Phía sau sự tham gia của các công ty tài chính nước ngoài

Anh Khoa| 14/07/2019 06:00

Thị trường tài chính Việt Nam thời gian qua chứng kiến khá nhiều thương vụ thâu tóm diễn ra ở các công ty tài chính (CTTC), trong đó có sự tham gia của các tập đoàn, định chế tài chính nước ngoài.

Phía sau sự tham gia của các công ty tài chính nước ngoài

Những “tay chơi” mới

Mới đây, Công ty Tài chính Lotte (Lotte Finance) ra mắt thị trường Việt Nam. Lotte Finance cho biết bên cạnh thẻ tín dụng thì vay tiêu dùng tín chấp là mảng kinh doanh chiến lược của doanh nghiệp tại thị trường mới. Đơn vị này cũng muốn phát triển thêm cho vay trả góp, thẻ tín dụng.

Đầu năm 2018, Techcombank đã hoàn thành việc chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ thương (TechcomFinance) cho Công ty TNHH Thẻ Lotte của Hàn Quốc với giá chuyển nhượng lên tới 87,5 tỷ won, tương đương 1.734 tỷ đồng, gấp 2,89 lần vốn điều lệ của TechcomFinance (600 tỷ đồng).

Ngày 2/7/2019, công ty phát hành thẻ tín dụng hàng đầu tại Hàn Quốc - Shinhan Card, đã khai trương Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) tại TP.HCM. Đây là CTTC tiêu dùng 100% vốn nước ngoài hoạt động dưới thương hiệu Shinhan Finance từ năm 2019.

Được biết Shinhan trước đó đã bỏ ra 151 triệu USD để thâu tóm Công ty Tài chính tiêu dùng Prudential Finance tại Việt Nam, và không giấu giếm tham vọng đưa Shinhan Finance trở thành một trong những CTTC hàng đầu tại Việt Nam.

Bất chấp sự rút lui của ANZ, Commonwealth hay Prudential, nhiều tập đoàn nước ngoài vẫn vào Việt nam để bán lẻ tài chính tiêu dùng. Thống kê cho thấy Việt Nam hiện có 16 CTTC, trong đó có 6 công ty 100% vốn nước ngoài gồm Lotte Finance, Mirae Asset, Home Credit, Shinhan Finance và Toyota Việt Nam.

Một điểm đáng lưu ý là các tập đoàn nước ngoài thường có xu hướng mua lại một CTTC trong nước và “dòm ngó” mảng cho thuê tài chính tại Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn Srisawad Corporation của Thái Lan đã đề nghị tham gia tái cơ cấu Công ty Cho thuê tài chính I (ALC I) của Agribank. Với đề nghị này, Srisawad Corporation đề xuất trả cho Agribank 523 tỷ đồng để sở hữu toàn bộ vốn của ALC I, bao gồm 200 tỷ hoàn trả vốn điều lệ và phần còn lại là nợ gốc ALC I đã vay của Agribank.

Ứng dụng công nghệ mới để phát triển khách hàng 

Việc các định chế tài chính nước ngoài tăng cường thâm nhập thị trường là điều dễ hiểu, khi mảng tài chính bán lẻ tại Việt Nam còn quá nhiều hấp dẫn.

Nhưng những “tay chơi” lớn trong lĩnh vực này hiện tại ở thị trường Việt Nam không nhiều, khi chỉ có một số công ty đạt được quy mô nhất định như HD Saison hay FE Credit, nhưng thời gian gần đây đang bộc lộ một số hạn chế trong việc quản trị rủi ro sau giai đoạn tăng trưởng nóng.

Điều đó cũng mang lại cơ hội bứt phá, mở rộng và xâm lấn thị phần của các công ty tài chính nước ngoài, khi các “tay chơi”mới này có thể kết hợp với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) hoặc tự mình ứng dụng các công nghệ mới để phát triển khách hàng và quản lý rủi ro tốt hơn.

Như Lotte Finance sau khi thâu tóm Công ty Tài chính TechcomFinance của Techcombank cho biết sẽ tập trung phát triển tài chính tiêu dùng không sử dụng tiền mặt, thông qua việc ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech, Findata). Chiến lược này cũng phù hợp với định hướng phát triển của các nhà quản lý tại Việt Nam. 

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ từng cho biết Chính phủ Việt Nam quan tâm tới phát triển tài chính tiêu dùng thông qua Fintech, Mobile Payment và ủng hộ Lotte Card đầu tư, góp phần phát triển tiêu dùng không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Hay như ban lãnh đạo Shinhan Việt Nam cũng cho rằng với sự kết hợp vững chắc giữa nền tảng công nghệ và các sản phẩm tài chính vượt trội của Shinhan Card cùng hơn 10 năm kinh nghiệm phát triển thị trường cho vay tiêu dùng của Prudential Finance, Shinhan Việt Nam cam kết nỗ lực để trở thành CTTC hỗ trợ khách hàng tốt nhất Việt Nam.

Dù sự gia tăng hoạt động của khối ngoại khiến cho sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính ngày càng trở nên khốc liệt, nhưng đứng ở góc độ người tiêu dùng, sự góp mặt của khối ngoại không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho thị trường tiền tệ trong nước mà còn giúp nhóm đối tượng này được hưởng lợi nhiều hơn. 

Dù sự gia tăng hoạt động của khối ngoại khiến cho sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính ngày càng trở nên khốc liệt, nhưng đứng ở góc độ người tiêu dùng, sự góp mặt của khối ngoại không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho thị trường tiền tệ trong nước mà còn giúp nhóm đối tượng này được hưởng lợi nhiều hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phía sau sự tham gia của các công ty tài chính nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO