Lý do làm cho thị trường BĐS thu hút nhiều nhà đầu tư là do thị trường giao dịch vẫn diễn ra rất sôi động, giá BĐS không giảm, trong đó phải kể đến các thị trường rất sôi động như Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc... qua các sản phẩm truyền thống đất nền, phân lô, sản phẩm đang hot thị trường theo mô hình farm, homestay...
Trong khi đó, thị trường BĐS nợ xấu được các ngân hàng thanh lý chưa thu hút nhiều nhà đầu tư bởi do tâm lý nhà đầu tư quan ngại về mặt pháp lý, thủ tục tham gia mua đấu giá... mặc dù giá bán của các ngân hàng có thấp hơn 5-20% so với thị trường giao dịch. Một số nhà đầu tư lâu năm, am hiểu thị trường, thủ tục, quy trình khi mua các BĐS ngân hàng thanh lý thì cho rằng đây là một thị trường không mới nhưng không phải ai cũng am hiểu hết quy trình, thủ tục để có được khoản lợi nhuận từ những BĐS ngân hàng thanh lý.
Hiện nay, dự báo tình hình nợ xấu tại các ngân hàng sẽ tăng đột biến sau khi hết thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước ban hành và có hiệu lực từ ngày 7/9/2021. Do đó, các ngân hàng đang đẩy mạnh công tác thanh lý tài sản thu hồi nợ đang tồn đọng lâu nay để chuẩn bị trong thời gian sắp tới, tỷ lệ nợ xấu theo dự báo sẽ tăng cao và khó đoán.
Ngân hàng thanh lý tài sản thông qua hai hình thức chính là ngân hàng tự thuê bên thứ ba là tổ chức bán đấu giá công khai, hoặc bán đấu giá thông qua cơ quan thi hành án.
Sau đây là những bí quyết được đúc kết lại sau nhiều năm đầu tư tài sản thanh lý chia sẻ đến những nhà đầu tư muốn tìm hiểu, nắm rõ trước những quy định, thủ tục có liên quan:
Thứ nhất, đề nghị phía ngân hàng hoặc tổ chức bán đấu giá cung cấp các hồ sơ pháp lý liên quan đến tài sản thanh lý và chủ sở hữu như giấy chứng nhận (sổ hồng/sổ đỏ), tờ khai lệ phí trước bạ, tờ khai tiền sử dụng, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng (nếu có), bản vẽ hiện trạng vị trí, CMND/CCCD + hộ khẩu của chủ tài sản, hợp đồng thế chấp tài sản, kết quả đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản để thể hiện rõ tính pháp lý của tài sản, đánh giá tiềm năng của tài sản đó trong tương lai để an tâm về pháp lý trước khi quyết định tham gia đầu tư và hạn chế được nhiều rủi ro.
Thứ hai, ngoài thông tin giá bán khởi điểm, bước giá, thời gian tổ chức bán đấu giá nên cần chú ý thêm về thời gian bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá. Thông thường, thời gian bàn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng.
Thứ ba, nên tìm hiểu thông tin tài sản có bị tranh chấp, ngăn chặn giao dịch tài sản của bên thứ ba hay không.
Thứ tư, khảo sát thực địa tài sản:
+ Nếu là đất trống có cấm ranh, mốc rõ ràng thì việc bàn giao tài sản thuận lợi, đúng thời gian quy định.
+ Nếu là nhà trống, không ai ở hay canh giữ hay thuê thì việc bàn giao tài sản gặp thuận lợi nhưng cũng cẩn trọng hơn bên trong nhà và bên ngoài xem có những loại tài sản có giá trị, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thời gian bàn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, cũng có khả năng xảy ra tranh chấp, khiếu kiện của bên chủ tài sản.
+ Nếu là nhà đang được chủ tài sản ở hay người khác đang thuê thì cần phải nắm rõ xem ý của chủ nhà có thiện chí tự nguyện bàn giao tài sản hay không và cần xác định rõ những nội dung trong hợp đồng thuê xem thời gian thuê còn hay không... để từ đó đánh giá được khả năng nhận được tài sản là bao lâu sau khi đã nộp đủ tiền. Trong thực tế, đã có những trường hợp xảy ra sau khi người mua trúng đấu giá đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nhưng vẫn chưa thể nhận được tài sản.