Quản trị

“Dặm đường tôi đi” Nhiều bài học về quản trị và khởi nghiệp

Ý Nhi 26/03/2024 8:00

Với bất cứ doanh nhân hay bạn trẻ khởi nghiệp nào khi đọc cuốn sách Dặm đường tôi đi - Hành trình từ BMW, Bosch đến VinFast của ông Võ Quang Huệ, tin chắc, sẽ tìm được cho mình những bài học quản trị, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và khởi nghiệp quý giá.

2.jpg
Ông Võ Quang Huệ (áo trắng)

Tốt nghiệp chuyên ngành ô tô và động cơ ô tô tại Đức, ông Võ Quang Huệ có 24 năm làm việc tại BMW trong bộ phận nghiên cứu phát triển xe ô tô mới và lãnh đạo đề án sản xuất, ở kinh doanh tại các thị trường Đông Nam Á,Mexico và Ai Cập. Ông cũng là Tổng giám đốc đầu tiên của Công ty Bosch tại Việt Nam (giai đoạn 2007-2017), nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách đề án VinFast.

Dặm đường tôi đi kể lại hành trình sự nghiệp của tác giả gắn với ba tập đoàn lớn, gồm BMW, Bosch, VinFast với nhiều bài học được đúc kết sắc sâu. Tại buổi giao lưu ra mắt sách mới đây tại Đương sách TP.HCM, ông đã kể lại những cột mốc đáng nhớ trong hành trình cùng những bài học để lại.

Năm 1971, ông Huệ rời Việt Nam đến Đức vì muốn đi học ngành ô tô. Những ngày đầu tại quốc gia xa lạ này đã cho ông nhiều bài học. “Đầu tiên là phải thay đổi và học cách sống ngăn nắp kỷ luật. Bài học tiếp theo là tính đúng giờ. Thời gian học tiếng Đức cũng chính là thời gian tôi học cách thích ứng với văn hóa sở tại”, ông chia sẻ.

Nhiều bài học ở BMW

Năm 1982, ông làm việc tại BMW sau khi tốt nghiệp kỹ sư với 2 nền tảng về sản xuất ô tô và ngành động cơ ô tô. Bài học nghề nghiệp đầu tiên ông học được tại BMW là tính kỷ luật, phải đảm bảo an toàn chất lượng, không thể có bất cứ sai sót nào, dù rất nhỏ cũng có thể làm mất uy tín của hãng và ảnh hưởng đến khách hàng. “Với BMW, họ quan tâm đến từng chi tiết nhỏ, cả tiếng động, tiếng ồn, dù rất ngắn mươi giây cũng không thể chấp nhận được”, ông nhấn mạnh.

dscf4324.jpg

“Thời gian làm việc ở BMW, tôi đã học được những điểm mạnh của các đồng nghiệp và cộng sự của người Đức. Họ luôn thực hiện công việc một cách có trách nhiệm và tỉ mỉ. Khả năng giải quyết vấn đề của họ được thể hiện qua sự kỹ lưỡng và quyết tâm. Họ còn rất giỏi trong làm việc nhóm và hiệu quả trong môi trường quốc tế, đồng thời sáng tạo trong cách tiếp cận vấn đề. Một đặc điểm nổi bật của người Đức là họ thường tách biệt công việc và mối quan hệ cá nhân, họ chỉ chia sẻ những thông tin cá nhân với bạn bè hoặc gia đình ít khi thảo luận về chúng tại nơi làm việc. Điều này giúp họ duy trì sự tập trung và tránh xung đột không cần thiết khi phải giải quyết vấn đề với đồng nghiệp”, ông đúc kết bài học.

Học tiếp từ Bosch

Một điều ông Huệ học được từ người sáng lập Robert Bosch của Tập đoàn Bosch là tinh thần phụng sự vì cộng đồng (hơn 90% cổ phần công ty thuộc về Quỹ từ thiện mang tên ông sau khi ông mất, công ty luôn chú trọng và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...) và ông hy vọng tinh thần này sẽ thấm nhuần trong các thế hệ doanh nhân trí thức mới, không chỉ dừng lại ở nghĩ giàu - làm giàu, mà hướng đến đóng góp cho đất nước, cho thế giới.

Ông Huệ đúc kết nhiều bài học và thường nhắc với các bạn trẻ: “Dù hiện tại chúng ta đã hội nhập sâu rộng, trí tuệ nhân tạo đang giúp con người giải quyết nhiều thứ, kể cả ngôn ngữ nhưng dù vậy, các bạn nếu không giỏi ngoại ngữ vẫn rất khó để vươn lên. Bản thân tôi nhờ chăm chỉ học tiếng Anh và tiếng Đức nên tôi mới có nhiều thuận lợi trong công việc cấm tính cách theo đuổi tôi cho đến tận bây giờ đó là tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ”.

Ông nói: “Người ta nói học và rèn luyện cả cuộc đời, may mắn có tố chất phù hợp với điều này bởi tôi luôn duy trì việc học hỏi từ những chuyện rất nhỏ, thường xuyên phát triển bản thân, cải tiến và đổi mới không ngừng là điểm mạnh của chính mình. Tôi học từ sách và từ những người xung quanh hay những cộng sự. Khi có thời gian, tôi cũng thích tham gia các khóa đào tạo rèn luyện các kỹ năng mềm. Tinh thần học cả đời với tôi là quan trọng. Và tôi luôn muốn truyền đạt tinh thần này đến cộng sự hay con cái trong gia đình vậy nhất là với các bạn trẻ”.

Bài học lớn ở VinFast

Bắt đầu tham gia vào VinFast với vai trò Phó tổng giám đốc Tập đoàn phụ trách sản xuất và kinh doanh ô tô, xe máy, ông Huệ kể bài học lớn ông học được ở VinFast, chính là cách làm việc và quy định khắt khe tại VinFast. Ông kể: “Lần đầu tiên khi nghe ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ về ý định làm ô tô, tôi không tin nổi kế hoạch này của ông nên không ngừng phản biện. Nhưng càng trao đổi, ông Vượng càng thuyết phục tôi ở cách nói rất gọn và rất mạnh mẽ, tỏ ra tinh thần quyết liệt muốn tạo ra sự thay đổi cho Việt Nam.

mai.jpg
Tác giả ký tặng sách cho bạn đọc

Điều đầu tiên tôi học được ở ông Phạm Nhật Vượng, đó là một con người rất quyết liệt. Một khi đã làm là bắt tay hành động nhanh chóng và mọi cách vượt qua bất cứ khó khăn nào. Ông nói: “Nếu dễ thì không tới phiên mình” và luôn thúc đẩy các cộng sự vượt qua giới hạn của bản thân.

Trong quản trị, ông Vượng cũng là người rất nghiêm khắc. Tôi thật sự ấn tượng với câu chuyện ông đã phạt một người thân để đội ngũ hiểu về cách làm việc, tinh thần và cách xử sự của cá nhân. Đại ý tinh thần là tập đoàn ứng xử công bằng với mọi công nhân viên, làm tốt thì thưởng, không tốt thì phạt, bất kể thân sơ. Ông nói: “VinFast là một công ty chứ không phải là một tổ chức từ thiện xã hội, người làm giỏi có mức lương tương xứng, không hoàn thành được công việc phải tự nghỉ việc chứ để công ty phải ra quyết định cho nghỉ là quá đáng”. Đó là nguyên tắc được áp dụng cho tất cả mọi người.

Bản thân tôi cũng đã từng bị xử phạt. Đó là tuần đầu tiên khi làm việc tại Vingroup, tôi được triệu tập gấp để họp về các đề án logistics. Lúc đó là giai đoạn tôi đang phải lên kế hoạch cho đề án ra xe, phải dành toàn bộ tâm trí cho việc này nên dù tham dự cuộc họp tôi vẫn ngồi tập trung lo việc chính yếu này. Khi biên bản cuộc họp được gửi tới, tôi nhận ra có những phần việc sai rất nặng nên đề nghị nhóm điều chỉnh, nếu không hậu quả thật xấu cho Tập đoàn. Ngay sau đó, tôi nhận được thông báo, tôi bị phạt tiền do làm việc tắc trách. Tôi rất sốc và ngạc nhiên không hiểu lý do vì sao mình bị phạt thì được biết, dù tham gia cuộc họp và là Phó tổng giám đốc tập đoàn phụ trách nhưng đã không chú tâm phân tích, đóng góp ý để dẫn đến sai sót nặng. Vì vậy, tôi phải bị xử phạt theo quy định công ty.

Ngoài ra, ở Vingroup việc nhân sự vào và ra công ty cũng rất nhanh chóng, khi không làm được việc theo yêu cầu, có thể bị đuổi việc trong tích tắc, việc lên xuống chức danh cũng tích tắc, có thể hôm nay như vậy, ngày mai giáng xuống một hai cấp khi phạm lỗi hoặc bị mất chức, nhưng rồi việc phục chức cũng bình thường. Mọi người được thúc đẩy vượt qua giới hạn bản thân nên cũng tự tạo áp lực lớn với khát khao lớn.

Đúc kết kinh nghiệm từ các công ty đã làm, ông Huệ chia sẻ với các startup, chiến lược tài chính, chiến lược kinh doanh, sản phẩm và khách hàng là đương nhiên phải có cho một startup. Nhưng quan hơn là ngay từ đầu phải chú tâm xây dựng văn hóa công ty, đây là một điều rất quan trọng nhưng không phải công ty nào cũng coi trọng khi thành lập.

3 lời khuyên cho start-up
Một, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh từ đầu. Không chỉ tồn tại suông trên câu chữ, văn hóa là thứ cần được hiểu, được sống, được lưu truyền và phát huy. Lãnh đạo mà không làm gương thì chẳng thể thuyết phục được nhân viên tin vào giá trị cốt lõi của công ty. Quy trình đó không ngừng được cải tiến, đổi mới để luôn phù hợp với hình thái hay hoạt động của công ty trong từng thời điểm.
Hai, "quy trình, quy trình và quy trình". Từ những việc nhỏ nhất như tiếp khách, mua thức ăn... đều cần quy trình chuẩn hóa, chứ không thể phụ thuộc vào việc theo dõi chi tiết, khảo sát từng chút một.
Ba, tư duy công nghệ - khoa học, giải quyết vấn đề dựa trên thông tin (facts) - số liệu (figures) - dữ liệu (data).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Dặm đường tôi đi” Nhiều bài học về quản trị và khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO