Giảm nợ công: Cần một quyết tâm chính trị rất cao

HẢI VÂN| 09/06/2016 03:15

5 năm qua, từ 2011 đến 2015, nợ công đã tăng bình quân 16,7%/năm.

Giảm nợ công: Cần một quyết tâm chính trị rất cao

Chính phủ mới đây đã có những động thái mạnh để xử lý một số vụ việc liên quan ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tự do kinh doanh, nhưng việc xử lý được nợ công vẫn là thách thức lớn.

“Tình hình thực sự không an toàn”


Nợ công 5 năm qua, từ 2011 đến 2015, đã tăng bình quân 16,7%/năm, thông tin do Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố trong báo cáo đánh giá thực trạng nợ công Việt Nam giao đoạn 2011 – 2015 và đề xuất giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đó, giai đoạn 2011- 2015, nợ công tăng bình quân 16,7%/năm. Đến cuối năm 2015, dư nợ công lên đến 2,6 triệu tỷ đồng (gần 120 tỷ USD), gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1,4 triệu tỷ đồng). Theo số liệu này, thì nợ công/GDP ở mức 62,2% trong khi 65% là ngưỡng Quốc hội cho phép.

Dù khả năng vỡ nợ của Việt Nam là khá thấp, nhưng BIDV cho rằng nợ công đang là vấn đề cấp bách.

Khả năng trả nợ công của Việt Nam liên quan đến hàng loạt yếu tố kinh tế, đầu tư, công, tài chính. Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, nên huy động vốn vay ODA đang giảm dần và tiến tới chấm dứt, lãi suất tăng lên dẫn đến nghĩa vụ trả nợ công có xu hướng gia tăng. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 7/2015, nghĩa vụ thanh toán nợ công của Việt Nam đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014, riêng chi trả lãi vay hiện nay đã chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi tiêu khác. Như vậy, việc trả nợ gốc và trả lãi cùng thời điểm sẽ tăng sức ép lớn hơn lên ngân sách. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét “tình hình thực sự không an toàn”. 

Nền kinh tế đang đối diện với quá nhiều vấn đề phức tạp và xử lý nợ công là một trong những thách thức lớn. Tuy nhiên, Chính phủ mới đây vẫn quyết định chi 200 tỷ đồng để xây mới trụ sở của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại khu đất số 176, phố Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, dù chiếu theo Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng cơ bản đều trái.

Luật Đầu tư công quy định: Chỉ đầu tư công xây dựng trụ sở mới cho những cơ quan mới thành lập, Trụ sở đã có mà lấy vốn ngân sách nhà nước để xây dựng phải được sử dụng ít nhất 30 năm, Chỉ đập khi trụ sở đã xuống cấp đến mức không thể sử dụng được. Thực tế, 176 Thái Hà mới 25 năm, chưa xuống cấp, đối tượng sử dụng nhiều năm qua vẫn là 2 viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính trị thế giới và Nghiên cứu châu Âu.

Có thể thấy, việc đầu tư xây trụ sở mới tại 176 Thái Hà là chưa cần thiết, gây lãng phí và không phù hợp với nhu cầu thực tế của chính đối tượng thụ hưởng, cũng như tình hình ngân sách hiện nay.

Với cách chi tiêu công và đầu tư công như hiện nay, chi thường xuyên chiếm tới hơn 70% tổng ngân sách, còn có 30% trả nợ là không đủ, không có tiền cho đầu tư.

Phó chủ tịch quốc hội  Phùng Quốc Hiển, khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội hồi tháng 5 cũng đã nói về mục tiêu giảm nợ công trên GDP xuống dưới 60% GDP vào năm 2020 thay vì mức 65% hiện nay. Đưa ra mục tiêu giảm nợ công, song ông Phùng Quốc Hiển không cho biết kế hoạch trả nợ cụ thể, trong khi đó, chi ngân sách nhà nước của Việt Nam đã và đang ở mức rất cao.

Những giải pháp cần “quyết tâm cao”

Đã đến lúc cần một kế hoạch trả nợ công rõ ràng và sát thực tế hơn. Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu quan điểm, muốn giảm nợ công “phải giảm chi, nhất là giảm chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng”. Hơn nữa, “kỷ luật chi ngân sách nhà nước phải được củng cố để chấm dứt tình trạng chi vượt quá cao so với dự toán, cũng như chấm dứt chi tiêu lãng phí mà không có trách nhiệm giải trình”, ông Doanh nói. 

Giải quyết nợ công, theo chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược, có 3 giải pháp. Việc đầu tiên, theo ông Lược, phải có một quyết định quyết liệt dừng ngay lập tức những quyết định đầu tư công gần đây nhất mà chưa bắt tay vào làm. Cái nào đã xây dựng dở dang thì để làm tiếp. Xét ra, những dự án đầu tư công chi lớn nhất cho kết cấu hạ tầng mà đường bộ ngốn rất nhiều tiền.

“Dưới góc nhìn của tôi, đầu tư đường cao tốc là một sai lầm. Một đất nước cảng rất nhiều, bờ biển rất nhiều, sông ngòi dày đặc tại sao không dùng vận tải đường thủy. Bây giờ, tuyến vận tải đường thủy hoàn toàn bỏ, kể cả ven biển đến sông ngòi, nhưng đầu tư làm cảng rất nhiều vì đó là lợi ích của các địa phương. Vận tải đường thủy là rẻ nhất thì không làm. Vận tải đường sắt rẻ thứ nhì thì hầu như không đầu tư, nhiều năm qua, không làm thêm được kilomet nào”, ông Lược phân tích.

Giải pháp thứ hai ông Lược đề xuất là giảm biên chế. Với một bộ máy cồng kềnh, cấp tiền cho tới cấp xã, biên chế tới 2,7 triệu người như hiện nay thì ngân sách một nước nghèo như nước ta không thể chịu nổi. Phải giảm đi 50%, đồng thời giải thể một loạt các cơ quan không cần thiết, các tổ chức chính trị cũng phải thu hẹp lại. Cạnh đó, cần lập một cơ quan quản lý tất cả các doanh nghiệp nhà nước, thay vì các bộ, các địa phương quản như hiện nay; đồng thời tiến hành cổ phần hóa, thu tiền về cho Nhà nước. 

Phải quy hoạch lại đầu tư công là giải pháp thứ ba được ông Lược lựa chọn. Với quy hoạch hiện nay, đặc biệt là quy hoạch phát triển, thì 63 tỉnh, thành phố trở thành 63 nền kinh tế độc lập, có sân bay, bến cảng, khu công nghiệp, trường đại học… Cho nên phải sửa lại từ chủ trương đầu tư, quy hoạch phát triển cho đến cơ chế quyết định, mới có thể đảm bảo có hiệu quả.

Luật Đầu tư công mới chuyển xây dựng kế hoạch hàng năm sang 5 năm, nhưng quan trọng nhất của đầu tư là bỏ cơ chế xin - cho, mới giảm thiểu được tham nhũng, lãng phí.  Bỏ cơ chế xin – cho bằng cách nào là vấn đề rất cơ bản. Thực trạng lâu nay, nhiều dự án lớn được điều chỉnh xuống dưới 1 tỷ đô la để không phải trình Quốc hội. Cảng nước sâu Lạch Huyện là một ví dụ, chi phí cho riêng việc đào bới, hút hơn 40 triệu mét khối bùn đã lên tới gần 1 tỷ đô la. Cho nên phải có cơ chế quyết định các dự án đầu tư công, một cá nhân không được quyết định các dự án lớn mà phải được Quốc hội thông qua.

Tóm lại, theo ông Lược, “Xử lý nợ công, không phải là không có giải pháp, nhưng những giải pháp ấy đều phải quyết liệt hết, đều đòi hỏi một quyết tâm chính trị rất cao, không chỉ của Chính phủ mà cả Đảng, Quốc hội, và Bộ Chính trị”.

Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh hy vọng Quốc hội và Chính phủ sẽ thực hiện cải cách một cách mạnh mẽ, có hiệu quả trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật và phải có một giai đoạn chịu khắc khổ cũng như trả giá cho các sai lầm thời gian vừa qua”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm nợ công: Cần một quyết tâm chính trị rất cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO