![]() |
“Giống như một người khi còn trẻ thường không biết quý trọng và chăm sóc bản thân mình, chỉ phung phí sức lực. Sẽ đến một lúc, năng lượng sống cạn kiệt và có nhiều thứ không thể tái tạo hay phục hồi. Đó là lúc chúng ta phải đối diện với sự suy sụp, già cỗi và chết đi.
Chúng ta đang “xài” thế giới của mình theo cách ấy. Nhưng nếu như phung phí sức lực cá nhân, chúng ta chỉ phải trả giá cho một đời người, thì làm cạn kiệt nguồn sống của thế giới tự nhiên, có thể chúng ta làm tổn thương vĩnh viễn tương lai của nhiều thế hệ. Cho nên, đừng cho rằng còn xa hay còn sớm khi nghĩ về nguy cơ già cỗi và chết đi của sự sống trên Trái đất!
Đó cũng chẳng còn là chuyện riêng của người giàu hay người nghèo, nước mạnh hay nước yếu. Hãy đánh thức ý thức và hành động của chúng ta!” - Vừa “đụng” đến vấn đề ý thức của doanh nghiệp về phát triển kinh doanh song hành với bổn phận bảo vệ môi trường, ông giám đốc phụ trách kỹ thuật dòng sản phẩm điện gia dụng của Tập đoàn Philips đã nói say sưa không dứt như thế.
Trước đó mấy phút, ông vừa có bài trình bày rất thu hút về những sản phẩm sử dụng “công nghệ xanh”, thân thiện với môi trường và hữu ích cho người nghèo từ tập đoàn này.
![]() |
Lò nấu bằng năng lượng Mặt trời được doanh nghiệp trưng bày tại WWC. |
Ngoài Philips, những nhãn hiệu lớn như Nokia, Toyota... cũng mang đến Hội nghị thế giới về bảo tồn thiên nhiên và môi trường sống (World Conservation Congress - WCC(*), vừa diễn ra tại Barcelona, Tây Ban Nha mới đây) nhiều ý tưởng và dự án liên quan đến “sản phẩm xanh”, “công nghệ xanh” và tích cực cổ vũ giới kinh doanh cũng như toàn cộng đồng quan tâm đến vấn đề này.
Chiếc xe sinh thái của Toyota được đặt ngay cổng vào của khu vực có tên gọi là Future Pavilion hiếm lúc nào vắng người xếp hàng chờ được lái thử. Còn Nokia giới thiệu rộng rãi dự án “Connect2earth” (kết nối với Trái đất). Đây là một dự án nhằm cổ vũ, giáo dục giới trẻ về lối sống lành mạnh, yêu mến và nhận thức về bổn phận bảo vệ môi trường.
Lời kêu gọi “Sign up now and start changing the world!” (hãy tham gia và bắt đầu thay đổi thế giới) rất cuốn hút nên có rất nhiều người đã lập tức mở máy tính cá nhân đăng nhập vào website www.connect2earth.org.
Không chỉ có các doanh nghiệp lớn, vấn đề phát triển kinh doanh song hành với ý thức bảo tồn thiên nhiên và môi trường sống cũng đã thật sự “thấm” đến nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ.
Hội chợ các sản phẩm vì môi trường của hiệp hội doanh nghiệp nữ toàn thế giới cũng là một hoạt động đặc biệt của WCC lần này. Những túi xách, búp bê, hàng lưu niệm... của những hộ gia đình từ Nigeria đến Costa Rica đều thu hút sự quan tâm của đông đảo quan khách.
Có thể nói, định hướng thu hút giới doanh nghiệp vào hoạt động bảo tồn thế giới tự nhiên và môi trường sống tại WCC Barcelona lần này đã rất ấn tượng, để lĩnh vực này không còn là chuyện riêng của các nhà môi trường, nhà bảo tồn hay giới truyền thông.
Doanh nghiệp, một trong những tác nhân chính yếu tác động trực tiếp đến môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội xung quanh mình, đã đến lúc không thể đứng ngoài rìa hay chỉ tham gia cho vui được nữa.
![]() |
Thay vì vứt đi, thùng giấy có thể biến thành những bộ bàn ghế rất đẹp như thế này. Đây cũng là một sản phẩm thú vị của doanh nghiệp tại WCC. |
Ngay tại WCC lần này, The World Business Council for Sustainable Development (WBCSD - Hội đồng doanh nghiệp thế giới về phát triển bền vững) cũng đã chính thức đẩy mạnh các hoạt động hợp tác. Tổ chức này hiện đã tập hợp được trên 200 doanh nghiệp lớn để xây dựng thành một cộng đồng kinh doanh hướng tới những giá trị lâu dài cho chính mình và cho cộng đồng.
Trong buổi gặp gỡ giới báo chí tại Barcelona, những người điều hành tổ chức này cho biết: “Chúng tôi đang nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động của mình đến nhiều khu vực và quốc gia khác.
Chúng tôi biết sẽ rất khó khăn nhưng tin rằng, giới kinh doanh sẽ tham gia bởi rằng ngay thời điểm này, giới kinh doanh cũng đã bắt đầu đối diện với quá nhiều khó khăn do chính hậu quả của nguồn tài nguyên thế giới bị cạn kiệt. Chúng ta không còn nhiều lựa chọn nữa”...
Quan điểm thường có ở các nước đang phát triển và các doanh nghiệp nhỏ là: Tranh thủ phát triển trước và rất ít quan tâm đến các hệ quả gây ra cho môi trường tự nhiên cũng như môi trường xã hội xung quanh mình.
Nhiều người cho rằng chỉ khi “phú quý mới sinh lễ nghĩa”, doanh nghiệp đã giàu có, hiện đại rồi mới nghĩ đến chuyện đầu tư nghiên cứu bảo vệ thiên nhiên như một chiêu thức PR. Song các doanh nghiệp lớn đã chứng minh ngược lại: Những “giải pháp xanh” chính là cách tiết kiệm chi phí, tạo sự đột phá và giá trị nhân văn cho sản phẩm và doanh nghiệp.
Xu hướng của người tiêu dùng thế giới tại các nước phát triển đã thể hiện rất rõ điều này. Họ đánh giá cao và yêu mến thương hiệu, doanh nghiệp khi thương hiệu, doanh nghiệp ấy xây dựng sản phẩm, dịch vụ trên những nhận thức và triết lý nhân văn.
Một quan điểm nữa ở nhiều nước đang phát triển và các doanh nghiệp nhỏ là: Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế giống như hai phía của một “zero-sum game” (nôm na là “cuộc chơi huề vốn”), tức cuộc chơi mà được cái này thì phải mất cái kia, người này thắng thì người nọ phải bại.
Muốn bảo vệ môi trường thì không thể phát triển kinh tế và ngược lại. Song nhu cầu phát triển khi không thể dừng, nên vấn đề là phải làm sao để biến “cuộc chơi” này thành “non zero-sum game”, tức tất cả các bên đều có lợi. Các diễn đàn tại WWC Barcelona vừa qua đã chứng minh rằng hoàn toàn có thể làm được điều này.
Vấn đề là thái độ, ý thức và kiến thức của con người đối với việc bảo tồn môi trường sống trong quá trình phát triển kinh tế, chứ không phải thiên nhiên không “cho” con người phát triển kinh tế.
Quả vậy, ý thức, thái độ của con người mới là chuyện đáng nói. Những gì đã và đang diễn ra với môi trường sống ở VN có phải là biểu hiện của một “zero-sum game”, khi kinh tế phát triển nhưng đã và đang phải trả giá rất nhiều cho môi trường, cộng trừ lại cũng chỉ là con số không?
---
(*) WCC là hội nghị lớn nhất về Bảo tồn thế giới tự nhiên và môi trường sống, diễn ra 4 năm một lần do IUCN - Hiệp hội lâu đời và lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này - tổ chức. Kênh truyền thông chính thức của IUCN tại www.iucn.org.