Theo ông Hà Tôn Vinh - Tổng giám đốc Công ty Quản lý Stellar - một công ty tư vấn đầu tư vào đặc khu kinh tế, tâm lý các nhà đầu tư thường không thích những mô hình thử nghiệm. Họ cần chiến lược phát triển đặc khu kinh tế rõ ràng với lộ trình cụ thể để đưa ra kế hoạch đầu tư phù hợp.
Dự kiến tổng mức đầu tư đặc khu kinh tế Vân Đồn khoảng 270.000 tỷ đồng giai đoạn 2018 - 2030. Tổng mức đầu tư đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong giai đoạn 2019 - 2025 khoảng 400.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư vào đặc khu kinh tế Phú Quốc ước tính hơn 40 tỷ USD.
* Khung pháp lý về đặc khu kinh tế có thể được Quốc hội Khóa XIV xem xét tại Kỳ họp thứ 5 khai mạc ngày 21/5. Ông bình luận thế nào về sự kiện này?
- Theo tôi, nếu Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp này sẽ là nền tảng cho sự phát triển các đặc khu kinh tế, đồng thời tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư và xã hội.
Phát triển đặc khu kinh tế phải đi cùng thể chế và sự ổn định về mặt tổ chức. Chẳng hạn, việc quy định đặc khu kinh tế trực thuộc tỉnh, thay vì Chính phủ sẽ không tạo được sự lan tỏa cho vùng. Tôi nghĩ, vấn đề này cần được xem xét.
* Là nhà tư vấn, ông nói gì về xu hướng đầu tư vào đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc hiện nay?
- Đang có nhiều nhà đầu tư muốn đưa những dự án lớn vào các đặc khu kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam phải đảm bảo được ba yếu tố nhà đầu tư mới chịu bỏ vốn. Thứ nhất, khung pháp lý phù hợp, đảm bảo sự an toàn về nguồn vốn. Thứ hai, các chính sách phải rất rõ ràng và có lộ trình thực thi cụ thể. Thứ ba, cơ chế về người đứng đầu.
* Theo quan sát của ông, các nhà đầu tư sẽ đổ vốn vào những lĩnh vực nào?
- Bất động sản chủ yếu là các nhà đầu tư Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài không hẳn chỉ nghĩ đến bất động sản mà nghĩ nhiều tới đầu tư các khu phức hợp hay casino, bởi như vậy mới có lãi lâu dài. Nhưng hướng đầu tư này không mới. Một số nước đã thay đổi mô hình, khu phức hợp, giải trí đều ở các trung tâm thành phố.
Ông Hà Tôn Vinh - Tổng giám đốc Công ty Quản lý Stellar |
* Đầu tư vào các đặc khu kinh tế, nhà đầu tư phải đối diện những rủi ro nào?
- Rủi ro về uy tín là lớn nhất rồi mới đến chi phí cơ hội, rủi ro tài chính và các rủi ro khác. Một nhà đầu tư thường kinh doanh ở nhiều nơi. Nếu để mất uy tín trong quá trình đầu tư ở một địa phương thì sẽ rất khó duy trì kinh doanh ở nhiều nơi khác.
Vẫn không ít người làm chính sách cho rằng, nhiều ưu đãi sẽ thu hút được đầu tư. Tôi không nghĩ vậy. Nhà đầu tư sẽ không đổ tiền vào đặc khu nếu thiếu cơ chế, chính sách cụ thể. Tôi biết ở Macau có những nhà đầu tư chi tới 50 - 60 tỷ USD vào đặc khu kinh tế. Họ chịu bỏ tiền vì Macau có cơ chế phù hợp. Việt Nam đi sau, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cả kinh nghiệm thành công và thất bại, để cho ra những mô hình đặc khu kinh tế phù hợp.
* Theo ông, nếu xây dựng ba đặc khu kinh tế là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thì sẽ có nhiều hay ít nhà đầu tư tiềm năng?
- Tâm lý các nhà đầu tư là không thích mô hình thử nghiệm. Không nhà đầu tư nào chịu bỏ ra vài trăm triệu USD chỉ để thử nghiệm. Họ cần chiến lược phát triển rõ ràng với lộ trình cụ thể, để đưa ra kế hoạch đầu tư phù hợp.
Việt Nam có bốn lý do để thành lập đặc khu kinh tế, đó là tạo ra việc làm, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển các ngành đặc thù và nhận chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, rất khó để cùng lúc đạt được các mục tiêu này. Phải xác định được nhân tố quan trọng nhất khi thiết lập một đặc khu kinh tế.
Muốn vậy, chiến lược phát triển phải được xác định rõ ràng. Chẳng hạn, đặc khu A đặt mục tiêu vào các tập đoàn đa quốc gia hay doanh nghiệp trong nước, đặc khu B sẽ tập trung vào việc chế tạo hay dịch vụ... Kế đến, chính sách về thuế, hải quan và lao động phải thật rõ ràng, cụ thể.
* Cảm ơn ông!