Có ai đi học trường "toilet" không?

Quảng Yên| 02/03/2023 03:29

Nikkei Asia - tờ báo uy tín của Nhật đã có bài viết dựa theo chỉ số khảo sát được công bố cuối tháng 1/2023 nhận định: "Đường phố TP.HCM có mọi thứ mà khách du lịch mong muốn như thức ăn ngon, lịch sử kiến trúc sâu sắc, cuộc sống sôi động... Tất cả đều hấp dẫn, trừ nhà vệ sinh".

Có ai đi học trường

Hà Nội và TP.HCM có thứ hạng thấp về nhà vệ sinh công cộng - Ảnh: Thanh Niên

Theo khảo sát của QS Supplies mà tờ báo này công bố, TP.HCM cùng với Hà Nội là hai thành phố có số nhà vệ sinh công cộng tính trên mỗi km2 thấp nhất, thứ hạng 66/69 (Hà Nội) và 67/69 (TP.HCM), chỉ đứng trên Johannesburg (Nam Phi) và Cairo (Ai Cập). So với những nước Đông Nam Á, như TP. Kuala Lumpur (Malaysia) đứng 42, TP. Bangkok (Thái Lan) vị trí 45...thì khoảng cách khá xa! 

Thế ở Việt Nam, đã có ai đi học trường "toilet" chưa?  Như ở Singapore có trường “The World toilet College-Singapore” (Cao đẳng Vệ sinh Thế giới), còn Trung Quốc có trường “Rainbow School Toilet”(Trường Vệ sinh Cầu vồng).

Mọi người hiện chỉ chăm chăm chọn du học về kinh tế, quản trị kinh doanh, media, công nghệ, y tế, nếu có chọn dịch vụ  nhà hàng hay chăm sóc sức khỏe là đã chịu khó lắm rồi. Đó cũng là quyền tự do lựa chọn bình thường trong cuộc sống.

Nay thì cũng đã qua cái đoạn cười trêu tại sao có chức danh "Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh của Việt Nam" mới thành lập gần đây. Cũng đã biết nhu cầu trong kiến trúc xây dựng hiện nay, thiết kế nội thất phòng tắm, nhà vệ sinh…đã được coi trọng nên thường đẹp lung linh. Trong các trung tâm thương mại, nhà hàng khách sạn sang trọng, hoặc ở một số trường đại học, bệnh viện tư....nhà vệ sinh đã được chú trọng thiết kế, phải vừa đẹp, vừa tiện nghi, với những thiết bị vệ sinh hiện đại và đắt tiền. 

Câu chuyện “nhà vệ sinh" này dân ta cũng nghe từ thời xưa, khi Bác Hồ đến thăm cơ sở, mọi người hoan hỉ đón ở cửa trước hoành tráng cờ hoa nhưng Bác đã …đột nhập  cửa sau kiểm tra…nhà vệ sinh!

Chúng ta cũng đã nghe câu nói quyết liệt của Bộ  trưởng Y tế: "Bệnh viện nào để nhà vệ sinh bẩn là giám đốc đó bẩn". Báo chí cũng từng có bài phê phán: "Tại sao dân “xả “ xuống kênh đẹp nhất Sài Gòn?”, “Quý ông dàn hàng ngang xả van thẳng xuống hồ, dù nhà vệ sinh gần đó?”.

Hiệp hội Nhà vệ sinh cũng cố gắng tiến hành cả các khóa đào tạo, "phá vỡ sự im lặng khủng hoảng vệ sinh"…

Tưởng là các bài học đã khá đầy đủ.

Thế mà đùng một cái, trong khi Việt Nam đang ra sức phát triển ngành du lịch ra thế giới, thì thứ hạng gần chót về nhà vệ sinh công cộng của Hà Nội và TP.HCM đã khiến nhiều người ngã ngửa. Tại sao lại có thể tệ như vậy? 

Tìm hiểu kỹ mới biết xung quanh chuyện xây dựng nhà vệ sinh công cộng vẫn còn nhiều  thứ khó, do ý thức cũng có và do những vướng mắc về địa điểm và cơ chế hoạt động.

-7680-1677749414.jpg

Bản đồ các điểm nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM của Công ty D&D cho thấy điểm phân bố không đồng đều, có những chỗ hoàn toàn không có - Ảnh chụp màn hình

Ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam (VTA) trả lời báo Dân Trí mới đây đã nói rõ: "Tôi từng bỏ 30.000 USD chỉ để đi xem… nhà vệ sinh ở các quốc gia như Nhật Bản, Đức, Singapore, Úc và Đức. Tôi nhận thấy một điều, họ đặt nhà vệ sinh công cộng bề ngang 2,5m, dài 5m ở ngã ba, ngã tư đường mà không ngại cản trở mỹ quan, giao thông hay phong thủy. 

Chúng ta nên dừng xấu hổ khi nói về nhà vệ sinh, không nên đặt chúng dưới hầm, sau hàng cây, chỗ góc khuất…

Theo quy chuẩn quốc tế, khoảng cách 300-500m đường nên có một nhà vệ sinh công cộng. Đối với một số quốc gia, khi quy hoạch công viên, tuyến phố, bãi biển, yêu cầu về nhà vệ sinh là bắt buộc để khách du lịch, người dân dễ tiếp cận. Về chất lượng, nhà vệ sinh cần đảm bảo hệ thống cửa đóng mở, nước sạch, khăn giấy sạch, hệ thống thông gió, khử mùi, xử lý chất thải.

Nhìn thẳng vấn đề, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế bởi sự giám sát, chăm sóc nhà vệ sinh công cộng chưa đồng diện, ý thức người sử dụng, hạ tầng còn thiếu. Theo quy chuẩn trên, chúng ta chỉ mới đảm bảo được 10% về chất lượng lẫn số lượng". 

Và chiếu theo quy chuẩn này, Thảo Cầm Viên cần phải bổ sung nhiều nhà vệ sinh, kể cả Bưu Điện Thành phố cũng vậy. Tại sao khu vực chung quanh Bưu Điện Thành phố nhộn nhịp du khách như vậy mà chỉ có một nhà vệ sinh nhỏ, có thu tiền ở đường sách Nguyễn Văn Bình? 

Mới biết rằng việc thiếu nhà vệ sinh công cộng không chỉ do tư duy chưa coi trọng nhà vệ sinh mà còn do thiếu vốn, cơ chế…

Thế thì làm sao các gia đình khuyến khích con em họ đi học “Trường vệ sinh" như người Trung Quốc, Singapore? Làm sao bạn trẻ coi "toilet" là một nghề nghiệp tốt, có thể phục vụ xã hội, lương cao và tay nghề giỏi được ngưỡng mộ như các nghề thời thượng được đây? ChatGPT hay con  AI giỏi giang nào giải quyết giúp ở đây ?

Giờ biết trách ai đây? Còn biết bao câu hỏi….băn khoăn, nhưng vẫn phải tìm cách bình chọn cho du lịch Việt Nam tại World Travel Awards 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có ai đi học trường "toilet" không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO