Tăng tốc cuộc đua “hàng độc”
Theo thống kê của Digital Marketing 2019, Việt Nam hiện có 64 triệu người dùng Internet trên tổng số 97 triệu dân. Trong đó, mỗi ngày người Việt dành 2 giờ 32 phút cho mạng xã hội, 2 giờ 31 phút để xem video trực tuyến và 1 giờ 11 phút để nghe nhạc.
Những con số “vàng” ấy không chỉ thu hút các nền tảng trực tuyến nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam như Netflix, HBO Go (trên nền tảng của FPT Play) mà còn thúc đẩy các đơn kinh doanh nội dung giải trí trong nước mạnh tay đầu tư. Nếu thế mạnh của Netflix, HBO Go nằm ở những nội dung độc quyền được sản xuất tại Mỹ và châu Á, thì thế mạnh của các nền tảng giải trí trực tuyến Việt Nam chính là nội dung thuần Việt, gần gũi, hướng đến số đông người xem ở mọi lứa tuổi, mọi sở thích.
Dịch bệnh Covid-19 khiến người dân ít ra ngoài thì giải trí trực tuyến càng chứng tỏ vị thế đáng gờm của nó. Thực tế cho thấy, lượt xem YouTube của POPS tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2019. Các kênh thiếu nhi và giải trí dành cho học sinh trên POPS Anime tăng gần 200%. Hình thức livestream có thời lượng xem tăng trưởng vượt trội, lên đến 300%. Nền tảng FPT Play tăng trưởng tương tự, dao động quanh mức 40-50%. VieON cũng có mức tăng trưởng trên 300%.
Việc đầu tư vào giải trí số đã xuất hiện cách đây 5-6 năm với hàng loạt nền tảng như Clip TV, Zing TV, hay gần đây là Danet (thuộc Công ty BHD), Galaxy Play... Sau khi không thành công với nhiều phim (remake), tháng 8/2020, Danet mới trở lại với kênh Film Box, kết hợp cùng TPD (Trung tâm Phát triển Tài năng Điện ảnh trẻ) giới thiệu chùm phim ngắn của các đạo diễn trẻ Việt Nam và ra mắt kênh ẩm thực trực tuyến có tên Mâm nhà Food Club.
Ra đời chưa đầy một năm nhưng thu hút được nhiều sự quan tâm từ phía khán giả và người làm nội dung là ứng dụng giải trí POPS, từ nền tảng POPS World Wide - đối tác 11 năm của YouTube tại Việt Nam. Kho nội dung của POPS đa dạng, có thể đáp ứng nhu cầu giải trí mọi lứa tuổi. Một số nội dung thành công đáng chú ý là series Phượng Khấu, Bánh bèo Hữu Dụng, Amazing Việt Nam, Dọc đường ẩm thực, Hỏi xiên đáp xẹo... Ông Lâm Trung Quân - Giám đốc phụ trách ứng dụng POPS cho biết: “Nội dung trên ứng dụng POPS được xây dựng dựa trên bốn nhóm giá trị cốt lõi: giải trí, sáng tạo, phát triển cộng đồng, thuần Việt”.
Tháng 6/2020, Đất Việt VAC tung phiên bản mới của ứng dụng giải trí VieON. Thế mạnh của VieON là kho nội dung thừa hưởng từ tập đoàn mẹ Đất Việt VAC với các công ty con chuyên sản xuất chương trình truyền hình thực tế, chương trình thời trang, phim truyền hình, như Đông Tây Promotion, M&T Picture, Vie Channel, Vie Channel - HTV2, Vie Giải trí... Bên cạnh các chương trình riêng ăn khách như Sóng VieON, series Hải Đường trong gió, Rap Việt... tới đây, VieON sẽ đầu tư khai thác thêm tin tức, thể thao cũng như tăng số lượng các kênh truyền hình nội địa và quốc tế, với hai gói cước: VIP giá 66.000 đồng và combo “VieON VIP và K+” với giá 180.000 đồng/tháng. VieON cho biết, với nội dung thuần Việt, đa dạng, đang có kế hoạch chinh phục thị trường Đông Nam Á, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan vào năm 2021.
Đáng chú ý nhất là vào tháng 8 vừa qua, Galaxy Play (tiền thân của Film+) đưa cuộc đua nền tảng trực tuyến lên một cấp độ mới, sau khoảng 5 năm cung cấp dịch vụ xem phim có bản quyền theo nhu cầu người xem (VOD). Bên cạnh các phim điện ảnh độc quyền do Galaxy E&M sản xuất, Galaxy Play đang ấp ủ ý định sản xuất các series phim phát sóng độc quyền trên nền tảng này. Không nuôi tham vọng toàn cầu, Galaxy Play chú trọng phát triển thị trường trong nước bằng cách đa dạng hóa hình thức thanh toán các gói cước, từ ví điện tử MoMo, thẻ tín dụng quốc tế, thẻ ngân hàng nội địa cho đến Apple Store - Google Play, thẻ cào dịch vụ xem phim online trên ứng dụng Galaxy Play được phát hành tại các hệ thống rạp Galaxy Cinema. Bên cạnh đó, Galaxy Play còn cung cấp dịch vụ cho thuê phim điện ảnh chiếu rạp (trong 48 giờ) với giá từ 29.000-70.000 đồng, tùy định dạng HD/Full HD/4K.
Cạnh tranh bất đối xứng
Trong môi trường cạnh tranh, phải liên tục thích ứng với nhu cầu người xem, bài toán đặt ra cho các nền tảng giải trí trực tuyến là nhanh nhất, thuận tiện nhất, nội dung càng độc đáo càng tốt, bởi như thế mới thu hút được người xem. Đó chính là lý do các nền tảng giải trí trực tuyến Việt Nam không ngừng đa dạng hóa nội dung bằng việc đầu tư sản xuất thay vì mua lại bản quyền sẵn có. Ba nền tảng mạnh nhất của Việt Nam hiện nay gồm POPS, VieON, Galaxy Play đang ở thế cân sức cân tài, đều có kinh nghiệm sản xuất trước đó hoặc có tập đoàn mẹ hỗ trợ. Cả ba đều có hướng khai thác nội dung riêng biệt, hứa hẹn mang đến nhiều chương trình thú vị cho người xem. Về mặt lợi nhuận, theo nhận định của nhiều chuyên gia, cần ít nhất vài ba năm nữa, các nền tảng giải trí trực tuyến Việt Nam mới có thể “hái được trái ngọt”.
“Tương tự như Netflix, Amazon Prize, Apple+, Disney+ tại thị trường Bắc Mỹ, sự cạnh tranh của ba nền tảng trên sẽ giúp đa dạng hóa nội dung cho người xem Việt Nam với nội dung hoàn toàn thuần Việt. Mặc dù vậy, mỗi nền tảng đều có hướng khai thác riêng nên tôi cho rằng, sự cạnh tranh về mặt nội dung ở đây không gay gắt như các nền tảng tại Bắc Mỹ. Nghe có vẻ hơi mâu thuẫn nhưng thực tế cả ba đều hướng đến thúc đẩy trải nghiệm của người dùng và góp phần thay đổi thói quen xem miễn phí của người Việt lâu nay. Nội dung trên các nền tảng này đều mới, và còn rất rộng, cuộc đua giữa các nền tảng trực tuyến chỉ mới bắt đầu”, anh Tuấn Nguyễn - chuyên viên truyền thông chia sẻ.
Mặc dù vậy, mối bận tâm nhất của các nền tảng trực tuyến Việt Nam hiện nay là sự cạnh tranh không lành mạnh từ một số nền tảng giải trí nước ngoài. Theo ông Lê Đình Cường - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (PayTV), nếu như năm 2016, các đơn vị OTT, truyền hình nước ngoài mới chỉ chiếm 10% thị phần, thì đến nay họ đã giành tới hơn 50%, thậm chí tại một số địa bàn đô thị còn vượt xa 50%. Điều này tác động rất lớn tới các doanh nghiệp nội, khiến doanh thu truyền hình trả tiền ngày càng sụt giảm. Ngày càng nhiều kênh giải trí, app truyền hình, VOD xuyên biên giới như Netflix, iFlix... xuất hiện. Đặc biệt, từ cuối năm 2019 đến nay là sự gia nhập thị trường của iQIYI, WeTV, Disney+, Amazon. Ước tính những nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Netflix, iFlix, iQIYI, WeTV, Disney đang lấy đi phần lớn khách hàng và doanh thu của ngành truyền hình tại Việt Nam. Liên tiếp trong vòng 4 năm trở lại đây, các đài truyền hình tại Việt Nam mất đi trung bình từ 15-25% doanh thu quảng cáo mỗi năm.
“Các OTT nước ngoài chiếm thị phần không nhỏ tại Việt Nam nhưng lại hoạt động trái phép: không giấy phép, không mở văn phòng, không đóng thuế. Việc này tạo nên tình trạng bảo hộ ngược, khi các đơn vị nước ngoài không những không tuân thủ mà còn không e dè vi phạm các quy định pháp luật về kiểm duyệt nội dung mà các dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước đang phải tuân thủ”, bà Đinh Thị Nam Phương - Cố vấn nội dung nền tảng VieON bày tỏ nỗi băn khoăn chung của rất nhiều đơn vị OTT Việt Nam. Với lỗ hổng lớn về mặt pháp lý này, các kênh truyền hình, giải trí trong nước bị “bóp nghẹt” là điều dễ hiểu.