Còn lại chút hoang sơ

HOÀNG CHÂU| 27/12/2009 08:39

Nét khác lạ ở Măng Đen là sự tươi tốt nguyên vẹn, không bị con người can thiệp thô bạo. Hơn 4.000ha rừng thông thanh thản nằm đan cài giữa vùng rừng nguyên sinh trùng điệp rộng hơn 100.000ha...

Còn lại chút hoang sơ

1. Từ thị xã Kon Tum, đi theo quốc lộ 24 chỉ một giờ ngồi trên ô tô, chúng tôi đã đến Khu du lịch sinh thái Măng Đen (Kon Tum). Nét khác lạ ở Măng Đen là sự tươi tốt nguyên vẹn, không bị con người can thiệp thô bạo. Hơn 4.000ha rừng thông thanh thản nằm đan cài giữa vùng rừng nguyên sinh trùng điệp rộng hơn 100.000ha. Huyện Kon Lông và tỉnh Kon Tum đang giữ gìn và thêm thắt sao cho Măng Đen trở thành khu du lịch sinh thái văn hóa, xứng đáng là điểm khởi đầu của tuyến du lịch "Con đường xanh Tây Nguyên".

Nhà rông Măng Đen vẫn còn giữ được nét văn hóa bản địa

Giữa một huyện vùng cao có độ phủ xanh 85%, trên đường khám phá vẻ đẹp lồng lộng của thiên nhiên, bất chợt du khách thấy một ngôi làng dân tộc thiểu số êm đềm bên lòng hồ, suối, thác hoặc dòng sông. Làng với những căn nhà sàn nguyên sơ nương tựa rừng cây, có bến nước, nương rẫy kề cạnh và ngôi nhà rông truyền thống thỉnh thoảng ngân vang nhịp điệu cồng chiêng chất chứa tình cảm thiêng liêng của cộng đồng.

Ai từng đi qua những vùng đồng bào dân tộc ít người ở Tây Bắc, càng thấy được nét đặc trưng của người thiểu số Mơ Năm, Ca Dong, H'Re... đang sinh sống quanh vùng cao Măng Đen này. Họ vẫn bảo tồn những giá trị truyền thống đầy sắc màu văn hóa bản địa. Song, cảnh quan thiên nhiên vốn có của núi rừng Măng Đen dường như không còn trọn vẹn khi những biệt thự mang kiểu dáng Tây phương mọc lên trong rừng thông do các công ty kinh doanh du lịch đến từ các thành phố lớn chuyển đổi mục đích sử dụng. Vì thế, một diện tích rừng không nhỏ chỉ còn trơ lại gốc ngay sau khi khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng được cấp phép triển khai...

Lão nông Hồ Mó sinh sống tại Măng Đen nói rằng, kể từ khi các công ty du lịch đến đầu tư xây dựng thì rừng Măng Đen mới bị chặt phá nghiêm trọng. Ông nói thêm, ông và bao người sống cùng rừng khi biết Nhà nước cho các công ty đất để xây dựng và phát triển khu du lịch sinh thái thì mọi người vui lắm, nhưng từ khi xây dựng đến nay vẫn cứ bỏ trống, không người ở, không khách du lịch. Nhìn buồn lắm.

Dân Măng Đen chờ đợi sự phát triển của du lịch, chờ được thấy nhiều người đô thị hơn để bán sản vật địa phương kiếm sống, song mọi chuyện vẫn như cũ sau nhiều năm. Thông cứ ngã xuống và thưa dần. Biệt thự vẫn còn đó, vẫn lộng lẫy. Ông Hồ Mó nhìn những biệt thự với ánh mắt buồn và tiếc rẻ. Buồn vì chưa thấy hiệu quả của việc đầu tư du lịch, tiếc vì sựï lãng phí của những căn biệt thự kia, tiếc vì thông ngã xuống quá nhiều...

2. Từ nơi này, xuôi theo quốc lộ 24 trên đường về vùng duyên hải, còn 110km là tiếp giáp Quảng Ngãi, quê hương của núi Ấn sông Trà và những cánh đồng ruộng mía bao la. Lại một chặng dài chờ đợi, chúng tôi hào hứng để được đến với biển Sa Huỳnh. Không hiểu vì sao và từ bao giờ biển có tên như vậy, nhưng có lẽ do biến đổi của tạo hóa, cảnh vật đã xoay vần mới khiến bãi biển trở nên hoang tàn như thế, chứ trước đây, chắc hẳn biển phải đẹp lắm. Cát vàng bây giờ đã bị người nuôi tôm làm vấy bẩn, biển không còn sóng bọt trắng muốt như lời kể trước đây.

Biển Sa Huỳnh chạy dài đến 6km, từng nổi tiếng là bãi biển đẹp và là vựa muối quan trọng của miền Trung

Thấy chúng tôi muốn băng qua “rác” để xuống biển, ông Nguyễn Văn Huỳnh từ đầm tôm lên, chỉ tay về phía xa của biển mà nói: “Các người đi chỗ kia biển mới sạch, ở đây người ta nuôi tôm hết rồi, sao chơi được”. Khi được hỏi dân bắt đầu nuôi tôm lâu chưa, ánh mắt ông Huỳnh chợt buồn. Ông đã ngoài 50 tuổi, gắn liền với hình ảnh “bán mặt cho đất...”, quanh năm cặm cụi với ruộng đồng. Cách đây 5 năm, ông chuyển sang nuôi tôm sú, nhưng vui thì ít mà lo lắng thì nhiều.

Ông nói rằng, dân ở đây giàu nhờ tôm mà chết cũng vì tôm. Trước đây, khi mới bắt đầu nuôi tôm, trúng lắm. Nhà nhà, người người bỏ ruộng vay tiền ngân hàng để nuôi tôm. Nhưng nuôi càng nhiều, nước nhiễm bẩn, tôm chết cũng nhiều. Ông Huỳnh có hơn 4.000m2, thả 2 vạn con tôm giống. Cứ thế vụ qua vụ, ông chờ đợi thu hoạch tôm để trang trải nợ nần và lấy tiền nuôi các con, nhưng tôm chẳng thấy đâu mà chỉ thấy người đòi nợ đến ngày một nhiều. Vay người dăm trăm, người một triệu, nay tổng cộng đã lên tới gần 30 triệu đồng, chẳng biết lấy gì trả nợ.

Nguyên nhân do thiếu kiến thức, kỹ thuật cũng như chưa tính đến yếu tố môi trường, nên hiện nay vùng nuôi tôm lên tới hàng trăm hécta này đang rơi vào thảm họa. Nguồn nước bị ô nhiễm nặng, không thể chuyển đổi đất sang mục đích sản xuất khác, nuôi thủy sản thì chết hàng loạt...

Thế nên, giá tôm sú lên đến 80.000 đồng/kg mà bà con cũng chỉ biết khoanh tay đứng nhìn. Cứ tưởng rằng, biển hy sinh màu xanh, cát mất đi màu vàng để màu sắc cuộc sống của người dân tươi hơn. Nào ngờ...

3. Xuôi theo quốc lộ 1A từ thị trấn Bồng Sơn, điểm bắt đầu đoạn đường dọc biển của tỉnh Bình Định, chúng tôi tiếp tục theo đường mòn biển, một bãi tắm cát vàng hiện ra, biển chiều chuyển sang màu xanh đen làm nổi bật những con sóng vỗ bờ trắng xóa. Được kẹp giữa hai ngọn đồi nên ít có sóng lớn, Lộ Diêu (thôn Lộ Diêu ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn) hiện ra trong mắt du khách êm đềm, thanh bình, và dĩ nhiên là hoang vắng với bãi cát vàng trải dài. Nghe người dẫn đường kể lại, những dịp lễ, Tết, thanh niên từ Bồng Sơn có thể kéo nhau ra tổ chức những bữa tiệc nhỏ trên biển, rồi sau đó trả lại cho biển sự yên bình vốn có quanh năm.

Lộ Diêu mang một vẻ buồn man mác, khiến du khách ghé qua không bị say đắm ngay phút đầu tiên, nhưng lại không muốn nhanh chân đi khỏi vùng biển yên bình, hiền hòa này. Sự hoang sơ của biển khiến người chứng kiến không thể kìm nén. Điều này giải thích tại sao chúng tôi có thể trầm mình xuống biển, phớt lờ cả chuyện không hề có nước ngọt để tắm lại. Bất chấp đoạn đường cả trăm cây số mới vào đến TP. Quy Nhơn. Sức hấp dẫn của những cảnh vật hoang sơ đến là lạ!

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi chinh phục đoạn đường lầy qua đầm Thị Nại để được đi trên cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Đầm Thị Nại lớn nhất Bình Định, dài hơn 10km, bề rộng gần 4km, nằm ở phía Đông Bắc TP. Quy Nhơn. Được nghe về Khu kinh tế Nhơn Hội đã lâu, nay chúng tôi mới được tận mắt chứng kiến.

Sau nhiều năm triển khai và phát triển để thu hút đầu tư, nhưng đường sá ở đây còn xấu lắm, các dự án cũng ngổn ngang không kém. Hút chưa tàn điếu thuốc, lão ngư Bùi Có (sống tại đầm Thị Nại) tụt xuống khỏi mô đất, đưa tay dụi mắt. Ngón tay sần sùi, nhăn nheo dính chặt những hạt cát màu đen sẫm, li ti. Ông Có than rằng, chờ mãi mà chẳng thấy dự án nào ra ngô ra khoai.

Ông Có chẳng phản bác gì chuyện đầu tư phát triển của Nhà nước, điều ông ca thán chỉ là những hệ lụy do cung cách triển khai dự án mang lại. "Nhà có vườn xoài, mọi năm nó cho vài triệu đồng dằn túi, vậy mà mùa rồi "điếc" luôn. Đến bữa ăn cũng không yên với cát. Lắm hôm bụng đói meo, tui cũng bỏ đũa nhịn luôn. Đã vậy, đường sá nhầy nhụa vì xe tải nặng cày nát", ông Có lại đưa tay dụi mắt.

Thực vậy, ở Nhơn Hội, Trung Lương là dự án động thổ sớm nhất và cũng là dự án trầy trật trước nhất, xuất phát từ nỗi nghi hoặc của cư dân địa phương trước hoạt động khai thác titan đi liền sau nghi thức trống dong cờ mở. Diễn biến về sau không khó hình dung, duy có điều, nó cấp cho Trung Lương một lý do để đình trệ. Khi dự án... còn giậm chân tại chỗ, cũng có nghĩa cuộc sống của người dân tại khu Nhơn Hội này vẫn không “ thuận”...

Một buổi trưa mịt gió, từ đỉnh đụn cát cao cạnh tuyến đường trục đang thi công nhìn xuống, toàn cảnh khu kinh tế thật mênh mông, bộn bề và gân guốc. Đã qua thời tự mơn trớn, bay bổng với con số hơn 40 dự án cùng nguồn tài chính chim trời cá nước vài ba tỷ USD. Nhơn Hội nay bớt ồn ào để hoàn thiện những gì còn dang dở. Vượt qua cây cầu dài nhất Việt Nam với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 7km, riêng cầu Thị Nại có độ dài 2.477,3m, chúng tôi biết rằng, chuyến đi đang dần khép lại. Mỗi người một suy nghĩ, nhưng chắc hẳn ai cũng cảm thấy thỏa mãn vì những gì đã trải qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Còn lại chút hoang sơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO