Chùa Quan Châu: Chốn bình yên của trẻ mồ côi

HỒNG BÍCH| 25/04/2014 07:30

Thỉnh thoảng trong sương sớm bình minh, người ta nghe tiếng trẻ khóc, rồi phát hiện ai đó lỡ làng, đành đoạn đặt đứa trẻ đỏ hỏn trong cái giỏ dưới gốc cây già, cầu mong Phật che chở cho sinh linh lạc loài!

Chùa Quan Châu: Chốn bình yên của trẻ mồ côi

Chùa Quan Châu, thuộc thôn Quan Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ngôi chùa ấy nằm dưới bóng cây bồ đề trồng hơn ba chục năm, thân cây rộng đến sáu người ôm, mái chùa nay cũng đã phủ rêu phong.

Đọc E-paper

Thỉnh thoảng trong sương sớm bình minh, người ta nghe tiếng trẻ khóc, rồi phát hiện ai đó lỡ làng, đành đoạn đặt đứa trẻ đỏ hỏn trong cái giỏ dưới gốc cây già, cầu mong Phật che chở cho sinh linh lạc loài!

Cứ thế, ngày chúng tôi đến ngôi chùa cách đây ba năm, mới có 50 đứa trẻ lớn bé đủ mọi lứa tuổi, với vài cụ già cơ nhỡ không chỗ nương tựa, nay trở lại thăm, những người may mắn được vào chùa đã lên đến số trăm.

Chúng tôi muốn gọi bọn trẻ mồ côi là những người may mắn, dù rời khỏi lòng mẹ ruột rà nhưng chúng được bàn tay từ bi nơi cửa Phật rộng mở đón vào lòng, được chăm bẵm, dạy dỗ và an toàn hơn ở bất cứ chỗ nào.

Nghe những người dân quanh vùng kể nhiều chuyện bi hài. Có bốn cô sinh viên lỡ làng đường tình đã đến xin sư cô Thích Nữ Minh Tịnh cho ở đây để sinh đẻ. Nhìn những cô gái còm cõi, hoảng loạn, chẳng khác nào những hiện thân đau khổ nhói lòng của đời người.

Các cô vào chùa dưỡng thai, được sư cô mời cán bộ y tế xã đến thăm khám, rồi chăm sóc lúc vượt cạn khó khăn, rồi nhà chùa dang tay nhận nuôi bốn đứa bé sơ sinh để các bà mẹ trẻ quay lại với cuộc đời riêng của mình.

Sư cô kể, mười lăm năm nay, dường như giấc ngủ đêm của bà và người trong chùa không trọn vẹn, lúc nào cũng như nghe thấy tiếng trẻ khóc đâu đây, và mọi người thường bật dậy kiếm tìm. Những đứa trẻ thường được mang đến chùa vào lúc bình minh, khi chưa rõ mặt người, tiếng dế, tiếng ếch nhái râm ran còn đủ sức che lấp tiếng khóc phận người.

Nhưng tiếng khóc chẳng dài, bọn trẻ mồ côi sẽ mau học nụ cười, học thứ tiếng Quảng nằng nặng đầy tình cảm. Bây giờ bốn đứa trẻ lớn nhất đã trưởng thành, đi học tại Học viện Phật giáo. Những đứa khác, tuổi nào lớp đó, được chăm sóc kỹ lưỡng và dạy dỗ nghiêm khắc nên rất ngoan ngoãn và biết thương yêu các anh chị em quanh mình đúng như tinh thần nhà Phật.

Khi chúng tôi đến, có mang theo một bao đồ chơi để chia cho các em, những đứa lớn đã cầm đồ chơi đặt vào tay các em bé. Quả thật, lòng người lớn nào nhìn cảnh ấy cũng để những giọt nước mắt cảm động rơi xuống, như được an ủi, vỗ về.

Sư cô để chúng tôi dạo chơi thăm viếng các nơi rất thoải mái. Phòng các cụ già và các em bố trí rất gọn gàng theo từng lứa tuổi, phân biệt nam, nữ hẳn hoi. Những đứa trẻ sau giờ học bài đều biết tham gia lao động nhẹ, vào bếp lặt rau, làm đồ ăn chay giúp những người đến chùa làm công quả chứ không ỷ lại.

Điều chúng tôi rất thích ở nơi này là nụ cười và tiếng nô đùa của trẻ nhỏ vang lên khắp nơi. Chúng không có vẻ ngơ ngác hay khôn trước tuổi như những đứa trẻ thiếu vòng tay che chở của mẹ. Ở trường học cũng vậy, những đứa lớn lo lắng, bảo vệ, săn sóc đứa nhỏ hơn như anh em một nhà.

Rất nhiều chuyện xảy ra sau đó, có những người đến nhận là cha đẻ xin đón con, những người muốn xin con nuôi, nhưng sư cô rất thận trọng, không để đứa trẻ nào phải rời chùa, nơi chúng được đảm bảo an toàn tối đa, không để chúng bị tổn thương tinh thần vì đứa đi, đứa ở!

Chính vì lẽ đó mà ngôi chùa ngày càng thêm đông với 100 đứa trẻ nhiều lứa tuổi. Nhưng sư cô nói đông cũng không sao, hàng ngàn tấm lòng hảo tâm đã chung tay trợ giúp các em. Ngay cả người nghèo quanh vùng vẫn đến chùa hằng ngày phụ các việc nấu ăn, vệ sinh và chăm sóc những đứa trẻ còn đỏ hỏn.

Có thể những người mẹ không thể nuôi đứa con rứt ruột đẻ ra đã đặt hết niềm tin vào sự bình yên của ngôi chùa và tấm lòng như biển rộng của sư cô Thích Nữ Minh Tịnh, nên họ chọn gửi gắm đứa con thiệt thòi vào đó.

Không biết họ nghĩ gì khi đưa con đến, sẽ sàng đặt dưới gốc bồ đề đó, họ có niệm Phật không mà đứa con ngay tức khắc đã được bàn tay khác chào đón vào chốn bình yên như thế!

>Làm nên một sự khác biệt nhỏ...
>Mong một ngày ra đường bình yên
>
Người nông dân cô đơn trên mảnh ruộng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chùa Quan Châu: Chốn bình yên của trẻ mồ côi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO