2 vấn đề thách thức nâng cấp ngành công nghiệp Việt Nam

TONY PHAN| 20/07/2017 00:14

Tham gia và nâng cấp ngành công nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đang là thách thức không nhỏ cho nền kinh tế đất nước.

2 vấn đề thách thức nâng cấp ngành công nghiệp Việt Nam

Tham gia và nâng cấp ngành công nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đang là thách thức không nhỏ cho nền kinh tế đất nước. Có rất nhiều hình thức để thực hiện việc này và một trong số đó là trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị của các công ty đa quốc gia (MNE) hiện hữu.

Việc đầu tiên cần làm là khuyến khích các MNE tại Việt Nam tập trung vào khâu cao nhất hoặc nâng cấp lên khâu cao hơn trong chuỗi giá trị, chẳng hạn như khâu phát triển thương hiệu, nghiên cứu và phát triển (R&D) và các khâu sản xuất phức tạp hơn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) Việt tham gia và nâng cấp trong chuỗi như những nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI này.

Hiện tại, các MNE đang có xu hướng chuyên môn hóa cao độ ở các khâu quan trọng, giá trị cao này (có thể chiếm hơn 50% giá trị của toàn bộ chuỗi) và thực hiện thuê ngoài các khâu giá trị thấp hơn trong chuỗi như sản xuất phụ tùng từ đơn giản đến phức tạp. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới chuyển dần sang các ngành công nghiệp mới nổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) như Big data, IoT và tự động hóa trong sản xuất (các hoạt động phi sản xuất sản phẩm hữu hình), các MNE hiện hữu cũng sẽ không đứng ngoài xu thế này. Khi đó họ sẽ tập trung vào các khâu giá trị cao này và thúc đẩy thuê ngoài các khâu sản xuất ra sản phẩm cho các công ty khác, trong đó có các công ty tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Do vậy, việc thúc đẩy các MNE nâng cấp lên các khâu quan trọng hơn trong chuỗi giá trị sẽ mở ra cơ hội cho các công ty trong nước tham gia và nâng cấp lên phân khúc cao hơn trong chuỗi (nhưng giải pháp này cũng tiềm ẩn rủi ro là nền kinh tế sẽ bị mắc bẫy tại phân khúc thấp và tiếp tục đi sau trong cuộc cách mạng 4.0, vì vậy, hai vấn đề này cần được giải quyết cùng lúc).

Vấn đề đầu tiên cần giải quyết nhằm giúp các MNE tại Việt Nam cũng như các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng hướng đến các dự án đầu tư giá trị cao tại Việt Nam là nguồn nhân lực. Theo đó, cần tạo điều kiện để thu hút các trí thức Việt kiều gồm các kỹ sư, nhà khoa học, chuyên gia về nước để tạo ra nguồn nhân lực trước mắt cho các DN FDI tại Việt Nam có thể thực hiện các khâu R&D cũng như đưa ra các giải pháp công nghệ cho DN.

Tuy nhiên, về lâu dài, cần tiếp tục các chính sách thu hút sinh viên ghi danh vào các ngành mới trong khối công nghệ như lập trình và IoT cũng như các ngành thiết kế và hình thành các ý tưởng công nghệ mới. Cần bổ sung kiến thức về ngoại ngữ như một môn bắt buộc song song với chương trình về kỹ thuật.

Bên cạnh đó, các ngành khoa học xã hội như kinh tế cần hướng đến xu hướng khai phóng, triết học (khả năng suy luận, tư duy và logic học) và những kỹ năng chuyên ngành khác. Làm được điều này sẽ giúp sinh viên có khả năng phát triển và hình thành những mô hình kinh doanh mới như mô hình quản trị nhân sự, mô hình marketing mới phù hợp với yêu cầu của quá trình nâng cấp (do DN nước ngoài có thể tìm được các ý tưởng kinh doanh mới từ các sinh viên Việt Nam).

Việc sinh viên học các ngành khoa học tự nhiên và xã hội thất nghiệp thời gian đầu sau khi ra trường cũng có thể được giải quyết bởi vì các MNE sẽ thực hiện việc nghiên cứu thị trường trước khi đầu tư (cũng như các công ty đang hoạt động tại Việt Nam muốn nâng cấp), trong đó yếu tố chất lượng và số lượng nguồn nhân lực sẽ là mối quan tâm hàng đầu. Vì vậy, nếu nguồn nhân lực được đào tạo tốt, ngang tầm quốc tế thì cơ hội sẽ dần mở ra cho các sinh viên này.

Vấn đề thứ hai là nâng cao khả năng của các công ty nội địa trong việc thực hiện các khâu cao hơn trong chuỗi giá trị, vì chỉ khi các MNE nhìn thấy tiềm năng của các công ty đối tác và sẵn sàng chuyển giao khâu cao hơn thì các DN trong nước mới có thể nâng cấp lên các công đoạn cao hơn trong chuỗi.

Để làm được điều này, DN cần giải quyết các vấn đề sau: Thứ nhất, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng cũng như quản trị DN theo tiêu chuẩn quốc tế (và linh hoạt theo yêu cầu của từng trường hợp với từng đối tác cụ thể) thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác và công ty tư vấn.

Thứ hai, phát triển khả năng công nghệ thông qua quá trình làm việc với các công ty đối tác và hoạt động tự đầu tư vào nghiên cứu. Theo đó, khoảng cách công nghệ giữa công ty nhận chuyển giao và công ty chuyển giao càng ngắn thì khả năng hấp thu công nghệ càng cao. Trường hợp của Apple cho thấy các MNE sẵn sàng hỗ trợ nguồn vốn cho các nhà cung cấp nếu các đối tác này có khả năng về công nghệ, giao hàng và chất lượng sản phẩm có thể cung cấp cho Apple. Do vậy, khi DN khẳng định được khả năng thì nguồn vốn có thể được giải quyết nhờ sự hỗ trợ từ đối tác.

Bên cạnh đó cần có chính sách ưu đãi cho các công ty nội địa muốn tham gia vào chuỗi giá trị của các ngành liên quan đến công nghệ cao như ưu đãi về các khoản vay, hỗ trợ kỹ thuật và tìm cơ hội nối kết các MNE với các công ty Việt Nam. Song song đó cần nâng dần yêu cầu về kỹ thuật, vốn, công nghệ đối với các công ty là nhà cung cấp cho các MNE như là những yêu cầu tham gia vào thị trường. Điều này nhằm mục đích nâng cao chất lượng ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như tạo cơ hội cho các DN Việt Nam làm đối tác cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Để đạt được mục tiêu nâng cấp vai trò của các DN nội địa trong chuỗi giá trị toàn cầu, cần thực hiện các công việc trên song song với nhau. Theo đó, cần tạo điều kiện để các MNE nâng cấp hoặc tập trung vào các khâu khó hơn trong chuỗi và chuyển dần các khâu quan trọng kế tiếp cho các DN Việt.

Bản thân DN Việt cũng phải được tạo điều kiện để có khả năng nâng cấp trong chuỗi. Có như vậy mới có thể dung hòa và bổ sung cho nhau giữa hai nguồn đầu tư trong và nước ngoài.

>"Ngách nhỏ” phát triển công nghiệp phụ trợ cho DN Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2 vấn đề thách thức nâng cấp ngành công nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO