Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk gặp mặt doanh nghiệp. |
Kết quả khả quan nhưng chưa hài lòng
Nếu so với các địa phương trong nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng, Đắk Lắk là tỉnh nổi trội hơn hẳn và được nhiều người biết đến, bởi được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho một vùng khí hậu tuyệt vời, một vùng đất bazan màu mỡ, cộng với đó là sự tổng hợp đa dạng của các dân tộc anh em cùng hội tụ về đây làm ăn sinh sống.
Do lợi thế này, Đắk Lắk từng được gọi là "thủ phủ" của các loại cây công nghiệp, với bạt ngàn cà phê, cao su, hồ tiêu và nhiều loại cây đặc sản khác. Bên cạnh đó là lợi thế về phát triển rừng kết hợp với chăn nuôi và địa hình sông suối rất thuận lợi khai thác thế mạnh thủy điện, thủy lợi…
Tuy nhiên, liên tục nhiều năm qua, do biến động của giá cả thị trường cùng nhiều nguyên nhân khác, làn sóng "an cư, khởi nghiệp" ở địa phương này cũng chững lại. Điều này thể hiện rõ nhất trong sản xuất, kinh doanh, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm cây công nghiệp cùng một số lĩnh vực khác.
Đồng thời, nó cũng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân, sức khỏe của doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Khắc phục những khó khăn trên, nhiều năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh Đắk Lắk vẫn luôn chủ động, tìm tòi, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch gắn với cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo hướng đổi mới, đa dạng… Đồng thời, các cấp, ngàng cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư để tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 8.975 doanh nghiệp và chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh. Cũng trong năm, tỉnh thu hút được 54 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 12.180 tỷ đồng. Một số dự án lớn được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động trong năm 2019 như nhà máy điện mặt trời Srêpốk 1, nhà máy điện mặt trời Quang Minh, nhà máy điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp Long Thành Đắk Lắk, trang trại điện mặt trời Buôn Ma Thuột,…
Dây chuyền sản xuất cà phê sạch tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Hiện, một số lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm là năng lượng tái tạo (phát triển điện gió, điện mặt trời), phát triển đô thị, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.
Tại buổi gặp mặt với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường thừa nhận: "Những kết quả trên mặc dù đã cố gắng, đạt thành tích cao trong thời gian qua nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương".
Theo ông Cường, "trong thời điểm hiện nay, để phát triển nhanh và bền vững, không có con đường nào ngắn hơn bằng việc nhà nước cùng đồng hành, các doanh nghiệp, doanh nhân cùng chia sẻ tương trợ lẫn nhau, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ cả trong và ngoài nước; chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn, cánh đồng lớn"
Thực tế cho thấy tại Đắk Lắk thời gian qua, điệp khúc "trồng, chặt, được mùa mất giá", đặc biệt là tình trạng người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khép kín, cục bộ vẫn còn rất phổ biến. Tình trạng dòng người trong độ tuổi lao động bỏ nhà cửa, nương rẫy đi làm ăn xa kiếm tiền để bảo tồn cuộc sống do hệ lụy của hồ tiêu, cà phê mất mùa, mất giá, dịch bệnh vẫn chưa có chiều hướng giảm.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Năm 2020, nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp ở Đắk Lắk đang rất đang kỳ vọng và đề xuất với lãnh đạo chính quyền địa phương cần thay đổi nếp nghĩ, cách làm để khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của mình, không nên ôm đồm mà nên chú trọng vào sản xuất theo hướng trọng tâm, trọng điểm.
Một số doanh nghiệp cũng bày tỏ sự quan tâm về đầu tư sản xuất sạch, chế biến sâu gắn với trải nghiệm nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm theo quy mô lớn và khép kín. Các hợp tác xã, doanh nghiệp cần được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay, những chính sách, lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp và hợp tác xã vay để phục vụ đầu tư, tái đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường |
Tỉnh cũng cần quan tâm đến phát triển hệ thống hợp tác xã và có tầm nhìn trong ngành nông nghiệp, dành quỹ đất tập trung để các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời làm tốt công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp đi đôi với phát triển du lịch cộng đồng rất đang được nhiều người quan tâm.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Đắk Lắk thể hiện rõ quyết tâm chính trị của địa phương. Theo đó, trong lĩnh vực phát triển kinh tế hiện nay, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khép kín, cục bộ, mạnh ai đấy làm, kém hiệu quả, nhiều vấn đề cần cho hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang được mổ xẻ, tính toán.
Giải pháp trước mắt là phải tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, so sánh những quy định của pháp luật hiện nay đã phù hợp hay chưa phù hợp, nhất là những rào cản, giấy phép con phải xem xét để cắt giảm. Kế đó là thủ tục hành chính phải làm nhanh hơn, quyết liệt hơn, nhất là những thủ tục liên quan đến đầu tư.
Vấn đề không kém phần quan trọng là phải đồng hành với doanh nghiệp trong tháo gỡ khó khăn, có nhiều hình thức để doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, đề xuất ý kiến để giải quyết kịp thời.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính; tập trung quyết liệt trong giải quyết tiếp cận đất đai; phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh gắn với kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ để hợp tác xã, doanh nghiệp, người lao động tiếp cận nguồn vốn vay. Đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.