Cả nhà “thạo tin” Covid-19

Quảng Yên| 11/07/2021 01:28

Đại dịch Covid-19 lần thứ tư tấn công Sài Gòn mạnh hơn ba lần trước. Vì thế, mặc dù bà con cảnh giác cao và chăm theo dõi tin tức, nhưng vẫn âu lo lan truyền “câu thơ”: Nhớ ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Y tế phường không thấy tới chăng dây.

Cả nhà “thạo tin” Covid-19

Bao chuyện hay của người Sài Gòn san sẻ nhau trong khó khăn. Hình ảnh hay thấy là cái bàn to phía trước hàng rào chắn có nhiều loại thực phẩm bà con tự đem đến tiếp tế cho người bị cách ly. 

Trong đại dịch, đám trẻ không mấy khi cằn nhằn ông bà già, bởi ông bà không còn thời gian “kể chuyện ngày xửa ngày xưa” mà trở thành “chuyên gia” nhắc nhở phòng dịch, trở thành “ông cai”, “bà sếp” kiểm tra con cháu phòng dịch kỹ lắm.

Ông bà bây giờ hay hỏi: “Mang khẩu trang chưa?”. Cháu gật đầu nói cho ông bà vui: “Ngu gì mất 3 triệu đồng tiền phạt, nội (hoặc ngoại)!”.

Một sáng sớm điện thoại của bà reo: “A lô, chúng em đây. Chúng em đang ở chỗ xếp hàng chờ tiêm ngừa con Coronavirus. Mọi người sợ quá bảo nhau điện cho bác xin ý kiến tham mưu tý. Sao huyết áp của em tự dưng nó vọt cao, em sợ bị cho về, không được tiêm”. Bà liền “tư vấn”: “Hít thở, thư giãn một lúc, đo lại sẽ ô kê. Đừng sợ thì huyết áp nó mới không vọt lên”. “Bác ơi, bác tiêm rồi có kinh nghiệm gì cho chúng em học với”, đầu bên kia tiếp tục a lô. Bà cười bảo: “Bác là... rắn độc bị bỏ quên còn các em là rắn nước người ta mới bắt tiêm đó”. Đầu kia bật cười: “Vậy mà bác nói cứ như... đã chích rồi”. 

Là vì bà luôn được bạn bè tín nhiệm nên hay hỏi ý kiến.

Bà chẳng tự ái mà còn vui vẻ giải thích: “Là bà dẫn lời nói của Giám đốc HCDC (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM). Ông ấy nói đại ý là giờ chúng ta phải tiêm phòng cho những người có bệnh nền trước. Ta không nên bỏ rắn độc đi tìm rắn nước. Chuyên gia nước ngoài nói, báo ta đăng rõ ràng đây nè, phải tiêm chủng cho người cao tuổi xong mới được mở cửa”.

Ông ngồi bên, cười: “Vậy mà không tiêm cho người già, họ là rắn độc, dễ bệnh thì lây hết sang rắn nước”.

“Sắp bình thường mới sống chung với Covid-19 rồi ông bà ơi. Ông bà đừng lo”. Đứa cháu nói thế là chạm nọc... “bồ thông tin” ngay. Ông bảo: “Muốn sống chung với “nó” thì phải có điều kiện. Bộ công thức của Singapore đây này: Thứ nhất, tiêm phòng là chìa khóa. Thứ hai là xét nghiệm chủ động để tìm bệnh. Họ có bán cả bộ xét nghiệm ở hiệu thuốc, các nơi có thể tự xét nghiệm để coi có con SARS-CoV-2 không. Thứ ba là có thuốc tốt để điều trị. Thứ tư, trách nhiệm và ý thức xã hội, kiểu như ta nói 5K, vẫn rất quan trọng”.

Trời, ông nói cứ như là bác sỹ vậy! 

“Chứ sao không! Có đủ yếu tố như thế thì F1, F2 mới tự cách ly tại nhà, mới không cần đóng cửa, dần nới lỏng phong tỏa, giãn cách, tôi với bà mới du lịch được”.

Ông bà tuy không giỏi IT nhưng lại chịu nghe tin tức, có thì giờ săn các bản tin thời sự. Ông bà còn được con cháu trang bị cho cái iPad, đêm vô mùng vẫn... lai chim (live stream). Thảo nào ông bà rành nhiều tin tức, hôm nay bao nhiêu ca mắc, ở đâu cách ly, phong tỏa.

Cháu liền bảo: “Ông bà thạo tin thế, biết mình là nhóm “rắn độc” mà sao cháu thấy có dịch là trốn tiệt, không đi khám bệnh, tự mua thuốc cố thủ trong nhà. Người ta bảo như vậy sẽ bệnh nặng thêm, tạo ra một đại dịch thứ cấp nữa”.

“Cháu cũng thạo tin thế còn gì. Nhưng mà cháu ơi (đến đây ông lại trích dẫn tài liệu, chứng cứ ), 55/130 bệnh viện phát hiện người nhiễm SARS-CoV-2, phải xét nghiệm suốt đêm hết cả bệnh nhân lẫn người nhà, ông bà dại gì... đến đó”.

Tranh luận mà toàn dẫn thông tin thời sự! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cả nhà “thạo tin” Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO