Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

HỒ LÊ| 11/01/2017 03:31

Ngoài các yếu tố thuận tiện, nhanh chóng, tiết giảm chi phí, thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp thu hút nhiều hơn tiền nhàn rỗi trong dân, từ đó tăng nguồn vốn cho đầu tư, mở rộng sản xuất.

Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Ngày 30/12/2016, Chính phủ ban hành Quyết định 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, theo đó, đề ra 4 mục tiêu cụ thể và các giải pháp song hành để thực hiện. 

Đọc E-paper

Mục tiêu thứ nhất là đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Tính đến tháng 10/2016, tỷ lệ này đang ở mức 11,5%. Từ năm 2011 đến nay, mức sử dụng tiền mặt dao động trong khoảng 11 - 13%, mặc dù tính theo giá trị tuyệt đối thì lượng tiền mặt đang lưu thông đã tăng hơn gấp 2 lần.

Tuy nhiên, nếu xét trong một giai đoạn dài thì tỷ lệ này đã giảm từ 23,7% vào năm 2001 xuống còn 14,02% năm 2010 và xuống 11,5% như hiện nay. Do đó, việc giảm thấp hơn 10% không phải quá khó.

Mục tiêu thứ hai là phát triển mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại các điểm bán, nâng dần số lượng, giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ. Đến năm 2020, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS với lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm.

Tính đến quý III/2016 thì số máy POS đang có là 250.455, với tổng lượng giao dịch hơn 66,5 triệu trong 9 tháng, tăng so với số lượng giao dịch gần 60 triệu của cả năm 2015 và có thể tăng hơn 3 lần số lượng giao dịch của năm 2013.

Mục tiêu thứ ba là thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, thực hiện mục tiêu của Kế hoạch Tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 (100% siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng, 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng).

Hiện tại hầu như các siêu thị, trung tâm mua sắm đều có trang bị thiết bị chấp nhận thẻ, thậm chí có ở các khách sạn, nhà hàng. Các ngân hàng đã có dịch vụ thanh toán tự động hóa đơn tiền điện, nước, cước viễn thông, truyền hình và ai có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đều dễ dàng đăng ký sử dụng dịch vụ này, do đó mục tiêu này là khả thi.

>>Không chia cổ tức bằng tiền mặt, các ngân hàng lớn nói gì?

Mục tiêu thứ tư là tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại phục vụ khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, tăng mạnh số người được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.

Hiện tại số tài khoản tiền gửi thanh toán cá nhân là 66,7 triệu người, chiếm 73% tổng dân số, tuy nhiên trong số 66,7 triệu tài khoản trên có một tỷ lệ không nhỏ khách hàng mở tài khoản tại nhiều ngân hàng.

Đây có lẽ là mục tiêu khó nhất vì để phát triển các dịch vụ tài chính về khu vực nông thôn cần phải khuyến khích được các ngân hàng phát triển mạng lưới sâu rộng, trong khi nhiều ngân hàng hiện nay chỉ muốn phát triển mạng lưới tại các đô thị lớn, thậm chí một số ngân hàng còn định hướng thu hẹp dần mạng lưới truyền thống, thay vào đó phát triển các kênh giao dịch hiện đại như Ebanking, Autobanking.

Để có thể phát triển các hình thức, phương tiện thanh toán hiện đại ở khu vực nông thôn đòi hỏi việc nâng cao dân trí cho người dân, tuy nhiên việc này khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều.

>>Đầu tư chứng khoán: Cân bằng giữa cổ phiếu và tiền mặt

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước thì số lượng giao dịch theo các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt 9 tháng đầu năm 2016 hơn 391 triệu món, nhưng tổng giá trị giao dịch chỉ ở mức 46.366 nghìn tỷ đồng, bình quân một giao dịch là 118 triệu đồng, giảm so với những năm trước đây, cho thấy xu hướng ngày càng có nhiều giao dịch nhỏ lẻ cũng chọn thanh toán không dùng tiền mặt.

Lợi ích của việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt là khá rõ ràng, ngoài các yếu tố thuận tiện, nhanh chóng, tiết giảm chi phí, nó còn giúp thu hút nhiều hơn tiền nhàn rỗi trong dân, từ đó tăng nguồn vốn cho đầu tư, mở rộng sản xuất. Nó còn giúp Ngân hàng Nhà nước tăng khả năng kiểm soát lượng tiền trong nền kinh tế, từ đó có thể điều tiết lượng cung tiền cho phù hợp, kiểm soát lạm phát cũng như hỗ trợ các cơ quan chức năng tăng cường phòng chống tham nhũng và tội phạm kinh tế.

Thách thức lớn nhất hiện nay chính là tính an toàn của các phương tiện thanh toán cũng như tính bảo mật của ngân hàng, tổ chức cung cấp các dịch vụ thanh toán. Những vụ mất tiền trong tài khoản hoặc gian lận thanh toán trong thời gian qua có thể phần nào gây sụt giảm niềm tin của khách hàng, do đó nâng cao tính bảo mật cũng như kiến thức, kỹ năng của người sử dụng dịch vụ thanh toán, đảm bảo an toàn trong giao dịch để nâng cao niềm tin của khách hàng là những vấn đề quan trọng cần được thực hiện nếu muốn Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thành công.

>>Kỷ nguyên thanh toán di động

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO