Công nghệ

Cuộc đua sản xuất smartphone màn hình gập

Bảo Quân 27/09/2023 17:00

Cuộc đua sản xuất smartphone màn hình gập trên thế giới đang hối hả hơn bao giờ hết, với sự tham gia của một loạt thương hiệu lớn.

cuoc-dua-san-xuat-smartphone-man-hinh-gap(1).jpg
Smartphone màn hình gập được kỳ vọng sẽ là mảng kinh doanh smartphone tăng trưởng nhanh nhất năm nay

Đến thời điểm hiện tại của bài viết này, tổng cộng 6 mẫu smartphone màn hình gập mới đã ra mắt trong năm 2023, gồm Samsung Galaxy Z Fold 5, Samsung Galaxy Z Flip 5, Xiaomi Mix Fold 3, Moto Razr 40 Ultra, Google Pixel Fold và Honor Magic V2 (hiện chỉ bán ở Trung Quốc).

Dù hiện nay Samsung vẫn thống trị thị trường smartphone màn hình gập, song nhiều nhà sản xuất lớn khác trên thế giới đang cho thấy những bước đi đầy tham vọng nhắm tới miếng bánh này.

Cuộc đua ngày càng hối hả

Xuất hiện vào mùa Thu năm 2018, FlexPai - chiếc smartphone màn hình gập đầu tiên trên thế giới của startup Royole (Trung Quốc) đã thổi luồng gió mới vào trải nghiệm sử dụng smartphone của người dùng. Sau đó, lần lượt Samsung, Motorola rồi Huawei cũng nhảy vào cuộc chơi; trong đó “ông lớn” công nghệ Hàn Quốc cho thấy sự vượt trội hơn cả.

Khi mẫu Samsung Galaxy Fold đầu tiên ra mắt, đa số người dùng thời điểm đó chỉ trầm trồ về công nghệ cũng như tò mò về lợi ích hơn là muốn mua sử dụng, do nhiều trở ngại từ khâu sản xuất, triển khai, phân phối cho đến giá thành. Tuy nhiên, đều đặn mỗi năm sau đó, Samsung liên tục tung ra một phiên bản nâng cấp cho dòng smartphone màn hình gập của mình.

Từ sau màn chào sân của Samsung, doanh thu và thị phần mảng smartphone màn hình gập liên tục tăng trưởng ở mức 2-3 con số mỗi năm. Đến nay, sau 5 năm, cuộc đua smartphone màn hình gập đang ngày càng trở nên quyết liệt. Theo công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Counterpoint Research, sẽ có 18 mẫu smartphone màn hình gập mới được ra mắt trên toàn cầu vào năm 2023.

Hiện Apple vẫn lựa chọn đứng ngoài quan sát, song cuộc đua smartphone màn hình gập không vì thế mà thiếu đi sự cạnh tranh. Dù Samsung đang thống trị thị trường này, đa số nhà sản xuất thiết bị Android cùng các thương hiệu lớn từ Trung Quốc như Xiaomi, Huawei, Oppo hay Vivo đều đã nhập cuộc và ra mắt phiên bản của riêng mình, như Oppo Find N2 Flip, Vivo X Fold, Xiaomi Mix Fold 2, Huawei Mate X2... Đây là tín hiệu cho thấy smartphone màn hình gập có thể sẽ là tiêu chuẩn mới trong tương lai.

cuoc-dua-san-xuat-smartphone-man-hinh-gap.jpg
Tại Hàn Quốc, các dòng smartphone gập vào của Samsung rất được ưa chuộng

Trên thực tế, theo Counterpoint Research, tổng số smartphone màn hình gập bán ra năm 2022 trên toàn thế giới đạt khoảng 13 triệu chiếc, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm trước. Công ty nghiên cứu thị trường công nghệ này cũng dự báo, tổng số lô hàng smartphone màn hình gập sẽ tăng lên hơn 16 triệu chiếc trong năm nay.

Báo cáo từ một hãng nghiên cứu thị trường khác là International Data Corporation cũng cho biết, doanh số smartphone màn hình màn hình gập trên toàn cầu ước tăng hơn 50% so với năm ngoái. Trong khi đó, báo cáo từ Canalys cho rằng, lượng smartphone gập bán ra dự kiến tăng trưởng với tốc độ kép hằng năm (CAGR) 53% từ năm 2021-2024. Trong thời gian đó, tổng lô hàng xuất xưởng smartphone gập sẽ đạt 30 triệu chiếc.

Xét về tổng thể, số lượng smartphone màn hình gập được bán trong năm ngoái mới chiếm khoảng 1% tổng lượng smartphone được bán ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là mức tăng trưởng cao của smartphone màn hình gập diễn ra trong giai đoạn đi xuống của thị trường smartphone nói chung. Trong giai đoạn này, toàn ngành được cho là đang rơi vào xu hướng giảm, do đạt gần ngưỡng bão hòa.

Động lực thúc đẩy cuộc đua

Theo chuyên gia phân tích Runar Bjørhovde tại Canalys, “chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển của smartphone gập là nhu cầu sử dụng thiết bị màn hình lớn tăng vọt trong thời đại dịch”.

Hơn nữa, khi thế giới dần mở cửa lại sau đại dịch Covid-19, các nhà sản xuất smartphone cũng có nhiều cơ hội hơn để mang đến cho người dùng các thiết bị có thể đáp ứng nhu cầu và mong muốn của họ. Điều này đặc biệt đúng với thị trường Trung Quốc - nơi đóng góp đáng kể vào nhu cầu ngày một tăng của smartphone màn hình gập, theo Counterpoint Research. Dù thị trường smartphone nước này giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I/2023, thị trường smartphone màn hình gập nội địa tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt 117% so với cùng kỳ, lên 1,08 triệu chiếc.

Mặt khác, kiểu dáng và công nghệ mới lạ của smartphone màn hình gập cũng là yếu tố thu hút nhóm khách hàng ở phân khúc cao cấp và tín đồ công nghệ thích trải nghiệm sớm. Sau khi bức tranh toàn cảnh của ngành cho thấy nhiều dấu hiệu lạc quan, nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu lao vào cuộc đua ra mắt smartphone màn hình gập để đấu với Samsung, cũng như xem chúng là sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong chiến lược cạnh tranh trên thị trường cao cấp.

Đây là lúc người tiêu dùng muốn trải nghiệm khả năng giải trí và làm việc hiệu suất cao trên những sản phẩm di động cỡ lớn, nhưng vẫn tiện dụng.

Runar Bjørhovde - Chuyên gia phân tích tại Canalys

Một lý do nữa khiến smartphone màn hình gập trở nên quan trọng, theo ông Roh Tae-moon - Giám đốc bộ phận kinh doanh di động của Samsung, là sự thay đổi thương hiệu của người dùng.

Cụ thể, khi trả lời The Wall Street Journal vào tháng 8 năm ngoái, ông Roh cho biết smartphone màn hình gập của Samsung đang thu hút người dùng chuyển đổi thương hiệu nhiều gấp 3 lần so với mẫu Galaxy S thông thường. Đồng nghĩa, mọi người đang rời xa các nhà sản xuất smartphone khác, dù đó là Apple, Xiaomi hay Oppo và thay vào đó mua smartphone Samsung.

“Chúng tôi xem đây là một tỷ lệ khá ý nghĩa và là dấu hiệu tích cực. Điểm quan trọng là khách hàng chuyển từ các thương hiệu khác sang Samsung, chứ không phải từ thiết bị Galaxy này sang thiết bị Galaxy khác của Samsung”, ông Roh nói tiếp.

cuoc-dua-san-xuat-smartphone-man-hinh-gap-1.jpg
Hiện Apple vẫn đang đứng ngoài cuộc đua smartphone màn hình gập

Dù vị giám đốc không đề cập đến iPhone hay Apple khi nói về sự trỗi dậy của smartphone màn hình gập, hiện chỉ có Samsung và Apple là hai công ty duy nhất đang giành giật các khách hàng giàu có, những người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn cho những mẫu smartphone cao cấp nhất.

Được biết, cuộc cạnh tranh giữa hai ông lớn này diễn ra ngay từ thời gian đầu của ngành công nghiệp smartphone, với nhiều vụ kiện tranh chấp bản quyền sáng chế, lẫn những màn công kích nhau trên quảng cáo truyền hình.

Khi ấy, người dùng thường thay đổi thương hiệu smartphone mà họ sử dụng. Nhưng hiện khoảng 93% người dùng iPhone gắn bó với Apple, trong khi Samsung giữ lại gần 90% người dùng và các tỷ lệ này không thay đổi mấy trong nhiều năm qua, theo Michael R. Levin - đồng sáng lập hãng nghiên cứu thị trường Consumer Intelligence Research Partners.

Các thiết bị di động có thể gập lại vẫn còn là thị trường ngách, song đó là phân khúc quan trọng dành cho những thương hiệu muốn duy trì vị trí dẫn đầu về sự khác lạ, đổi mới, Tom Kang - Giám đốc nghiên cứu thị trường của Counterpoint Research cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc đua sản xuất smartphone màn hình gập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO