Đề xuất đầu tư 900 tỷ đồng xây dựng tuyến đường sắt nối Dung Quất với đường sắt Bắc - Nam
Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi vừa trình đề xuất đầu tư tuyến nhánh đường sắt nối Khu kinh tế Dung Quất với tuyến đường sắt Bắc - Nam, nhằm phục vụ chiến lược phát triển hạ tầng logistics và tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa.
Ông Trần Văn Mẫn - Trưởng Ban Quản lý, xác nhận thông tin trên vào tối ngày 11/5, đồng thời cho biết tuyến đường sắt dự kiến có chiều dài khoảng 14 km, bắt đầu từ ga Trì Bình (nằm trên tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - TP.HCM) và kết thúc tại cảng Dung Quất. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 900 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách trung ương.
Theo ông Mẫn, tuyến nhánh đường sắt này giữ vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực kết nối vùng và phát huy hiệu quả khai thác Khu kinh tế Dung Quất, nơi được quy hoạch trở thành trung tâm lọc hóa dầu quốc gia.
Khu vực này hiện đang là điểm đến của nhiều dự án công nghiệp trọng điểm, trong đó nổi bật là khu sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát và hệ thống cảng biển Dung Quất có khả năng tiếp nhận lượng hàng hóa lên đến hàng triệu tấn mỗi năm.

Dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Dung Quất đạt khoảng 39 triệu tấn và có thể tăng lên 72 triệu tấn trong các giai đoạn tiếp theo khi quy hoạch cảng được điều chỉnh. Với đặc thù hàng hóa chủ yếu là hàng siêu trường, siêu trọng, phương thức vận tải đường sắt được đánh giá là phù hợp và hiệu quả nhất.
“Tuyến nhánh kết nối trực tiếp với đường sắt Bắc - Nam sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho Dung Quất, không chỉ nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa mà còn tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, góp phần đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước”, ông Mẫn nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông cũng cho biết tuyến đường sắt này đã được tích hợp vào ba đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tại Dung Quất. Sau khi hoàn thiện, tuyến đường sẽ kết nối trực tiếp các nhà máy sản xuất trong khu kinh tế với hệ thống cảng biển và mạng lưới đường sắt quốc gia, qua đó mở rộng khả năng phân phối hàng hóa trên toàn quốc.
Đánh giá về ý nghĩa lâu dài, ông Mẫn cho rằng đây là giải pháp vận tải bền vững không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai hàng trăm năm của Dung Quất, góp phần giảm tải cho hệ thống đường bộ, tối ưu chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu kinh tế.
Hiện tại, Khu kinh tế Dung Quất đang thu hút 352 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 18,5 tỷ USD. Trong đó, có 262 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, do 216 doanh nghiệp triển khai, với giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 87.000 tỉ đồng và tạo việc làm cho hơn 77.600 lao động.