Dự báo kinh tế TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020

PGS-TS. NGUYỄN VĂN TRÌNH| 30/01/2019 06:20

Ba nhóm ngành dịch vụ ưu tiên đầu tư là xây dựng TP.HCM thành trung tâm mua sắm - thương mại điện tử, trung tâm tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước, tạo tiền đề để TP.HCM phát triển thành trung tâm khoa học - công nghệ trong giai đoạn 2021 - 2025 thông qua thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo...

2AA-6694-1547694977.jpg

Ảnh: Huỳnh Phạm Dũng

Những chỉ tiêu chính

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, Nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Thành phố (GRDP) đến năm 2020 đạt bình quân từ 8 - 8,5%/năm, tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP đến năm 2020 chiếm 56% đến 58%.

Khu vực dịch vụ tăng bình quân 9 - 9,6%/năm, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 7,6 - 7,8%/năm, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 5,8 - 6%/năm. Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chương trình Hành động số 16 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X để đáp ứng yêu cầu hội nhập đến năm 2020.

Cụ thể:

Về dịch vụ. Tăng bình quân mỗi năm 8,52% từ 2016 đến 2020. Ba nhóm ngành dịch vụ ưu tiên đầu tư là xây dựng Thành phố thành trung tâm mua sắm - thương mại điện tử, trung tâm tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước, tạo tiền đề để TP.HCM phát triển mạnh dịch vụ khoa học - công nghệ, trở thành trung tâm khoa học - công nghệ trong giai đoạn 2021 - 2025 thông qua thực hiện đề án đô thị thông minh, đề án khu đô thị sáng tạo phía Đông (bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức), ứng dụng công nghiệp 4.0 (trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, big data...), đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh.

Về công nghiệp - xây dựng. Tăng bình quân GRDP mỗi năm 7,87% từ 2016 đến 2020. Trong đó tập trung phát triển ngành điện tử, công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực hiện đề án đô thị thông minh, trọng tâm là công nghệ vi mạch, trí tuệ nhân tạo, mạng internet vạn vật và big data, phát triển ngành cơ khí chế tạo, nhất là phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển nhóm ngành hóa chất, trọng tâm là ngành hóa dược và nhóm ngành chế biến thực phẩm, trọng tâm là phát triển các thương hiệu hàng đầu, như Vinamilk, Kinh Đô, Vissan, Sabeco...

3AA-3000-1547694978.jpg

Về nông nghiệp. Tăng trưởng bình quân mỗi năm 6,04%/ từ 2016 đến 2020. Trong đó ba nhóm được ưu tiên đầu tư là phát triển ngành giống động, thực vật, phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao.

Về thuế sản phẩm. Tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 trung bình hằng năm 9,42%. Tăng trưởng thuế sản phẩm phải từ tăng trưởng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và các biện pháp gia tăng nguồn thu, chống thất thu, chống nợ thuế, chống chuyển giá, chống buôn lậu, chống sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả.

Về hệ số sử dụng vốn (ICOR). Tính chung cho cả giai đoạn 2016 - 2020 đạt mức 3,92. Huy động vốn đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm để đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững cho các giai đoạn sau.Trước tiên là yếu tố về vốn. Tỷ trọng góp vốn vào tăng trưởng GRDP của TP.HCM năm 2018 hơn 37%, bình quân cả giai đoạn 2016-2020 là 37,5%, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2010 - 2015 (45,9%). Điều này cho thấy tỷ trọng góp vốn vào GRDP của Thành phố ngày càng giảm, chứng tỏ hiệu quả sử dụng đồng vốn ngày càng cao.

Về lao động và năng suất lao động. Tác động vào chất lượng tăng trưởng kinh tế mang tính quyết định còn là yếu tố lao động và năng suất lao động. Tính bình quân cho cả giai đoạn 2016 - 2020 đóng góp của lao động vào GRDP là 22%, cho thấy năng suất lao động ngày càng tăng, nhất là lao động có tay nghề cao và lao động sáng tạọ.

Bên cạnh đó, sự đóng góp của các thành phần kinh tế vào sự tăng trưởng GRDP cũng rất tích cực, chủ yếu là kinh tế ngoài nhà nước, trong đó kinh tế tư nhân chiếm trung bình 53,81%, đầu tư nước ngoài 17,73%. Kinh tế ngoài nhà nước là lực lượng năng động với nhiều đột phá đáng kể về công nghệ, chất lượng sản phẩm, thương hiệu, thị trường.

Đã qua hơn nửa giai đoạn 2016 - 2020, có thể đánh giá một cách tương đối chính xác các yếu tố tác động đến chất lượng tăng trưởng kinh tế của TP.HCM. Qua các phân tích và đánh giá này, Thành phố tích lũy kinh nghiệm để hoàn thành vượt mức kế hoạch của hai năm còn lại (2019 và 2020).

4AA-2503-1547694978.jpg

Giải pháp thực hiện

Về cơ chế chính sách. Nhanh chóng hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên cơ sở cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index. Nhanh chóng ban hành cơ chế, chính sách để triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh trên cơ sở ứng dụng các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực. Đồng bộ hóa cơ chế chính sách về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất, đời sống, tăng cường chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. 

Giải pháp về vốn. Tập trung vốn ngân sách nhà nước xây dựng các công trình trọng điểm và thực hiện 7 Chương trình đột phá. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tăng cường thu hút vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bằng các hình thức BT, BOT, BOO, PPP. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước. Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp cũng như khuyến khích hình thành quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.

Về cải cách thủ tục hành chính. Hợp lý hóa, đồng bộ hóa quy trình giải quyết các thủ tục hành chính từ cấp thành phố đến quận, huyện, xã, phường trên cơ sở ứng dụng tiến bộ công nghệ số trong quản lý hành chính công. Kiên quyết giảm thiểu đến mức tối đa các cuộc hội họp của các cấp từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã. Tăng cường đi cơ sở để kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ của các cấp.

5AA-2048-1547694978.jpg

Về khoa học - công nghệ. Đẩy mạnh hỗ trợ nghiên cứu đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm thâm dụng lao động, áp dụng mô hình quản trị hiện đại và tự động hóa quy trình sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quy hoạch, xây dựng, giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải...

Đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học - công nghệ gắn với thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhanh chóng đưa vào khai thác sàn giao dịch công nghệ. Đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ trong quản lý chuyên ngành như sử dụng phần mềm BIM, GIS(25), ITS, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera quan sát, thẻ thông minh...

Tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái phục vụ phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từng bước phát triển khu công nghệ cao theo mô hình thung lũng Silicon của Mỹ. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ cho nông dân.

Về phát triển hạ tầng. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Sắp xếp hệ thống cảng biển khu vực quy hoạch, nâng cấp luồng Soài Rạp giai đoạn 3 phục vụ tàu 50.000DWT đầy tải và 70.000DWT, góp phần phát triển cụm cảng Hiệp Phước.

Hoàn thành quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, như xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, khai thác các tuyến xe buýt BRT.

6AA-7115-1547694978.jpg

Về phát triển thị trường các ngành hàng. Đẩy mạnh chương trình bình ổn giá thị trường kết hợp thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và dịch vụ thu ngoại tệ tại chỗ, kiều hối và bán hàng tại chỗ, bưu chính viễn thông, vận tải hàng không và đường biển. Mở rộng các vùng liên kết dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Đưa ra các cảnh báo về biến động thị trường trong nước và quốc tế. Cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp. Tổ chức khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại cũng như giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ chuyên ngành quốc tế.

Về nguồn nhân lực. Đánh giá, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần tinh gọn bộ máy quản lý. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao. Đẩy mạnh hợp tác đào tạo giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Về liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Kiên trì đề xuất với trung ương hoàn thiện cơ chế điều hành liên kết vùng, trên cơ sở có cơ quan chỉ đạo chung toàn vùng thay thế cho cơ chế điều hành vùng hiện nay không phát huy được hiệu quả.

(* PGS-TS. NGUYỄN VĂN TRÌNH - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dự báo kinh tế TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO