Đường hòa nhập của những nhân sĩ chế độ cũ (kỳ 1)

15/04/2010 05:27

Thời bao cấp, ở TP. Hồ Chí Minh có một nhóm chuyên viên kinh tế được nhắc đến với cái tên "Nhóm Thứ Sáu". Thành phần chủ yếu là những người từng làm việc trong chế độ cũ...

Đường hòa nhập của những nhân sĩ chế độ cũ (kỳ 1)

GS. Đặng Phong trong cuốn Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989 kể: Ở TP. Hồ Chí Minh có một nhóm chuyên viên kinh tế được nhắc đến với cái tên "Nhóm Thứ Sáu". Thành phần chủ yếu là những người từng làm việc trong chế độ cũ. Họ được Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh thời đó là ông Võ Trần Chí trọng dụng.

Với những nghiên cứu thầm lặng, Nhóm trí thức này đã đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới của thành phố. Họ để lại dấu ấn trong những đột phá về cải cách giá - lương - tiền, cải tổ ngành ngân hàng, đề xuất lập khu chế xuất Tân Thuận...

Thời kỳ cuối thập niên 70 đầu thập niên 80, tình hình kinh tế xã hội ở miền Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cực kỳ khó khăn.

Sau hai đợt cải tạo, tiềm lực kinh tế của thành phố gần như kiệt quệ. Nhiều năm sau ngày giải phóng, nền kinh tế vận hành theo quán tính như một chiếc xe ngày càng cạn nhiên liệu, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế ngầm phát triển với hàng loạt sản phẩm tiêu dùng thuộc loại kém chất lượng vì thành phần nguyên liệu, phụ liệu không đủ, được đưa ra thị trường nhằm giải quyết nhu cầu không thể thiếu của người dân.

Nền kinh tế kế hoạch tập trung và cơ chế bao cấp áp đặt ở miền Nam làm cả hai miền đất nước nghèo như nhau. Đó là thời kỳ mà lần đầu tiên ở Sài Gòn biết thế nào là ăn độn. Trí thức Sài Gòn phần lớn dính dáng vào quân đội và chính quyền cũ nên phải đi học tập cải tạo, một số trở về mang tâm trạng hoang mang chán nản, một số không ít bỏ ra nước ngoài tạo nên tình trạng chảy máu chất xám đến mức báo động. Thêm vào đó, vụ "nạn kiều" và những chuyến vượt biên bán công khai càng làm cho tâm lý xã hội thêm nặng nề.

Trong tình hình kinh tế xã hội gay gắt ấy, mô hình công ty xuất nhập khẩu trực dụng được lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cho ra đời mà Quận 5 đã đi tiên phong với Công ty Cholimex.

Mục đích của công ty này là huy động những đồng vốn tản mát trong dân dưới hình thức cổ phần, tận dụng các mối quan hệ của những nhà kinh doanh người Hoa với bên ngoài để xuất khẩu các loại hàng nông hải sản rồi nhập vật tư nguyên liệu về cung ứng cho các cơ sở sản xuất tại Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh và cho cả các doanh nghiệp nhà nước. 

Lúc bấy giờ, ông Phan Chánh Dưỡng sau khi giã từ ngành giáo dục được Quận uỷ đưa về làm Trưởng phòng kế hoạch tại Cholimex. Là một nhà giáo gần như chưa bao giờ tiếp cận với hoạt động kinh doanh ở cấp độ công ty, ông Dưỡng thấy rằng cần phải thu hút chất xám từ những người có kiến thức chuyên môn để bổ sung vào những hạn chế của mình.

Thế là ông Trần Bá Tước, một chuyên viên ngân hàng sau khi đi học tập về đã đến với Cholimex vào năm 1982 với tư cách là một phiên dịch. Tiếng lành đồn xa, nhận ra Cholimex là nơi có thể đóng góp hiểu biết của mình, nhiều trí thức cũ đã gặp ông Phan Chánh Dưỡng và trở thành những người trợ lý đắc lực.

Một trong những người này là ông Phan Thành Chánh, chuyên viên ngân hàng và ông Đỗ Hải Minh, chuyên viên hành chính nhiều kinh nghiệm trước đây làm việc ở Bộ phát triển sắc tộc trong chế độ cũ, sau khi đi học tập về đang tìm một chỗ làm việc để nhẹ gánh mặc cảm.

Ông Nguyễn Thông Minh, một chuyên gia mà cũng là một giáo sư đại học dạy vật lý có phương pháp sư phạm rất tốt (nhất là về môn điện tử) lại là một chuyên viên điện toán giỏi, sau khi "đầu quân" đã soạn chương trình vi tính về quản lý lương bổng cho Cholimex, một công việc cực kỳ mới mẻ lúc bấy giờ. Sau đó ông lại đứng ra thành lập Trung tâm Điện toán Cholimex, cơ sở vi tính đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn hai chục năm trong chiều dài lịch sử không là bao nhiêu, nhưng đối với những người ray rứt với tình hình đất nước đang từng ngày chuyển biến thì quả thật là đáng kể.

Những nhân sĩ, trí thức trong Nhóm Thứ Sáu với điểm xuất phát tuy khác nhau nhưng do cùng hoàn cảnh và tâm tư, đã hội tụ thân thiết như các thành viên trong một gia đình. Mỗi tuần họp mặt ít nhất một lần, anh em cùng nhau lạm bàn chuyện thế sự mà không hề có tham vọng riêng tư.

Đây là một nhóm lãng tử tìm đến nhau một cách tình cờ, tập hợp vốn hiểu biết rồi cùng nhau bàn luận, trước hết là để chung vui, còn ai muốn sử dụng những điều ấy như thế nào thì tuỳ hoàn cảnh và công việc.

Bao trùm lên trên cái thực thể của Nhóm là rất nhiều cái Không. Không giấy phép thành lập, không chủ quản, không tổ chức, không nội quy điều lệ, không trụ sở, không ai lãnh đạo, không ai hưởng lương, không vụ lợi, không kỷ luật lẫn khen thưởng, không ràng buộc cũng như không hơn thua với ai và còn nhiều cái không nữa.

Có lẽ nhiều cái không ấy đã làm nên cái có: đó là có anh em, có chuyện để bàn bạc, có tấm lòng và có dịp sinh hoạt với nhau đến nay đã 24 năm liên tục.

Tên gọi của nhóm này thật ra chỉ mới có vài năm gần đây và việc định danh "Nhóm chuyên viên kinh tế Thứ Sáu" cũng rất đơn giản là vì anh em gặp nhau định kỳ vào chiều thứ Sáu hàng tuần.

Nếu ai hỏi Nhóm Thứ Sáu có bao nhiêu người thì cũng khó trả lời chính xác. Trong những năm qua số này có nhiều biến động nhưng "cựu trào" thì còn không quá 10 người. Hiện nay có thường xuyên từ 15 đến 20 anh em gặp gỡ nhau hàng tuần, có thể coi như là những nhân vật nòng cốt.

Từ đó Cholimex thành một nơi đất lành chim đậu, tập hợp rộng rãi các anh em trí thức đang làm việc tại Ban Khoa học Kỹ thuật thành phố, Công ty Đại Dương, Công ty dịch vụ Kỹ thuật như các anh Lê Mạnh Hùng, Võ Hùng, Võc Văn Huệ. Rồi đến Mai Kim Đỉnh, Trương Quang Sáng, Lê Hoà, Nguyễn Chính Đoan, Lê Văn Bỉnh, Trần Văn Tư, Đỗ Trung Đường, Lê Đình Khanh, Lâm Tuấn Anh, Võ Gia Minh, Trần Quí Hỷ, Đỗ Nguyên Dũng, Phan Tường Vân, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Hồ Xích Tú, Nguyễn Ngọc Hồ... cùng một số người khác.

Thời kỳ đầu, họ đã đi thực tế ở nhiều nơi như Duyên Hải, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây, nghiên cứu nhiều dự án với hy vọng khái thác tiềm năng cho nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố. Thế nhưng đó lại là câu chuyện đội đá vá trời trong tình hình cơ chế xơ cứng đang còn ngự trị. Khi nhìn lại anh em thấy những công việc đã làm chẳng qua cũng là công dã tràng. Nhưng dù sao đây cũng là nhân tố ban đầu của sự tập hợp một số trí thức cũ có tấm lòng và mong được đóng góp cho sự phát triển kinh tế thành phố nói riêng và đất nước nói chung.

Bước đầu hình thành Nhóm, ngoài hạt nhân là ông Phan Chánh Dưỡng còn có sự ủng hộ của ông Võ Trần Chí khi ấy đang làm Bí thư Quận 5- một người cầu thị, trân trọng trí thức, trong giao tiếp không bao giờ nói chuyện đao to búa lớn.

Ông Chí cũng nhận ra rằng không dễ dàng khai thác kiến thức của những người trí thức. Muốn anh em đóng góp thì phải tạo cho họ có được cảm giác tự do, không một mảy may gò bó. Cũng trong tư cách một người anh, ông chấp nhận ngay cả việc anh em có thể nói sai, cho rằng đó chẳng qua vì anh em chưa hiểu thấu đáo, lần lần rồi cũng sẽ hiểu ra. Chính sự bao dung đó đã thuyết phục được anh em.

Thời gian này, Nhóm Thứ Sáu sinh hoạt định kỳ ba lần một tuần tại Cholimex vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, gặp gỡ nhau để bàn bạc, tranh luận. Đó vừa là cơ hội để kết thân vừa giải toả được mặt cảm nên ai cũng thấy rất vui, dần dần trở thành nhu cầu mà tuần nào không gặp nhau là cảm thấy như thiếu điều gì đó, một thứ thiếu vắng không có tên gọi.

Giai đoạn 1986-1990: Những công trình nghiên cứu

Sau mấy năm sinh hoạt tại cơ ngơi của Mạnh Thường Quân Cholimex, cùng nhau mổ xẻ một số vấn đề gay gắt trong đời sống kinh tế xã hội, cho đến một lúc họ bỗng giật mình nói với nhau: Cả Nhóm ngồi lại nhiều năm nói chuyện trên trời dưới đất nhưng nếu ai đó không hiểu thì lôi thôi, không chừng lại bị "hỏi thăm".

Suy nghĩ này được ông Phan Chánh Dưỡng đề đạt lên ông Võ Trần Chí khi đó đang làm Bí thư Thành uỷ: nếu thấy tin cậy được thì đề nghị cấp cho một giấy chứng nhận hợp thức hoá sự tập hợp trí thức cũ. Rất may, do quá trình hiểu biết anh em nhiều năm, ông Võ Trần Chí đồng ý và giao nhiệm vụ này cho ông Năm Ẩn, lúc đó là Trưởng ban Kinh tế Thành uỷ.

Thế là một danh sách 24 người được gửi lên cho lãnh đạo, anh Năm Ẩn ký giấy xác nhận danh sách "Nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế của Thành uỷ". Đây không phải là giấy khai sinh mà chỉ là tấm lá chắn nhưng cũng đã đánh dấu thời điểm "hợp pháp" từ tháng 10 năm 1986.

Bắt đầu từ đấy, nhóm trí thức cũ sinh hoạt định kỳ hàng tuần, vẫn tại Cholimex và hoàn toàn có tính tự nguyện. Cũng từ đó các lãnh đạo thành phố như các ông Võ Trần Chí (Hai Chí), Nguyễn Vĩnh Nghiệp (Sáu Tường), Năm Ẩn, Tư Triết, Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) thỉnh thoảng xuống tham dự hội họp với họ.

Cái tư cách pháp nhân lưng chừng ấy cũng đã khiến nhóm nhân sĩ này nghĩ đến một cách sinh hoạt có tính chủ đề hơn. Vì vậy đây chính là thời kỳ hình thành nhiều công trình nghiên cứu có tính bài bản của nhóm. Có thể kể ra đây một số công trình nghiên cứu được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, qua đó tâm huyết của anh em đã có cơ hội góp phần vào việc hình thành chính sách của nhà nước sau này.

1. Nghiên cứu về Giá - Lương - Tiền:

Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên được thực hiện rất bài bản. Có mô tả hiện trạng, có phản biện, có cơ sở lý luận và chuẩn bị bảo vệ ý kiến của mình.

Bài toán giá - lương - tiền được mổ xẻ thấu đáo mà đáp số của nó theo quan điểm của nhóm có cự ly rất xa với nhận định của các nhà hoạch định chính sách ở Trung ương vào lúc ấy. Sau nhiều tuần cọ xát quan điểm, anh em hoàn thành bản nghiên cứu về giá - lương - tiềm thì vào cuối năm 1986 ông Phạm Chánh Trực viết thư giới thiệu công trình này với ông Võ Văn Kiệt lúc ấy đang làm Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và đề nghị ông trực tiếp nghe anh em trình bày.

Các ông Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước ra Hà Nội báo cáo đề tài này với các chuyên viên cấp cao của Chính phủ, buổi làm việc do ông Sáu Dân chủ trì. Đề tài nghiên cứu này có tính thuyết phục, được các chuyên viên như ông Trần Đức Nguyên, Vũ Quốc Tuấn, Lê Đăng Doanh đánh giá cao. Trước khi trở về thành phố Hồ Chí Minh, các anh Dưỡng, Sơn, Tước còn được ông Nguyễn Cơ Thạch (lúc ấy là Bộ trưởng Ngoại giao) mời trình bày đề tài này và cũng được ông đánh giá cao.

2. Nghiên cứu đề tài Cải tổ Ngân hàng:

Sau chuyến thuyết khách ở Hà Nội, Nhóm Thứ Sáu nắm bắt thêm thực tế và phát hiện ra rất nhiều nghịch lý trong điều hành vĩ mô. Một trong những vấn đề đó là hoạt động thiếu hiệu quả của hệ thống ngân hàng của thời kế hoạch hoá tập trung. Đề tài này do hai ông Huỳnh Bửu Sơn và Lâm Võ Hoàng là những người có kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm trong lĩnh vực ngân hàng chủ trì.

Nghiên cứu của họ đi sâu vào cơ thể dị dạng của hai bộ phận Ngân hàng và Tài chính dính chặt vào nhau, sự bất hợp lý trong điều hành chính sách tiền tệ và đề xuất một cơ chế hoạt động cho Ngân hàng theo hướng kinh tế thị trường. Đề tài nghiên cứu này cũng được Chính phủ quan tâm, những suy nghĩ và đề xuất của các thành viên trong Nhóm dường như có sự lan toả cho nên vào năm 1988, khi Chính phủ chuẩn bị Pháp lệnh Ngân hàng, hai ông Lâm Võ Hoàng và Huỳnh Bửu Sơn đã được mời tham gia vào việc soạn thảo.

3. Nghiên cứu phát triển Ngoại thương:

Đây là đề tài nghiên cứu khá gay gắt bởi vào thời điểm ấy thành phố Hồ Chí Minh chủ trương cho các công ty xuất nhập khẩu tự cân đối tài chính. Đề tài này làm rõ chủ trương vừa nói là sai lầm vì đó chính là một trong nguyên nhân đẩy giá cả tăng lên.

Do được quyền tự cân đối nên các công ty xuất nhập khẩu mua nông sản với bất cứ giá nào bất chấp giá thị trường để xuất khẩu, rồi dùng ngoại tệ bán được để nhập khẩu bán lại cho trong nước với giá cao để kiếm lời mà Nhà nước không can thiệp vào. Do tự cân đối mà giá cả nông sản tăng keo theo hàng công nghệ phẩm lên giá, góp phần làm tăng áp lực lạm phát. 

4. Đề tài Kinh tế vùng:

Đề tài này được giao cho ông Nguyễn Ngọc Hồ chủ trì và được bản thảo lâu nhất, kéo dài khoảng nửa năm. Công trình này được ông Lê Văn Triết lúc bấy giờ là Thứ trưởng Thương mại đánh giá cao và sau đó góp phần vào việc hình thành chính sách.

5. Công ty tư vấn Đầu tư và Khu chế xuất:

Vào năm 1987, dưới tác động của chính sách mở của, Nhóm tập trung thảo luận về khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và thống nhất thành lập Công ty tư vấn đầu tư (IMC). Đây là một chuyển biến quan trọng trong sinh hoạt của Nhóm, chuyển từ bàn bạc sang thực hiện.

Ông Phan Chánh Dưỡng được giao làm Phó Giám đốc Công ty, nhưng sau đó do số cán bộ từ thành phố điều xuống áp dụng cách làm việc theo kiểu cũ nên vai tròg hạn chế, không phát huy được công năng của công ty. Vì vậy ông Dưỡng và một số anh em trong Nhóm từng bước rút lui khỏi công ty.

Năm 1989, ông Dưỡng đề nghị thành lập Hiệp hội Xuất nhập khẩu đầu tư (Infotra) và đề tài được anh em tập trung nghiên cứu là Khu chế xuất. Đây cũng là thời gian ông Dưỡng rút khỏi vị trí Giám đốc Cholimex và chú tâm vào việc biến công trình nghiên cứu trở thành hiện thực.

Có thể nói đây là công nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao vì sau đó nội dung này được áp dunhgj vào việc hình thành Khu chế xuất Tân Thuận dưới hình thức Công ty liên doanh trong đó ông Phan Chánh Dưỡng đại diện cho đối tác trong nước làm Phó Tổng Giám đốc.

Và để thực hiện ý tưởng phát triển thành phố Hồ Chí Minh ra biển Đông, Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận sau đó được thành lập làm pháp nhân nghiên cứu và thực hiện các chương trình như đại lộ "Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh" nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu đô thị mới Nam thành phố Hồ Chí Minh, Khu công nghiệp Hiệp Phước...

Mời theo dõi tiếp kỳ 2

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đường hòa nhập của những nhân sĩ chế độ cũ (kỳ 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO