Dạy con biết tự lập

QUỲNH NAM| 23/06/2009 01:28

Theo thạc sĩ tư vấn tâm lý Hoàng Minh Tố Nga, ba - bốn tuổi đã là lúc trẻ cần học tính tự lập. Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, những đứa trẻ sớm được cha mẹ giáo dục tính tự lập thì sẽ nhanh nhẹn và hoạt bát hơn bạn bè cùng trang lứa.

Dạy con biết tự lập

Theo thạc sĩ tư vấn tâm lý Hoàng Minh Tố Nga, ba - bốn tuổi đã là lúc trẻ cần học tính tự lập. Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, những đứa trẻ sớm được cha mẹ giáo dục tính tự lập thì sẽ nhanh nhẹn và hoạt bát hơn bạn bè cùng trang lứa.

Ảnh minh hoạ

Thực tế cho thấy, cuộc sống càng khá giả luôn “tỷ lệ thuận” với mức độ chiều chuộng con cái của các bậc cha mẹ. Có người, vì đã trải qua một tuổi thơ không phẳng lặng hoặc khốn khó nên khi làm cha làm mẹ đã lấy việc chiều con để “bù đắp” cho mình. Có người do quá bận bịu, không có nhiều thời gian cho con nên đã chiều con “vô điều kiện” hoặc phó thác cho người giúp việc.

Lẽ thường, cha mẹ nào chả thương con, nhưng nếu thương đúng cách thì vô tìnhchính họ đã làm hại đến nhân cách của con sau này. Người ta thường lấy câu Cha mẹ sinh con trời sinh tính để bao biện cho sự bất lực trong việc dạy dỗ con cái. Mọi đức tính tốt hay phẩm chất tốt của con người đều không tự nhiên mà có, phần nhiều đều do giáo dục mà nên.

Người xưa có câu Dạy con từ thuở còn thơ, quả không sai. Cha mẹ nào cũng cảm nhận được rằng trẻ con bây giờ khôn lắm, thế thì tại sao lại không dạy chúng phát huy tính tự lập ngay từ nhỏ?

Càng lớn, trẻ càng nhận ra mình là một thực thể độc lập với cha mẹ. Cùng với sự ý thức về bản thân thì trẻ cũng nảy sinh nhu cầu làm mọi việc theo ý mình. Tạo cho trẻ cảm giác được quan tâm đầy đủ về mặt tinh thần, không chê bai, dọa nạt trẻ chính là bước đầu tiên để dần hình thành tính tự lập, tự chủ cho chúng. Vì chỉ có sự tự tin (không sợ hãi, lo lắng) mới cho trẻ cảm giác an toàn khi học cách tự lập.

Theo một nghiên cứu mới đây của Giáo sư Angie S. Page và cộng sự thuộc Đại học Bristol, có nhiều lý do dẫn đến sự hình thành tính cách thiếu độc lập ở trẻ nhỏ, nhưng một trong những nguyên nhân chính là do các bậc cha mẹ quá lo lắng đến sự an toàn của trẻ, dẫn đến việc can thiệp quá nhiều vào thói quen, tính cách của chúng.

Chị Ngọc Ánh, chủ một cửa hàng thời trang tại TP.HCM đã chia sẻ kinh nghiệm dạy con biết tự lập rất hay: “Trước khi đi ngủ bao giờ tôi cũng kể chuyện cho con nghe. Khi thì chuyện bạn Sóc tự mang giày và tự mặc quần áo khi tới trường, khi thì chuyện bạn Thỏ chơi xong biết tự dọn đồ chơi... Ở tuổi lên hai, lên ba, trẻ rất thích bắt chước và tôi đã thành công, sau một vài lần cùng “thực tập” với con”.

Chị Hà Hải Anh, giáo viên trường mẫu giáo tư thục Hạnh Phúc (Thủ Đức) lưu ý rằng: “Muốn dạy trẻ biết tự lập, cha mẹ phải biết cách giảng giải cho chúng về lý do và cách làm. Chẳng hạn tại sao lại phải rửa tay trước khi ăn hay phải rửa tay như thế nào mới đúng...

Tốt nhất là phải lựa lúc trẻ vui để khuyến khích chúng hành động theo hướng dẫn của người lớn kèm theo những lời khen. Không nên bắt ép chúng phải làm thế này hay thế kia, nhưng khi cần cũng phải cương quyết nếu chúng tỏ ra bướng bỉnh hoặc cố tình làm ngược lại yêu cầu của người lớn”.

Trẻ con cũng có lòng tự trọng và “sĩ diện” của riêng chúng. Nếu đã giao cho trẻ làm việc gì thì tốt nhất là cha mẹ không nên can thiệp vào.Hãy cho chúng quyền tự quyết định trong một số việc, nếu như điều đó không có hại gì. Chẳng hạn, mùa hè mà trẻ đòi mặc áo len thì cứ để cho chúng mặc, thấy nóng, chúng sẽ khắc cởi ra. Và khi ấy, cha mẹ có thể nhắc nhở nhẹ nhàng rằng: “Con thấy chưa, mẹ nói có sai đâu...”.

Thông thường, trẻ sẽ vui vẻ dọn đồ chơi hay tự giác đánh răng hơn khi không có cha mẹ ở nhà. Và điều cần chuẩn bị ở đây là phải giúp trẻ quen dần với việc cha mẹ đi vắng trong một khoảng thời gian có hẹn trước.

Khi yêu cầu trẻ tự mang giày, đeo cặp trước khi tới lớp, cha mẹ nên kiếm cớ đi sang phòng khác và hứa sẽ trở lại trong ít phút. Mặt khác, nếu thường xuyên chứng tỏ sự hỗ trợ và khích lệ của mình, cha mẹ sẽ khiến trẻ thêm tự tin khi làm mọi việc một mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dạy con biết tự lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO