Dân số thế giới sẽ chạm đỉnh hơn 11 tỷ người

Tuỳ Phong| 12/07/2019 06:00

Đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng thêm 2 tỷ người, và con số này sẽ còn tiếp tục tăng cho đến khi đạt đỉnh ở mức xấp xỉ 11 tỷ người vào năm 2100, bất chấp việc dân số thế giới đang già đi cũng như tỷ lệ sinh chậm lại.

Theo báo cáo The World Population Prospects 2019 của Phòng Dân số thuộc Ban Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc (UN DESA), đến năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt 9,7 tỷ người, và chạm đỉnh xấp xỉ 11 tỷ người vào cuối thế kỷ, bất chấp việc dân số thế giới đang già đi cũng như tỷ lệ sinh chậm lại.

Ông John Wilmoth - Giám đốc Phòng Dân số, UN DESA - cho biết, con số 11 tỷ người là “chưa hoàn toàn chắc chắn, và dân số thế giới có thể chạm đỉnh sớm hoặc trễ hơn dự kiến, ở mức nhiều hơn hoặc ít hơn”.

Dự báo dân số trong tương lai của Liên Hiệp Quốc

Dự báo dân số toàn cầu từ UN DESA

Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách Kinh tế và Xã hội - Lu Zhenmin - cho biết: “Nhiều quốc gia có dân số tăng trưởng nhanh nhất lại là những nước nghèo nhất; do đó, việc gia tăng dân số mang đến nhiều thách thức trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới, cải thiện y tế và giáo dục”. 

Ấn Độ soán ngôi Trung Quốc, trở thành nước đông dân nhất thế giới

Dự báo dân số từ DESA cũng nhận định, hơn một nửa mức tăng trưởng dân số toàn cầu từ nay đến năm 2050 tới từ 9 quốc gia, theo thứ tự lần lượt là Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Congo, Ethiopia, Tanzania, Indonesia, Ai Cập và Mỹ. 

Trong đó, Ấn Độ ​​là quốc gia được dự báo có dân số tăng cao nhất, và sẽ vượt Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới vào khoảng năm 2027, song đến giữa thế kỷ, dân số nước này sẽ chững lại. Còn tại khu vực cận Sahara, dân số dự kiến tăng gần gấp đôi (99%) vào năm 2050.

Đáng chú ý, mức tăng trưởng dân số ở các quốc gia nói trên có được trong bối cảnh tỷ lệ sinh toàn cầu đang chậm lại, từ trung bình 3,2 con/phụ nữ vào năm 1990, xuống còn 2,5 con/phụ nữ vào năm 2019. Và, đến năm 2050, con số này được dự đoán sẽ giảm còn 2,2 con/phụ nữ. Cần biết rằng, 2,1 con/phụ nữ là tỷ lệ cần thiết để tránh suy giảm dân số quốc gia trong thời gian dài (nếu không tính người nhập cư). Hiện, các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Brazil, Bangladesh, Nga, Nhật Bản và Việt Nam.

Hành khách chen chúc nhau trên một chuyến tàu hoả quá tải tại Ấn Độ - quốc gia sẽ soán ngôi Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới vào năm 2027. Ảnh: Photo/IC

Hành khách chen chúc nhau trên một chuyến tàu hoả quá tải tại Ấn Độ - quốc gia sẽ soán ngôi Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới vào năm 2027. Ảnh: Photo/IC

Các khu vực có thể có tỷ lệ tăng dân số thấp hơn trong giai đoạn 2019 - 2050 bao gồm châu Đại Dương (không bao gồm Úc/New Zealand - 56%), Bắc Phi và Tây Á (46%), Úc/New Zealand (28%), Trung và Nam Á (25%), châu Mỹ Latinh và Caribê (18%), Đông và Đông Nam Á (3%), và châu Âu và Bắc Mỹ (2%).

Bên cạnh đó, dân số của ngày càng nhiều quốc gia cũng đang giảm dần. Kể từ năm 2010, dân số của 27 quốc gia hoặc khu vực đã giảm ít nhất 1%, do tỷ lệ sinh thấp liên tục. Dự báo, trong ba thập kỷ tới, xu hướng này ​​sẽ tiếp tục ở 55 quốc gia và khu vực, với ​​dân số giảm từ 1% hoặc hơn; trong đó, dân số tại gần một nửa các nước này sẽ giảm ít nhất 10%.

Với một số trường hợp, dân số giảm do chịu tác động bởi tỷ lệ di cư cao; và quá trình di dân cũng là một trong những yếu tố chính dẫn đến sự thay đổi dân số ở các khu vực nhất định. Bangladesh, Nepal và Philippines là ba quốc gia tiếp nhận dòng người di cư lớn nhất, xuất phát từ nhu cầu lao động nhập cư, trong khi Myanmar, Syria và Venezuela là các nước có dòng người dời đi lớn nhất vì bạo lực, mất an ninh hoặc xung đột vũ trang. Đối với những quốc gia có dân số đang giảm, dòng nhập cư dự kiến ​​sẽ lấp đầy khoảng trống này, đặc biệt là ở Belarus, Đức và Estonia.

Tuy nhiên, tăng trưởng dân số cũng đồng thời mang đến những cơ hội nhất định cho nhiều quốc gia đang phát triển: Tỷ lệ sinh giảm trong thời gian gần đây đồng nghĩa với việc dân số trong độ tuổi lao động (25 - 64) tăng nhanh hơn các nhóm tuổi khác, giúp nâng cao khả năng tăng trưởng kinh tế. Báo cáo từ DESA khuyên, chính phủ các nước nên tận dụng thời gian có “cơ cấu dân số vàng” để đầu tư cho giáo dục và y tế, và đặc biệt là đầu tư cho giới trẻ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế bền vững.

Link bài viết

Dân số già tăng thêm, tuổi thọ trung bình ở các nước nghèo vẫn thấp

Ngoài ra, báo cáo dân số của DESA cũng cho biết, dân số thế giới đang già đi, dù tuổi thọ trung bình tại các nước nghèo vẫn thấp. Đến năm 2050, cứ sáu người trên thế giới, thì sẽ có một người trên 65 tuổi, so với tỷ lệ hiện tại là 1/11. Bên cạnh đó, dân số từ 80 tuổi trở lên được dự báo ​​sẽ tăng gấp ba lần, từ 143 triệu vào năm 2019 lên 426 triệu vào năm 2050.

Một số khu vực sẽ có tỷ lệ người già tăng gấp đôi trong 30 năm tới, gồm Bắc Phi, Tây Á, Trung và Nam Á, Đông và Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Caribê. Còn tại châu Âu và Bắc Mỹ, đến năm 2050, cứ bốn người thì sẽ có một người từ 65 tuổi trở lên. Đồng thời, tỷ lệ hỗ trợ tiềm năng - con số có được khi so sánh số người trong độ tuổi lao động với những người trên 65 tuổi (độ tuổi phụ thuộc) - đang giảm trên toàn thế giới.

Tại Nhật Bản tỷ lệ này là 1,8 - thấp nhất thế giới. Hiện, có 29 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu và Caribê, đã có tỷ lệ hỗ trợ tiềm năng dưới 3. Đến năm 2050, 48 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu, Bắc Mỹ, Đông và Đông Nam Á, dự báo ​​sẽ có tỷ lệ hỗ trợ tiềm năng dưới 2. Tỷ lệ này không chỉ phản ánh tác động tiềm tàng của tình trạng già hóa dân số đến thị trường lao động và hiệu quả kinh tế, mà còn cho thấy áp lực tài chính mà nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt trong những thập kỷ tới, với chi phí dành cho xây dựng, duy trì hệ thống y tế, lương hưu cùng các hệ thống bảo vệ xã hội cao hơn.

Mặc dù tuổi thọ trung bình sẽ tăng (từ 64,2 năm 1990 lên 77,1 năm 2050), tuổi thọ ở các nước nghèo sẽ tiếp tục tụt lại phía sau. Dù nhiều tiến bộ đáng kể đã được thực hiện trong việc giảm tỷ lệ tử vong và thu hẹp chênh lệch tuổi thọ giữa các quốc gia, khoảng cách này vẫn còn khá rộng. Hiện, tuổi thọ trung bình của một em bé được sinh ra tại một trong những nước kém phát triển nhất sẽ ít hơn 7,4 năm so với tuổi thọ trung bình toàn cầu. Lý do chính bao gồm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và bà mẹ cao, tình trạng bạo lực và tác động của HIV.

Với tuổi thọ trung bình khi sinh đạt trên 84 tuổi vào năm 2019, Nhật Bản, Hồng Kông và Macao là các khu vực có dân số sống lâu nhất thế giới. Ngược lại, các quốc gia có tuổi thọ trung bình thấp nhất thế giới là Cộng hòa Trung Phi, Chad, Lesoto, Nigeria và Sierra Leone; mỗi quốc gia có tuổi thọ trung bình sau sinh dưới 55 tuổi, theo số liệu của năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dân số thế giới sẽ chạm đỉnh hơn 11 tỷ người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO