Thời sự

Đề xuất 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu

N.H 09/08/2024 - 14:02

Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế suất đối với rượu, bia. Theo đó, đến năm 2030 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu trên 20 độ tăng lên mức 90-100%, còn dưới 20 độ ở mức 60-70%.

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”.

Hiện, Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 11 nhóm mặt hàng đa dạng từ thuốc lá, xì-gà, các loại rượu bia, ô tô dưới 24 chỗ, xăng và sản phẩm chế biến từ xăng, điều hòa nhiệt độ dưới 90.000 BTU, bài lá, vàng mã, xe máy trên 125cm3, tàu bay đến du thuyền. Từ khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được ban hành năm 2008, đã có 4 lần sửa đổi nhằm thúc đẩy tiết kiệm nguồn lực, bảo vệ môi trường, và điều chỉnh thu nhập xã hội, góp phần củng cố nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đánh giá kỹ tác động việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Trong khuôn khổ dự thảo sửa đổi luật mới, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án điều chỉnh thuế suất cho rượu và bia bắt đầu từ năm 2026. Theo phương án thứ nhất, mức thuế tăng thêm 5% so với hiện tại sẽ dẫn đến mức tăng giá sản phẩm khoảng 10% so với năm 2025. Trong khi đó, phương án thứ hai đề xuất mức tăng thuế 15%, khiến giá sản phẩm tăng 20% so với năm 2025. Trong 4 năm tiếp theo, dự kiến mỗi năm, thuế sẽ tăng thêm 5%, với mức tăng giá sản phẩm từ 2% đến 3% hằng năm để phù hợp với mức lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Đến năm 2030, dự kiến thuế suất đối với rượu có độ cồn trên 20 sẽ tăng lên 90-100%, cao hơn 25-35% so với mức hiện tại; và rượu có độ cồn dưới 20 độ sẽ có thuế suất 60-70%, cũng tăng thêm 25-35%.

Trước dự thảo này, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA cho rằng, các đề xuất cần được xem xét cẩn trọng, đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện trong điều kiện ở Việt Nam, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học… để có chính sách đảm bảo hài hòa các lợi ích nhất.

Theo Nhóm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR 2024), mức thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xác định hợp lý để vừa đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Mức thuế tiêu thụ đặc biệt cũng cần được xác định hợp lý để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước hiệu quả nhưng cũng không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần đảm bảo sự công bằng trong việc thu thuế đối với mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và mức thuế áp dụng cần được quy định rõ ràng, minh bạch và lộ trình phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành pháp luật thuế.

Riêng đối với mặt hàng rượu bia, VEPR 2024 đề xuất, trong điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19 và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng, cần xác định mức thuế suất tạm thời để theo dõi mức độ đạt được kết quả phù hợp mục tiêu và các yếu tố liên quan.

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã xem xét nhiều đề xuất liên quan đến việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia và rượu, nhằm kiểm soát mức tiêu thụ và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng.

Một số đề xuất bao gồm tăng mức thuế suất đối với bia từ 65% lên 75% và đối với rượu từ 65% lên 70% hoặc thậm chí cao hơn. Các biện pháp này được xem như là một phần của chiến lược giảm thiểu tác hại của rượu, bia, trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ bia cao nhất thế giới.

Theo thống kê, trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 8,3 lít rượu nguyên chất mỗi năm và hơn 4 tỷ lít bia, khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiêu thụ bia lớn nhất ở Đông Nam Á.

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu không chỉ nhằm tăng nguồn thu ngân sách mà còn hướng đến việc thay đổi hành vi tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu các vấn đề xã hội liên quan đến lạm dụng đồ uống có cồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề xuất 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO