Xu hướng tất yếu
Chuyến đổi số đang là xu hướng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Với sự phát triển chóng mặt của Internet và công nghệ thông tin, DN buộc phải thay đổi mới theo kịp sự dịch chuyển của thị trường.
Chuyển đổi số là khái niệm ra đời trong thời đại Internet bùng nổ, đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, mô tả việc ứng dụng công nghệ vào tất cả khía cạnh của DN. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức mà một DN hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.
Nếu không chuyển đổi số, DN sẽ bị thụt lùi so với các DN cùng ngành, giảm sức cạnh tranh và không thể đuổi kịp đối thủ. DN dù lớn, dù nhỏ đều không thể nói "không" với chuyển đổi số.
![]() |
Chuyển đổi số đang là vấn đề đòi hỏi nhiều doanh nghiệp phải nỗ lực và sử dụng đội ngũ ngày càng trẻ để theo kịp xu hướng |
Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.
Công ty nghiên cứu McKinsey cũng chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%. Theo Altimeter Group (Tập đoàn nghiên cứu thị trường và tư vấn chiến lược), có đến 88% công ty mà họ khảo sát cho biết đang trải qua chuyển đổi số.
Trên thế giới, nhiều DN đã thực hiện việc chuyển đổi số thành công trong đó điển hình nhất phải kể đến Amazon, công ty bán hàng trực tuyến lớn nhất thế giới. Cách đây 30 năm, chẳng ai có thể nghĩ rằng chúng ta có thể mua hàng hóa trực tiếp từ các quận huyện, thành phố, thậm chí quốc gia khác mà chẳng cần phải đến cửa hàng, nhưng giờ đây điều đó đã thành hiện thực chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra và ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch...
Trong tháng 4, Cisco công bố báo cáo "Chỉ số phát triển kỹ thuật số của DN vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương", thực hiện trên 1.340 DN tại khu vực nói chung và 50 DN Việt Nam nói riêng và báo cáo đã chỉ ra rằng các DN vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số (10,7%).
DN cần chuyển đổi cách tiếp thị
Tiếp thị khách hàng trên nền tảng số chính là một trong những xu hướng mà DN buộc phải làm trong quá trình chuyển đổi số vì cách người tiêu dùng tiếp cận thông tin của nhãn hàng cũng đã thay đổi, nhất là khi Internet và điện thoại thông minh phát triển tại Việt Nam. Theo thống kê năm 2019, dân số Việt Nam đạt mốc xấp xỉ 97 triệu dân, với tỷ lệ dân thành thị là 36%. Cùng trong năm nay, có 64 triệu người sử dụng Internet, tăng đến 28% so với năm 2017.Trong số 64 triệu người dùng Internet tại Việt Nam năm 2019, thì số lượng người dùng truy cập bằng thiết bị di động là 61,73 triệu người (chiếm 96% số người sử dụng Internet).
Từng nhiều năm làm việc trong lĩnh vực digital marketing (tiếp thị số) và từng hỗ trợ cho nhiều DN trong lĩnh vực này, anh Khiêm Hồ - Giám đốc điều hành của Chin Corp kinh doanh trong mảng digital performance marketing chia sẻ: "Mặc dù đã dần chuyển hướng sang digital marketing nhưng các DN Việt vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của nó. Theo một thống kê của E-Marketer, trung bình các DN châu Á đổ khoảng hơn 50% chi phí marketing cho digital marketing trong khi tại Việt Nam vẫn chỉ là hơn 20%. Sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ này sẽ tăng lên bởi các DN đang dần nhận ra được tầm quan trọng của các kênh tiếp thị số trong việc tiếp cận khách hàng .
Lý giải về việc này, CEO Chin cho biết: "Đại dịch đã khiến người tiêu dùng chuyển đổi hành vi mua sắm sang mua hàng trực tuyến, cách tiếp nhận các thông điệp truyền thông cũng thay đổi ít nhiều. Theo đó, các DN bắt buộc cũng phải thích nghi và điều chỉnh những chiến lược kinh doanh và hoạt động marketing trên các kênh truyền thông số cho phù hợp. Với những ưu điểm vượt trội như khả năng thích ứng nhanh, tương tác thật với khách hàng mục tiêu và theo dõi hiệu quả theo thời gian thực, tiếp thị trên nền tảng số đang là một hướng đi tối ưu, cho phép DN biết được ngân sách bỏ ra có tác động như thế nào đến hiệu quả chiến dịch marketing cho DN mà các kênh tiếp thị truyền thống không thể mang lại được.
Có thể thấy, trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang căng thẳng, nhiều DN của tất cả các ngành đã áp dụng công nghệ trong sản xuất, nhất là bán hàng theo hướng số hóa mạnh mẽ hơn như đưa sản phẩm lên mạng một cách triệt để, các siêu thị đồng loạt cung cấp dịch vụ giao hàng online, một số DN trong ngành bất động sản cho các dự án lên mạng, bán qua các phần mềm, thực hiện quay video giới thiệu dự án cho khách hàng thay vì xem trực tiếp như trước.
Trong giai đoạn cách ly mùa Covid-19 và thậm chí là khi thời gian giãn cách xã hội đã kết thúc, hầu hết DN đều phải chạy đua trên hành trình tận dụng công nghệ để tiếp cận với khách hàng theo hướng nhanh chóng và thuận tiện hơn qua các kênh bán hàng cũng như truyền thông mới. Và mặc dù nhiều DN chuyển đối trong thế bắt buộc phải làm nhưng đây lại là cơ hội hay nói cách khác là phép thử để DN đo lường hiệu quả của việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số làm cơ sở để chuyển hướng trong tương lai. Giai đoạn cam go nhất của cơn đại dịch đã tạm lắng, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn "bình thường mới" với những thói quen và xu hướng mới đang cần được thích ứng nhanh chóng và kịp thời. Theo anh Khiêm Hồ, đây chính là "giai đoạn vàng" để các DN chuyển đổi số mạnh mẽ nhất để trở thành người đi đầu trước cơn sóng phục hồi mạnh mẽ sau suy thoái.