Cố đô sáng đèn hát bội

NGUYỄN VĂN TOÀN| 05/08/2017 07:57

Gọi là "hát bội" bởi trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướn, lông công, lông trĩ... lên người. Chức năng của hát bội (tên gọi khác là tuồng) để người xem phân biệt được phải trái, tốt xấu.

Cố đô sáng đèn hát bội

Gọi là "hát bội" bởi trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướn, lông công, lông trĩ... lên người. Chức năng của hát bội (tên gọi khác là tuồng) để người xem phân biệt được phải trái, tốt xấu.

Đọc E-paper

Bởi thế, nói về hát bội, vua Minh Mạng đã viết hai câu đối bằng chữ Hán ở Duyệt Thị Đường: Âm nhạc tinh trần hòa kỳ tâm dĩ dưỡng kỳ chí/ Nghiên xuy tề hiến thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi (Âm nhạc cùng phô bày, hòa lòng người để nuôi dưỡng chí khí/ Thiện ác đồng trình diện, khiến giữ được cái tốt (cái đúng) mà giới hạn cái xấu (cái sai). Chẳng hạn, kiểu cách đi đứng trong hát bội dùng để biểu lộ cái "tâm" của nhân vật thiện, ác.

Như lên ngựa xuống ngựa đều phân biệt kiểu cách trung tướng khác kiểu cách dạng nịnh thần. Các diễn viên hát bội phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ ai là trung, nịnh, sang, hèn, như về màu sắc thì sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần, màu xám là nịnh thần, màu đen là người chân thật.

Theo truyền thuyết dân gian thì hát bội ra đời ở Bình Định, do ông Đào Duy Từ - trước khi là danh thần của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, người Thanh Hóa, bị chúa Trịnh không cho thi hương vì là con "phường chèo", đã trốn vào Nam sống ở huyện Hoài Nhơn, dạy cho người dân ở đây diễn nghệ thuật múa hát theo kiểu hát bội mà chúng ta biết ngày nay.

Hát bội phát triển nhờ lối hát cương, từ Bình Định lan đến Phú Xuân ở Đàng Trong, ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống cung đình Huế. Các chúa Nguyễn cũng đã nhanh chóng đưa hát bội vào cung đình để giải trí.

Đến thời Nguyễn Phúc Chu thì đã có đoàn vũ nữ ngoài hát múa, còn diễn hát bội. Dưới thời Nguyễn Phúc Khoát, chúa cho xây dựng cung điện Đồng Lạc là nơi để trình diễn hát bội, lại sai người tập trung nghệ sĩ hát bội ở triều đình, chú tâm xây dựng đội hát bội ở hoàng cung.

Chủ đề trong các vở hát bội ở giai đoạn này tập trung thể hiện lòng trung quân ái quốc nên được các chúa Nguyễn khuếch trương. Do đó, hát bội trở thành "quốc kịch" ở Đàng Trong.

Nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình trong cuốn sách "Tuồng Huế”, có nhắc đến một tài liệu bằng tranh của J.Barrow in tại Luân Đôn năm 1806, cho biết cảnh diễn tuồng cuối thế kỷ XVIII ở Đàng Trong, mô tả cảnh hát bội thiết triều, rất đông khán giả đứng xem.

Đến đời vua Gia Long, triều đình đã tổ chức Việt Tường Đội đào tạo diễn viên hát bội. Đến triều Minh Mạng thì hát bội rất được quan tâm.

Thanh Bình Thự là trường dạy diễn viên hát bội được thành lập năm 1825 và Duyệt Thị Đường - sân khấu hát bội hoàng cung được xây dựng năm 1826. Nhiều vở hát bội được tổ chức soạn thành văn hoàn chỉnh như Quần tiên hiến thọ do Nguyễn Bá Nghi soạn.

Dưới triều Tự Đức, hát bội phát triển rực rỡ, vua cho xây thêm nhà hát Minh Khiêm Đường, năm 1864, lại thành lập Ban Hiệu thư, chuyên sáng tác, chỉnh lý, hiệu đính các vở hát bội. Đào Tấn được vua tín nhiệm, sung vào Ban Hiệu thư lúc còn trẻ, đã sáng tác nhiều vở hát bội trong giai đoạn này. Có những vở hát bội dài hàng trăm hồi, mỗi hồi diễn một đêm, như Vạn bửu trình tường.

Hát bội ở Huế là nghệ thuật đỉnh cao. Đó chính là kết quả lao động sáng tạo của nhiều nhà văn hóa và nghệ sĩ tài hoa ở cung đình và khắp cả nước nên vừa mang tính bác học vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Khi nhà Nguyễn tiêu vong vào năm 1945, các nghệ sĩ hát bội từ Huế tỏa đi khắp nước để tìm kế mưu sinh và giữ nghề. Các đoàn hát bội trong Nam ngoài Bắc do đó ít nhiều là hậu nhân của các nghệ sĩ hát bội của cố đô Huế.

Thanh Bình Từ Đường ngày nay

Sau năm 1975, Huế duy trì được hai đoàn hát bội. Một đoàn trong biên chế nhà nước dưới tên Đoàn Múa hát truyền thống và một đoàn tuồng nghiệp dư là Đoàn Thanh Bình thành lập năm 1981. Nhiều sân khấu ngoài trời ở các vùng ngoại ô Huế nồng nhiệt đón nhận các đoàn hát bội. Có những sân khấu ở làng xã đón các đoàn hát bội với người xem lên đến hàng nghìn.

Vào năm 2006, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế được thành lập với mong muốn bảo tồn nhã nhạc cung đình và hát bội Huế. Từ năm 2015 đến nay, chương trình biểu diễn nghệ thuật ở Duyệt Thị Đường đã dành 15/45 phút cho hát bột và được khán giả ủng hộ.

Hát bội là ngành giải trí, tiêu khiển chính thống của triều đình, nên khi vạch đồ án xây dựng kinh thành Huế, vua Gia Long đã nghĩ đến chỗ đất làm Duyệt Thị Đường và do đó đến đời Minh Mạng, Duyệt Thị Đường - nhà hát tuồng được xây dựng, là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam. Nhà Duyệt Thị được xây cất khang trang với tổng diện tích 11.740m², trong đó diện tích xây dựng nhà hát là 1.182m².

Trước cửa vào ngôi từ đường là bức hoành phi lớn sơn son thiếp vàng, khắc chữ "Thanh Bình Từ Đường". Thời gian đã rêu phong càng làm tăng thêm vẻ cổ kính của ngôi từ đường và bức bình phong long mã (ngựa hóa rồng) chắn ngang lối vào làm nổi bật nét kiến trúc tâm linh xứ Huế xưa. Theo người dân địa phương thì ngày xưa Thanh Bình Thự rất rộng, bao trọn cả kiệt 281 Chi Lăng, TP. Huế. Xóm Thanh Bình vì thế cũng được gọi là "xóm Hát Bội".

Năm 1992, Thanh Bình Từ Đường được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Theo Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên - Huế thì Thanh Bình Từ Ðường được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 5 (1825) làm nơi luyện tập cho những nghệ nhân thuộc đội hát bội Việt Tường trong cung cấm, là trường dạy nghệ thuật hát bội có quy mô lớn nhất và tổ chức chặt chẽ nhất ở nước ta dưới thời phong kiến, sau này là chỗ thờ cúng các thánh thần được suy tôn là thánh sư, tiên sư, tổ sư và những người có công trạng đối với nghệ thuật sân khấu tuồng Huế (hát bội) và khu vực miền Trung.

Chính giữa Thanh Bình Từ Đường là bàn thờ các vị tổ ngành xướng ca của cả nước. Cũng ở ban thờ này, còn có hương án thờ 27 vị thầy của ngành nghệ thuật truyền thống này, trong đó, vị thầy đã có công lớn và được phong là hậu tổ hát bội, đó là cụ Đào Tấn. Thanh Bình Từ Đường chính là ngôi từ đường của ngành hát bội.

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh - Trưởng Đoàn Hát bội - Cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh (Đồng Nai) khi ra giỗ Tổ nghề ở Thanh Bình Từ Đường, tâm sự: "Sân khấu hát bội đầy tính nhân văn, phản ánh rất rõ những tích cực và tiêu cực của xã, ca ngợi phẩm chất nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, đặc biệt là chuyên chở những tâm tư ước vọng của nhân dân. Vì vậy hát bội là một môn nghệ thuật quý báu của văn hóa Việt Nam. Mỗi thời đại đều có những loại hình văn hóa mới xuất hiện và cái cũ thường chững lại hoặc mất dần. Loại hình nghệ thuật hát bội cũng ở trong tình trạng ấy. Đó là điều mà chúng tôi cứ đau đáu khi sàn diễn hát bội bị thu hẹp dần".

Điều đáng trân trọng là trong cơn lốc hội nhập, tại Huế, rất đông khán giả vẫn thích nghe hát bội. Để bảo tồn và phát huy hát bội thì phải có sân khấu để biểu diễn thường xuyên, như ca Huế đã biểu diễn trên thuyền rồng du lịch, các khách sạn và cả trong bảo tàng. Những kỳ Festival Huế cũng nên đưa hát bội đến gần với quần chúng và khán giả hơn. Có như thế mới tạo điều kiện cho loại hình nghệ thuật đặc sắc này phát triển.

>Câu chuyện về lòng yêu nước của cải lương Nam bộ xưa

>Để người trẻ mê chèo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cố đô sáng đèn hát bội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO