chính sách tiền tệ độc lập và tự do hóa tài khoản vốn. Điều đó có nghĩa, giai đoạn này chấp nhận hy sinh mục tiêu ổn định tỷ giá.

Việt Nam đang là điểm đến của các dòng đầu tư nước ngoài, cùng với các chính sách kinh tế minh bạch hơn, tỷ giá sẽ tự đi theo xu hướng tụt xuống vì sức mua tiền đồng đi lên.

Khi có chính sách tiền tệ độc lập, chống tỷ giá tụt xuống sẽ nhẹ nhàng hơn chống tỷ giá tăng. Tỷ giá tại Việt Nam không phải là nỗi ám ảnh trong trung và dài hạn.

Nếu tập trung sức lực và trí tuệ để đạt được hai trong ba mục tiêu trong "bộ ba bất khả thi", không chỉ có "đường cong" lãi suất phản ánh đúng cung cầu vốn theo cơ chế thị trường, mà "đường cong" tỷ giá cũng khó có thể "một mình một kiểu" đi theo hướng phá vỡ được "đường cong" lãi suất.

Mặt khác, với việc tự do hóa tài khoản vốn, sẽ chủ động gọi và lái dòng vốn gián tiếp đầu tư vào công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và các DN cổ phần qua thị trường chứng khoán, xóa dần tình trạng khép kín giữa các khu vực kinh tế nhà nước - tư nhân - FDI trong một nền kinh tế thống nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hai "gọng kìm" chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO