Khó ló khôn
Eric Ries - tác giả của cuốn sách kinh doanh bán chạy nhất The Lean Startup chia sẻ rằng, bây giờ có thể là thời điểm tốt để tìm giải pháp cho những vấn đề thực sự mà mọi người đang gặp phải, bởi "hầu hết công ty vĩ đại nhất mà bạn biết đều sinh ra trong khủng hoảng".
Ries nói rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty mới khởi nghiệp nên xây dựng một tầm nhìn dài hạn thay vì chỉ trả lời các vấn đề cụ thể cho thời điểm này. "Chúng ta sẽ không ở trong tình trạng này mãi mãi và sẽ chứng kiến một sự gia tăng lớn về nhu cầu, sau đó khi bình thường lặp lại, sự sụt giảm sẽ đến và bạn có thể đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của công ty, ngay cả khi sự bình thường quay trở lại".
"No Isolation" giúp giải quyết nỗi cô đơn - Ảnh: BI |
Kể từ khi ra mắt vào năm 2018, nền tảng sức khỏe tâm lý do Calvin Benton - đồng sáng lập Spill (Anh) đã cung cấp nơi trị liệu trực tuyến thông qua công cụ nhắn tin Slack. Khi ngày càng có nhiều người phải làm việc tại nhà do dịch bệnh Covid-19, dịch vụ này đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhà sáng lập 27 tuổi chia sẻ.
"Khi các cá nhân phải đối mặt với những lo lắng mới xung quanh công việc và sức khỏe, các nhân viên đã sử dụng các dịch vụ của Spill nhiều hơn gấp 4 lần so với thông thường. Spill đã triển khai các dịch vụ công cộng, chẳng hạn như hỏi đáp các chuyên gia trị liệu trên các story của Instagram và các buổi trị liệu miễn phí cho những người đã nghỉ việc để giúp đỡ họ", Benton cho biết.
Trước nghiên cứu gần hai phần ba (61%) người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ cảm thấy cô đơn và khi đại dịch bùng phát, vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết, Karen Dolva 29 tuổi (Na Uy) đồng sáng lập ra "No Isolation" đã giải quyết nỗi cô đơn và các vấn đề sức khỏe liên quan đối với trẻ em và người già, thông qua một loạt sản phẩm công nghệ như robot cảm biến cho trẻ em và một máy tính bảng đơn giản cho người già. "Trong hai tuần cuối cùng của tháng 3, khi Covid-19 xuất hiện ở châu Âu và dẫn đến tình trạng phong tỏa trên diện rộng, nhu cầu về các sản phẩm "No Isolation" đã tăng vọt và công ty phải nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất để thực hiện các đơn đặt hàng mới. Và bây giờ chúng tôi phải tìm cách sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn nữa. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, trung bình mỗi người dùng máy tính bảng nhận được hơn tám cuộc gọi mỗi tuần, tăng từ con số hai cuộc gọi trong những tháng trước", Dolva cho biết.
Trong khi sự cô lập có thể gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho một số người, thì sự nhàm chán cũng đang gây ra ngột ngạt cho không ít người khác. Đó là điều mà Danielle Baskin - đồng sáng lập của "QuarantineChat", một ứng dụng kết nối người lạ thông qua các cuộc gọi điện thoại hằng ngày ngẫu nhiên. Cô cùng đồng sáng lập của mình - Max Hawkins đã xây dựng dịch vụ này trên ứng dụng trò chuyện Dialup vào tháng 3/2020. QuarantineChat đang chịu trách nhiệm cho 2.300 giờ hoặc hơn 95 ngày - số lượng các cuộc gọi mỗi tuần trên 183 quốc gia. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng một hệ thống trong ứng dụng có thể kết nối những người có nhu cầu nói chuyện với nhau", Baskin cho biết.
Startup Việt thích nghi
Không chỉ các startup thế giới, ngay tại Việt Nam trong bối cảnh Covid-19, một số startup cũng đón nhận nhiều cơ hội mới, đặc biệt là trong lĩnh vực EdTech (công nghệ giáo dục). "Đây không phải là sự may mắn mà chính là ý tưởng độc đáo của các startup khi họ dám nhắm đến lĩnh vực này vào thời điểm thị trường còn rất hoang sơ", một chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp nhận định.
Theo nhận định của các startup trong lĩnh vực Edtech: "Với hơn 40% dân số thế giới kết nối Internet cá nhân, người dùng chủ yếu là giới trẻ với nhu cầu học tập cao, thị trường giáo dục đào tạo trực tuyến đang rất tiềm năng với quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 40% mỗi năm. Ước tính của một công ty nghiên cứu thị trường cho biết, quy mô thị trường EdTech Việt Nam không dưới 2 tỷ USD và năm 2020, thị trường E-learning toàn cầu sẽ tăng lên mức 252 tỷ USD và khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể chiếm 54% thị trường đại học trực tuyến toàn cầu". Song, để theo đuổi các ý tưởng mới không bao giờ là dễ dàng.
"QuarantineChat" giúp đánh bại sự buồn chán - Ảnh: quarantinechat |
Ra đời vào tháng 3/2007, dù đã được Quỹ đầu tư IDG rót vốn để xây dựng kho học liệu, nhưng hocmai.vn đã có lúc phải nghĩ tới việc đóng cửa trước áp lực từ quỹ đầu tư muốn dự án phát triển nhanh, trong khi các dịch vụ Internet chưa phát triển, còn số vốn đầu tư ban đầu thì đã nhanh chóng bốc hơi trong vòng 2 năm. Để duy trì mô hình, những người đứng đầu phải tìm mọi cách, kể cả việc mở nhiều trung tâm dạy offline.
Chia sẻ trên một tờ báo, Tổng giám đốc Phạm Giang Linh nói: "Ở Trung Quốc có 10 mô hình đầu tư giáo dục trực tuyến. Trong khi đó ở Việt Nam, mô hình đầu tư truyền thống vẫn là kênh thu hút nhiều nhà đầu tư với công thức tính lợi nhuận thông thường khoảng 20-50%, còn đầu tư trực tuyến thì không hấp dẫn vì... không nhìn thấy lợi nhuận.
Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, học trực tuyến đã tìm thấy cơ hội khi chứng minh tính hiệu quả của mô hình. Với hơn 4 triệu học sinh tham gia, cung cấp hơn 1.000 khóa học, 30.000 bài giảng mỗi năm của hơn 200 giáo viên trên các thiết bị máy tính, laptop, điện thoại... nền tảng này đã được Galaxy Media and Entertainment rót vốn để không bỏ lỡ cơ hội "vàng" tăng tốc. Tổng giám đốc Galaxy Lương Công Hiếu cho biết: "Nhu cầu học trực tuyến trong tương lai không thể thiếu, cộng với sự tin cậy của nhiều phụ huynh, học sinh và các đơn vị giáo dục chuyên môn về hocmai.vn nên Galaxy quyết định đầu tư vốn để nền tảng có thêm nguồn lực để phát triển và đáp ứng nhu cầu giáo dục trực tuyến ngày càng tăng tại Việt Nam". Sau hocmai.vn, nhà đầu tư này cũng cho biết sẽ đầu tư vào các công ty giáo dục trực tuyến khác ở tất cả các khối như mầm non, phổ thông, đại học, dạy nghề... Và đây chính là cơ hội "vàng" để các startup trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến đưa ý tưởng đến tương lai gần.