Cần những chính sách mới cho đất nông nghiệp

TS. ĐẶNG QUANG VINH, thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (HẢI VÂN ghi)| 29/03/2017 06:24

Rà soát thể chế, chính sách chuỗi giá trị lúa gạo, trọng tâm là đất nông nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hy vọng sẽ thúc đẩy cải cách nhanh hơn ngành lúa gạo.

Cần những chính sách mới cho đất nông nghiệp

Rà soát thể chế, chính sách chuỗi giá trị lúa gạo, trọng tâm là đất nông nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hy vọng sẽ thúc đẩy cải cách nhanh hơn ngành lúa gạo.  

Đọc E-paper

Thể chế về đất trồng lúa được quy định rất chặt chẽ. Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định phải duy trì 3,8 triệu ha đất trồng lúa. Mưu sinh nhờ cây lúa ngày càng khó khăn, nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều. Nghị định 35-2015/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, như một sự "nới lỏng trong việc cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng".

Thế nhưng sự nới lỏng này là chưa đủ, ngoài trồng lúa, nông dân vẫn không có thêm sinh kế. Hầu hết các địa phương không đáp ứng được điều kiện của Nghị định 35 về việc phải có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cấp xã. Hay UBND xã có quyền từ chối việc đăng ký chuyển đổi cây trồng. Những rào cản này càng làm cho cơ cấu cây trồng chậm thay đổi, hạn chế tăng năng suất nông nghiệp cũng như tăng thu nhập của nông dân.

Theo số liệu của Bộ Dữ liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn Việt Nam (Vietnam Access to Resources Household Survey - VARHS), hộ buộc phải trồng lúa có thu nhập từ nông nghiệp trung bình là 1,6 triệu đồng/năm, còn hộ không phải trồng lúa có thu nhập từ nông nghiệp trung bình là 2,1 triệu đồng/năm.

Đến nay, chính sách dồn điền đổi thửa chưa mang lại kết quả nào đáng kể, dù thực hiện từ năm 1988. Một số địa phương giảm được đất phân mảnh nhưng chưa triệt để, phạm vi hạn chế.

Quá trình dồn điền đổi thửa xuất hiện ngày càng nhiều sự can thiệp của chính quyền địa phương, những hành vi yêu cầu nông dân dồn điền đổi thửa theo cách có lợi cho mình của không ít cán bộ cấp xã khiến nông dân phản ứng. Thêm vào đó, việc chậm cấp lại sổ đỏ càng thúc đẩy nông dân không tham gia vào quá trình dồn điền đổi thửa. Hà Nội là một ví dụ.

Một rào cản nữa là hạn điền. Theo Điều 129 Luật Đất đai, vùng Đồng bằng sông Hồng được giao tối đa 2ha đất trồng lúa, Đồng bằng sông Cửu Long là 3ha, đồng thời được chuyển nhượng 10 lần giới hạn giao đất. Điều đó có nghĩa tổng không quá 22ha tại Đồng bằng sông Hồng và 33ha tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên thực tế, rất nhiều đơn vị sản xuất nông nghiệp không sử dụng hết đất theo quy định này, nhưng cũng có những trường hợp sử dụng nhiều cách thức để mở rộng quy mô sản xuất lên hàng trăm, thậm chí cả ngàn ha. Sự "lách luật này đứng trước nhiều rủi ro từ việc nhờ người khác đứng tên.

>>Vì sao nông dân trồng lúa ngày càng nghèo?

Quy định thời hạn sử dụng 50 năm cũng khiến giá trị đất nông nghiệp giảm đi rất nhiều. Theo chính sách hiện hành, giá đất trồng lúa rất thấp, trung bình chỉ 49.500 đồng/m2, giá đất không trồng lúa trung bình 447.000 đồng/m2, giá đền bù thu hồi đất nông nghiệp thì còn thấp hơn nữa.

Điều 167 Luật Đất đai quy định rất nhiều quyền cho người được cấp quyền sử dụng đất, nhưng rất khó thực hiện, chẳng hạn điều kiện phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không thực tế. Ở các vùng nông thôn, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không nhiều. Những quy định này đã khiến nông dân không thể vốn hóa đất, ngay cả khi tài sản không có tranh chấp.

Quy hoạch về đất trồng lúa đang làm giảm cả cung và cầu trên thị trường cho thuê đất. Tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, chỉ 41,7% người muốn thuê đất và đã thuê được và chỉ 36,9% người muốn cho thuê đất là đã cho thuê được. Trung bình chỉ 8% trong tổng số mảnh đất nông nghiệp được chuyển giao bằng mua bán. Thị trường đất nông nghiệp nhỏ và ít giao dịch, miền Bắc còn thấp hơn nữa, chỉ cho thuê được 2,5% và hầu hết là giao dịch giữa người thân.

Có quá nhiều rủi ro nên nông dân không muốn đưa tài sản ra thị trường, thay vào đó là giữ đất như một công cụ bảo hiểm khi di cư, tìm việc nơi khác. Các quy định hiện hành đang làm giảm, thậm chí triệt tiêu nhu cầu mua đất nông nghiệp.

Trong khi đó, Điều 191 Luật Đất đai lại quy định doanh nghiệp không được mua đất trồng lúa để trồng lúa, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng. Hay một quy định khác, cá nhân và hộ gia đình chưa bao giờ trồng lúa cũng không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Điều này cũng giải thích lý do mức đầu tư vào nông nghiệp thấp.

Liên quan đến đất còn là rủi ro trong giao dịch. Quy định về chuyển nhượng, cho thuê lại, thừa kế, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và chỉ "có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính".

Như vậy quyển sổ địa chính quan trọng hơn ý chí giao dịch của 2 người có tiền và có tài sản. Rủi ro rất lớn khi 2 bên đã trao tiền, giao tài sản cho nhau nhưng pháp luật không thừa nhận. Chi phí giao dịch có thể cũng vì thế mà tăng lên khi cán bộ địa chính làm thủ tục. Chuyện một thửa đất 2 sổ đỏ như ở quận Long Biên, Hà Nội cũng xuất phát từ thực tế này.

Việt Nam không cần giữ tới 3,8 triệu ha đất trồng lúa và điều cần làm ngay là thay đổi cách sản xuất, kinh doanh ngành lúa gạo. Muốn vậy, tư duy làm chính sách phải được thay đổi, chuyển tư duy trọng cung, duy lượng sang trọng chất, đặc biệt là coi trọng năng suất lao động và thu nhập của nông dân.

>>Vì sao giá lúa gạo nội địa tăng cao bất thường?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần những chính sách mới cho đất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO