Chân dung người đàn bà chăm sóc những nấm mồ liệt sĩ

Anh Tuấn| 01/05/2022 02:05

Ngày 30/4/1975, nhiều người lính đã nằm xuống trong trận đánh tiến vào cửa ngõ Sài Gòn tại ngã tư Bảy Hiền. Sau 47 năm, những người chiến sĩ vẫn nằm đó trên Quốc lộ 22, nơi họ hy sinh. Nhiều người trong số họ được cải táng và chăm sóc bởi một người phụ nữ không quen biết.

Chân dung người đàn bà chăm sóc những nấm mồ liệt sĩ

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiệp - người đều đặn nhang khói hai lần mỗi ngày tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Hóc Môn trong hơn 40 năm qua

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hóc Môn một chiều cuối tháng tư năm 2022, một người phụ nữ dáng nhỏ nhắn, gầy guộc cầm trên tay bó nhang nghi ngút khói tiến vào bệ đài trung tâm, cất tiếng nói to ra tứ phía: “Các bác, các chú ơi! Hiệp quản trang nè. Trời mát rồi, các bác, các chú nhanh chân đến khán đài hưởng nhang khói nha”. Đây là công việc mà bà Nguyễn Thị Ngọc Hiệp - sinh năm 1963, đều đặn làm hai lần mỗi ngày trong hơn 40 năm qua.

Cảm thương những ngôi mộ quạnh hiu từ năm 15 tuổi

Mỗi ngày bà Hiệp dậy lúc 4 giờ sáng, vừa quét lá trong nghĩa trang vừa thăm hỏi, trò chuyện với những người nằm dưới ngôi mộ. Đến 5 giờ, bà thắp hương buổi sáng cho các liệt sĩ rồi bà lại tiếp tục lau dọn, nhổ cỏ, mệt thì nghỉ một lát, rồi lại làm tiếp. Đến chiều, bà lại vào nghĩa trang thắp hương, châm nước. Phần lớn đời bà chỉ loanh quanh chăm lo cho những ngôi mộ. Suốt mấy chục năm qua chưa bao giờ bà dám để “các bác, các chú ở lại cô đơn”. Đến cả đêm giao thừa hằng năm bà cũng tranh thủ chạy về nhà một lát đốt nén nhang cho ông bà rồi lại quay về nghĩa trang “ăn Tết cùng các bác, các chú”.

Với bà Hiệp, nghĩa trang thân thuộc như ngôi nhà và những con người nằm dưới lớp đất kia là một phần máu mủ. Bà thuộc nằm lòng vị trí và thông tin của từng ngôi mộ. Mỗi khi có người đến viếng mộ, chỉ cần đọc tên liệt sĩ thì bà sẽ dẫn đến đúng chổ mà không cần tra cứu sơ đồ. 

Đến hiện giờ bà Hiệp cũng không lý giải được tại sao mình lại gắn bó với nghĩa trang liệt sĩ lâu như thế. Bà còn nhớ lúc năm 15 tuổi theo cha đi bốc mộ những liệt sĩ hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn được tập kết tại nhà máy dệt Vinatexco (nay mang tên Dệt Thắng Lợi), ngay gần ngã tư Bảy Hiền. Lúc mới đưa thi hài các liệt sĩ về an táng, bà còn nhớ nghĩa trang Tân Xuân khi đó chỉ là những ngôi mộ đầy đất cỏ, trâu bò tự do ra vào. Thương những ngôi mộ quạnh hiu, bà tự nguyện đến dọn cỏ, quét dọn không lương rồi sau đó được giao cho việc quản lý nghĩa trang.

Lúc đầu, những tấm bia liệt sĩ chỉ là những tấm gỗ mục nát giữa mưa nắng. Sau đó bà vận động, xin kinh phí Ủy ban "Cho các bác, các chú có cái nhà khang trang hơn”. Đến năm 2001, những tấm bia được xây xi măng và chính tay bà Hiệp tô sơn, khắc lại tên cho hơn 300 liệt sĩ. Từ đó mỗi năm, bà đều phải đồ lại tên trên những bia mộ để tránh bị bay màu. Làm đủ thứ việc không nề hà khiến đôi tay bà chai sạn theo năm tháng. Đến năm 2017, khi những ngôi mộ được xây mới bằng đá hoa cương, bà Hiệp mới bớt đi phần cực nhọc.

30-4-22-Pic-2-9121-1651294202.jpg

Ngôi mộ liệt sĩ do chính tay bà Hiệp tô sơn và khắc chữ - Ảnh nhân vật cung cấp

Năm 2020, các ngôi mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Tân Xuân được di dời, cài táng về nghĩa trang liệt sĩ huyện Hóc Môn. Bà Hiệp cũng tự nguyện đi theo chăm lo mộ phần các liệt sĩ và tiếp tục làm quản trang. Đến nghĩa trang mới, thấy mộ phần của các liệt sĩ nhỏ hơn chỗ cũ, bà lại rưng rưng hai hàng nước mắt vì lo “ở nhà mới chật tội các bác, các chú”. 

Chỉ mong khi mình nằm xuống có người thay thế mình tận tụy chăm sóc nghĩa trang

Lúc mới về làm quản trang, lương bà Hiệp 25 ngàn đồng một tháng (1981), đến hiện tại là 4 triệu 900 ngàn. Với đồng lương này, bà Hiệp phải vừa “tiết kiệm lo cho mình và gia đình” vừa dùng mua nhang, đèn và trái cây cho “các bác, các chú hưởng”. Đồng lương ít ỏi khiến cuộc sống của bà chật vật, túng thiếu nhưng chưa bao giờ bà nghĩ đến việc từ bỏ công việc quản trang. Những bữa thiếu ăn, bà khấn “các bác các chú phù hộ cho đủ bữa ăn”. Bằng niềm tin như thế, bà đã duy trì sự tận tụy với nghĩa trang liệt sĩ hơn nửa đời người.

Mỗi đêm, bà thường ra cạnh những ngôi mộ tâm sự: “Mấy ông làm việc đến đâu rồi? Đang làm gì đó? Có sung sướng không?”. Cũng có những đêm bà im lặng, chỉ lắng nghe trong gió dường như có tiếng khóc cười, bà không sợ, chỉ thầm nghĩ “chắc mấy bác mấy chú đang tâm sự với mình”. Lắm lúc có chuyện buồn, bà lại ra khóc bên những nắm mồ, những giọt nước mắt thương cho phận mình và cho cả những ngôi mộ cô đơn không ai thăm viếng.

30-4-22-Pic-3-6481-1651294202.jpg

Bà Hiệp vẫn hay nhìn những ngôi mộ như muốn tâm sự điều gì

Đến bây giờ, dù nỗi cơ cực đã nhiều lần chảy ngược vào trong, đôi tay cũng không còn khỏe như xưa nhưng bà Hiệp chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ nghĩa trang: “Bao nhiêu người nói tôi bao đồng cũng được. Các bác, các chú cũng như người thân của mình vậy, bỏ không được. Chữ bỏ giờ nói ra còn khó nói chi là làm. Còn sống đến ngày nào là tui còn theo các bác các chú đến ngày đó”. 

Trong những tháng đại dịch Covid bùng phát hồi năm 2021, nghĩa trang liệt sĩ huyện Hóc Môn là nơi tập kết tro cốt nạn nhân chết vì dịch bệnh. Bà Hiệp cũng xin tham gia hỗ trợ việc chăm lo tro cốt cho những người xấu số. Nhìn những hũ tro cốt lạnh tanh vì người nhà chưa được đến nhận, bà lại khóc. Lần này, nước mắt thương người không may chết vì dịch bệnh đã thúc giục bà tham gia vào công tác tình nguyện chống dịch tại huyện Hóc Môn. Trong những tháng cao điểm dịch bệnh, ban ngày thì bà tham gia phát thuốc, cứu trợ những người khó khăn, ban đêm lại về chăm lo nhang khói cho những người đã khuất. Cứ thế trong mấy tháng liền, người phụ nữ mấp mé tuổi 60 này đã lo lắng trọn vẹn cho người còn sống lẫn người đã khuất.

Dù lắm người nói bà “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” nhưng chưa bao giờ bà buồn tủi, vì ít ra sau lưng bà vẫn còn những người thân ủng hộ. Kết hôn cùng bà Hiệp từ năm 18 tuổi, ông Nguyễn Văn Nở - chồng bà, luôn đồng cảm, sẻ chia với vợ. Ông tâm sự:  “Thấy bả cực vì chăm lo cho các bác, các chú tôi cũng thương lắm. Khi nào rảnh thì hai vợ chồng cùng làm cho bả bớt cực. Những lúc bả ra ngoài nghĩa trang, tôi phụ chăm con ở nhà, mỗi người một việc chứ không trách nhau được”. 

Nhìn đôi bàn tay đang run run vì sức khỏe ngày càng yếu dần đi, bà Hiệp mong muốn nhất là đến khi bà nằm xuống sẽ có người thay bà tận tụy chăm sóc những nấm mồ liệt sĩ ở nghĩa trang này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chân dung người đàn bà chăm sóc những nấm mồ liệt sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO