Để thuận lợi hơn cho thương mại hóa tài sản trí tuệ

Quỳnh Nga| 25/03/2022 06:00

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cơ quan chủ trì dự thảo cho biết: "Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp thu ý kiến về đề xuất kiểm soát chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp theo hướng thuận lợi hơn nữa cho việc thương mại hóa tài sản trí tuệ”.

Ông Đinh Hữu Phí

Ông Đinh Hữu Phí

* Theo ông, vấn đề gì trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cần phải sửa đổi, bổ sung?

- Luật Sở hữu trí tuệ đã được thực thi hơn 16 năm. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các nghĩa vụ Việt Nam cam kết về sở hữu trí tuệ ngày càng cao, Luật Sở hữu trí tuệ đã bộc lộ một số vấn đề cần phải sửa, bổ sung cho phù hợp. Chẳng hạn, luật hiện hành quy định quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư thuộc về Nhà nước, tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện. Vấn đề ở chỗ, tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư thực hiện quyền đăng ký và trở thành chủ văn bằng bảo hộ lại không có khả năng thương mại hóa tài sản trí tuệ do không có chức năng tổ chức kinh doanh. 

* Ý kiến của đại biểu Quốc hội về đề xuất này thế nào, thưa ông?

- Đến nay, trong số 85 ý kiến góp ý, có 82 ý kiến tán thành, trong đó nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể về cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả, mở rộng giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì trong lĩnh vực giống cây trồng và một số đối tượng của quyền tác giả; sửa đổi các văn bản luật có liên quan để thống nhất với nội dung đề xuất sửa đổi nêu trên của Luật Sở hữu trí tuệ.

images-2482-1648110936.jpg

Cơ quan chủ trì dự thảo đang nghiên cứu các ý kiến nhằm hoàn thiện đề xuất theo phương án đa số đại biểu Quốc hội quan tâm. Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá thực trạng khai thác thương mại kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và giống cây trồng. Dự kiến sẽ đề xuất Chính phủ cho phép mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế giao quyền đăng ký đối với kết quả nghiên cứu là đối tượng được bảo hộ giống cây trồng.  

* Nếu Quốc hội thông qua phương án cơ quan soạn thảo dự thảo đề xuất, ông kỳ vọng thay đổi gì đối với việc đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ nói chung và thương mại hóa tài sản trí tuệ được tạo ra trong các trường đại học, viện nghiên cứu nói riêng?

- Trước tiên các trường đại học, viện nghiên cứu cần thiết lập cơ chế quản lý hiệu quả các tài sản trí tuệ cả ở góc độ thị trường, giá trị thương mại và góc độ pháp lý. Đồng thời, kết hợp với sự năng động và thậm chí là mạo hiểm từ phía doanh nghiệp khi đầu tư khai thác tài sản trí tuệ mới không phải do doanh nghiệp tự tạo ra.

Các đơn vị chủ trì nghiên cứu khoa học và công nghệ sẽ được chủ động làm cho giá trị của tài sản trí tuệ gia tăng, kết quả đề tài nghiên cứu sẽ không chỉ dừng ở việc công bố hoặc thể hiện dưới dạng bài báo khoa học mà có thể trở thành những sản phẩm hữu hình. Lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu sẽ quay vòng vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. 

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để thuận lợi hơn cho thương mại hóa tài sản trí tuệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO