Giảm lãi suất quan trọng thế nào?

TS. PHAN MINH NGỌC| 19/07/2017 00:27

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nếu lãi suất cho vay giảm 1%/năm thì "chúng ta tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước 10.000 tỷ đồng", là một khoản bù đắp đầu tư phát triển rất tốt”.

Giảm lãi suất quan trọng thế nào?

Sáng 18/7, dẫn đầu đoàn công tác tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng yêu cầu NHNN hạ lãi suất.

Theo Bộ trưởng Dũng: “Tính toán phác thảo, dư nợ tín dụng của Việt Nam khoảng trên 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì các doanh nghiệp (DN) dành được 50.000 tỷ đồng, cứ tính 5 đồng vốn 1 đồng lãi thì chúng ta đã có 10.000 tỷ đồng, riêng tiền thuế thu nhập DN đã có 2.000 tỷ đồng và giúp tăng 0,25% GDP. Hay nợ công trong nước hiện khoảng 1 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì tiết kiệm từ ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng”.

Nói thêm về tầm quan trọng của việc hạ lãi suất, Bộ trưởng Dũng cho biết nợ công hiện nay khoảng 1 triệu tỷ đồng. Theo Bộ trưởng thì nếu lãi suất cho vay giảm 1%/năm thì "chúng ta tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước 10.000 tỷ đồng", là một khoản bù đắp đầu tư phát triển rất tốt”.

Những con số nêu trên cho thấy dù chỉ giảm ở mức độ khiêm tốn là 0,5 đến 1 điểm phần trăm thì việc hạ lãi suất vẫn sẽ rất có ý nghĩa cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn sẽ thấy vẫn có nhiều việc cần làm để chủ trương giảm lãi suất ở thời điểm này thực sự phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế.

Thứ nhất, với dư nợ tín dụng của Việt Nam trên 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1 điểm phần trăm thì sẽ giảm được 50.000 tỷ đồng tiền lãi mà nền kinh tế phải trả cho hệ thống ngân hàng thương mại hàng năm. Tuy nhiên, 5 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng này là con số cộng dồn dư nợ từ trước đến nay (và vẫn còn hiệu lực đến hiện tại). Và 5 triệu tỷ đồng này có nhiều kỳ hạn khác nhau, với nhiều mức lãi suất khác nhau, khó có thể cắt giảm theo kiểu “hồi tố” được (vì đã thể hiện và cam kết trong hợp đồng cho vay giữa ngân hàng với người vay). Nếu ngân hàng buộc phải cắt giảm theo kiểu hồi tố thì sẽ phải chịu thiệt hại, bởi họ cho vay với lãi suất cao thì cũng phải huy động với lãi suất cao.

Khi lợi nhuận ngân hàng giảm sẽ dẫn đến hàng loạt hệ lụy lên tăng trưởng và ổn định vĩ mô, như không có nguồn bổ sung, củng cố vốn an toàn tối thiểu nên làm tăng rủi ro đổ vỡ hệ thống; thiếu hụt nguồn vốn cho vay kết hợp với tỷ lệ an toàn vốn không được cải thiện sẽ làm cho tăng trưởng tín dụng bị co hẹp lại; và phần trích nộp ngân sách dưới dạng thuế thu nhập doanh nghiệp và phân chia lợi nhuận cổ đông (với các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước) cũng bị suy giảm theo làm tăng thâm hụt ngân sách, giảm chi tiêu công và kích cầu, từ đó lại dẫn đến giảm tăng trưởng kinh tế…   

Giả sử việc cắt giảm lãi suất cho vay chỉ diễn ra với những khoản cho vay mới từ thời điểm này trở đi. Vì dư nợ cho vay mới chỉ là một phần của con số 5 triệu tỷ đồng trên (18%-20%, là tốc độ tăng trưởng tín dụng mục tiêu cho năm nay), con số “tiết kiệm” được do không phải trả lãi cho các ngân hàng cũng sẽ chỉ là một phần của con số 50.000 tỷ đồng nói trên (chính xác là 9-10 ngàn tỷ đồng) mà thôi. Đó là chưa kể việc “tiết kiệm” này cũng vẫn chính là phần lợi nhuận mà ngân hàng phải “cắt máu” cho doanh nghiệp và cá nhân vay vốn, và cũng sẽ mang lại những hệ lụy cho tăng trưởng và ổn định như phân tích ở trên.

Thứ hai, giả sử cứ đầu tư 5 đồng thì thu được 1 đồng lãi, thì từ 9-10 ngàn tỷ đồng “tiết kiệm” được như tính toán ở trên, doanh nghiệp sẽ thu thêm được gần 2.000 tỷ đồng lãi, ngân sách sẽ có thêm 400 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (20% lợi nhuận). Nhưng thực chất 2.000 tỷ và 400 tỷ này sẽ bị ghi giảm trừ từ phần đóng góp của hệ thống ngân hàng thương mại (do đã phải hy sinh lợi nhuận cho phần còn lại của nền kinh tế).

Thứ ba, GDP theo giá thực tế hiện là trên 5 triệu tỷ đồng. Như vậy, con số 2.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ tương đương chưa đến 0,04% GDP.

Thứ tư, nợ công theo công bố hiện nay là 1 triệu tỷ đồng. Nhưng như đã phân tích ở trên, đây là dư nợ đến thời điểm hiện tại với kỳ hạn và lãi suất đã ấn định xong xuôi, không thể hồi tố được. Nên dù lãi suất huy động cho trái phiếu Chính phủ có giảm 1 điểm phần trăm thì không có nghĩa là ngân sách tiết kiệm được 10.000 tỷ đồng. Có chăng, chỉ các khoản vay nợ công mới (kể cả để đảo nợ) từ nay trở đi mới được hưởng lãi suất thấp hơn này. Nhưng những khoản vay mới này cũng sẽ chỉ là một phần nhỏ của con số 1 triệu tỷ đồng nợ công hiện tại. Nói cách khác, giảm lãi suất 1 điểm phần trăm sẽ chỉ có tác dụng khiêm tốn hơn rất nhiều so với con số ước tính trên.

Và cũng không thể không nhắc lại một lần nữa rằng giảm được gánh nặng nợ công nhờ giảm lãi suất sẽ đi kèm với cái giá phải trả là phần nộp ngân sách từ hệ thống ngân hàng sẽ bị co hẹp lại tương ứng, chưa kể đến các hệ lụy đến tăng trưởng và ổn định vĩ mô như đã chỉ ra ở trên.

Tóm lại, việc cắt giảm lãi suất nếu không có giải pháp đi kèm để không làm thiệt hại đến doanh thu và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thì sẽ không những không có (mấy) tác dụng mà thậm chí còn làm tổn hại đến tăng trưởng và ổn định vĩ mô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm lãi suất quan trọng thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO