Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Chính phủ đã hoàn thành dự thảo phương án đầu tư 12 đoạn còn lại của tuyến cao tốc Bắc - Nam để kết nối với 11 dự án cao tốc đang triển khai. Theo đó, 12 dự án cao tốc Bắc - Nam còn lại cần đầu tư trước 2025, gồm các đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ (thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang (thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa); Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau (chạy qua các tỉnh, thành Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau).
Tổng mức đầu tư 12 dự án trên khoảng 154.527 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước cần 73.495 tỷ đồng, còn lại huy động xã hội hóa. Tổng mức đầu tư 9 dự án ưu tiên khoảng 124.619 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 61.628 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách 62.991 tỷ đồng. Với nguồn vốn nhà nước, Chính phủ dự kiến bố trí khoảng 49.233 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; phần còn lại 12.395 tỷ đồng bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Các dự án cao tốc được kiến nghị đầu tư phân kỳ theo quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường 17m); giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt. Thời gian chuẩn bị từ nay đến năm 2022; lựa chọn nhà đầu tư và giải phóng mặt bằng đến năm 2023; thi công xây dựng công trình từ năm 2023 đến 2025. Trước khi triển khai, các dự án sẽ phải trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư.
Hiện nay, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau đã đưa vào khai thác 478km, đang đầu tư 829km, còn lại 756km (chia làm 12 dự án) chưa đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc sớm đầu tư, khai thác đồng bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn sẽ tạo sức lan tỏa, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.