Đến năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao

Dương Nguyễn| 03/02/2021 04:29

Đó là thông tin được GS. TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ tại Hội nghị Báo cáo viên tháng 1/2021 vào sáng ngày 3/2/2021. Hội nghị được Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Đến năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao

GS. TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội Đảng XIII) đã diễn ra thành công tốt đẹp trong thời gian từ ngày 25/1-1/2/2021. Qua đó, Đại hội định hướng đến năm 2045, Việt Nam sẽ là nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình ở mức cao. Đặc biệt, đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển và có thu nhập cao.

Trong giai đoạn 2021-2030, ông Thắng cho biết Đại hội XIII đặt ra mục tiêu khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, huy động mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo đó, các mục tiêu phát triển kinh tế cụ thể cũng được đặt ra. Về mặt kinh tế, Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm. GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 7.500 USD. Tỉ trọng công nghiệp chế biến và chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt 30% GDP. Tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 50%.

Về xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên mức 0,7, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, lao động có bằng cấp hoặc chứng chỉ đạt 35-40%. Về môi trường, Việt Nam sẽ đạt tỉ lệ che phủ rừng ở mức 42%. Tỉ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%. Tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh phải đạt quy chuẩn về môi trường.

[Caption]Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đến năm 2045, Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đến năm 2045, Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong nhiệm kỳ tới (giai đoạn 2021-2025), Đại hội XIII xác định đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, về kinh tế, Việt Nam hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm. GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD. Tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo đạt 25% GDP, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Về xã hội, tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi. Tỉ lệ lao động qua đào tạo là 70%, số có bằng cấp hoặc chứng chỉ sẽ đạt 28-30% tổng lao động xã hội. Có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân. Về môi trường, đảm bảo 95-100% dân cư thành thị và 93-95% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch. Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt đến 92%.

Việt Nam hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025.

Việt Nam hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2025.

Trong thời gian tới, Đại hội XIII xác định tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, phức tạp. Hòa bình, hợp tác và liên kết phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng kèm theo đó, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột cục bộ vẫn là những thách thức lớn, đe dọa sự ổn định và phát triển ở một số quốc gia và khu vực.

Ngoài ra, cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng. Trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn giai đoạn trước, nợ công và rủi ro trên thị trường tài chính tăng. Tuy nhiên, Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là trung tâm phát triển kinh tế năng động hàng đầu thế giới.

Tại Việt Nam, thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn ở nhiều mặt, tình hình chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Vị thế đất nước ngày càng được cũng cố trên trường quốc tế.

Dù vậy, thời gian tới Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu về kinh tế. Độ mở của nền kinh tế lớn khiến các tiêu cực của kinh tế thế giới tác động đến Việt Nam nhanh và mạnh hơn. Nhu cầu vốn để đầu tư phát triển kinh tế xã hội rất lớn trong khi các nguồn vốn (vốn nhà nước, ưu đãi, viện trợ) đều có xu hướng giảm. Tình trạng già hóa dân số và thiên tai (bão lũ, ngập mặn, dịch bệnh) diễn ra ngày càng nhanh và khó lường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đến năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO