Cơ hội cho cà phê Việt Nam mở cửa thị trường Hồi giáo

28/09/2011 04:56

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho hay, xuất khẩu cà phê có dấu Halal sang thị trường các nước Hồi giáo đang là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi thuế suất giữa các nước ASEAN bằng 0%.

Cơ hội cho cà phê Việt Nam mở cửa thị trường Hồi giáo

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho hay, xuất khẩu cà phê có dấu Halal sang thị trường các nước Hồi giáo đang là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi thuế suất giữa các nước ASEAN bằng 0%.

* Thưa ông, chế biến, xuất khẩu vào các nước đạo Hồi đang là xu hướng của ngành chế biến cà phê Việt Nam?

Giá trị trao đổi thương mại toàn cầu tính riêng cho nhóm thực phẩm Halal đạt khoảng 661 tỷ USD. Việt Nam hoàn toàn có khả năng thu về 2 -3 tỷ USD/năm từ thị trường này. Điều này phù hợp với Chiến lược phát triển ngành cà phê Việt Nam, nâng tỷ lệ chế biến từ 3% hiện nay lên 25% vào năm 2020.

Hiện nay, lượng cà phê nhân xuất vào thị trường các nước Hồi giáo tương đối lớn, nhưng mới có cà phê Trung Nguyên, cà phê Mê Trang được chứng nhận dấu Halal. Nhưng đây sẽ cơ hội tốt cho doanh nghiệp (DN) chế biến cà phê xuất khẩu sang thị trường các các nước Hồi giáo, đặc biệt là Indonesia, Malaysia, khi thuế suất giữa các nước ASEAN bằng 0%.

* Cà phê của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất thô, còn sản lượng chế biến không bao nhiêu. Theo ông, tiếp cận thị trường Hồi giáo, cà phê chế biến của Việt Nam sẽ gặp những khó khăn nào?

Năm nay, ước tính, lượng xuất khẩu sẽ đạt mức 1,2 triệu tấn, thu về từ 2,4 - 2,5 tỷ USD. Giá cà phê xuất khẩu đạt mức cao nhất trong 13 năm qua, đỉnh điểm tới 2.600 USD/tấn tại thị trường London, còn trung bình là 2.200 -2.300USD/tấn.

Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê nhân tăng nhưng giá trị mang lại không lớn, bởi nguồn lợi lớn nhất nằm ở khâu chế biến. Trong khi nhìn vào ngành chế biến cà phê của Việt Nam, chỉ vỏn vẹn có 3 thương hiệu lớn: Vinacafe, Cà phê Trung Nguyên và Cafe Việt, còn lại là các nhà rang xay nhỏ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Cái khó nhất của ta hiện nay là nguồn lực đầu tư các nhà máy chế biến cà phê, bởi một xuất đầu tư rất cao, từ 10-15 triệu USD cho 1.000 tấn cà phê hòa tan.

Thị trường thực phẩm Halal rất tiềm năng, chiếm 25% người tiêu dùng thế giới. Nhưng khó nhất là đảm bảo quy trình được chứng nhận Halal. Chẳng hạn, ngay khi đầu tư nhà máy chế biến cà phê hòa tan, DN phải được chứng nhận đủ tiêu chuẩn chế biến sản phẩm Halal.

Đặc biệt, DN phải có ít nhất hai lao động là người theo đạo Hồi tiếp cận dây chuyền sản xuất. Vì vậy, nếu quyết tâm bước vào thị trường khổng lồ này, DN phải thay đổi tư duy kinh doanh.

* Như vậy, cần một cơ chế để kinh doanh, xuất khẩu cà phê hiệu quả?

Điều đó là rất cần thiết. Cà phê là một mặt hàng có dung lượng giao dịch lớn, chỉ đứng sau dầu thô. Nhưng việc giao dịch thật chỉ có 2% , còn lại 98% là qua giấy tờ.

Lâu nay, xuất khẩu cà phê vẫn xoay quanh câu chuyện nhiều người bán nhưng ít người mua, giá cả và chất lượng thất thường. Việt Nam có gần 150 DN bán cà phê cho 20 đại diện nước ngoài và 20 DN này lại chỉ bán cho 8 nhà rang xay trên thế giới, chiếm 80% tổng lượng cà phê toàn cầu.

Hiện, xuất khẩu cà phê của Indonesia tập trung vào 5 DN. Tất nhiên Việt Nam không thể tập trung như thế nhưng cũng không nên để quá nhiều DN cùng xuất khẩu như hiện nay.

Nếu để tự do như hiện nay, chúng ta sẽ mất nhiều hơn được. Tôi cho rằng, kinh doanh cà phê phải là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Chúng ta nên lựa chọn những DN có kinh nghiệm từ 2 - 3 năm tham gia vào ngành cà phê, có kho dự trữ, có tài chính lành mạnh, có thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội cho cà phê Việt Nam mở cửa thị trường Hồi giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO