Nạn tham nhũng còn đáng sợ hơn nạn ngoại xâm, nếu không giải quyết sẽ mất nước" - cử tri Trần Minh Quang, quận I, TP.HCM trình bày quan ngại với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội .
>>Thông báo của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XI
Ngày 17/10, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội sắp tới, nhiều cử tri TP.HCM đã bày tỏ sự quan tâm về kết quả của Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, đồng thời thẳng thắn đề nghị với Chủ tịch nước cần phải làm quyết liệt hơn nữa để tạo thêm niềm tin của người dân vào Đảng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp nhận kiến nghị của cử tri quận 1, TP.HCM. |
Cử tri Trần Minh Quang, phường Bến Thành cho biết, búc xúc lớn nhất của người dân bây giờ là tham nhũng. Ngày xưa tệ nạn này chỉ là vài "con sâu" đến một bộ phận, song sau đó là một bộ phận không nhỏ. Nếu không xử lý được sẽ hình thành cả "tập đoàn" tham nhũng rất nguy hiểm cho đất nước.
"Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam chưa từng sợ bất cứ giặc ngoại xâm nào và chúng ta đã đánh thắng tất cả giặc ngoại xâm. Nhưng giờ sợ nhất giặc tham nhũng, là giặc từ bên trong. Nếu không giải quyết được nạn tham nhũng thì coi như mất nước", ông Quang quan ngại.
Cũng theo cử tri này, người dân hoan nghênh cách bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo, tuy nhiên, việc này cần ghi rõ trong luật. Nếu trên 50% phiếu ủng hộ thì giữ lại, dưới 50% thì phải cách chức, còn nếu dưới cả 30% thì phải bị khai trừ khỏi Đảng.
"Bước đầu của đợt phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4 đã tạo được niềm tin của người dân vào Đảng. Nhưng chúng ta cần phải làm tiếp và quyết liệt hơn nữa vì còn dân thì mới còn Đảng", cử tri Lê Văn Minh thẳng thắn.
Vị cử tri này cũng kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM trong kỳ họp sắp tới phải ra được nghị quyết để đẩy lùi, chặn đứng tham nhũng, ban hành các văn bản pháp luật để hạn chế cơ hội có thể sinh ra tham nhũng. Đồng thời cần giám sát nguồn tiền bơm ra, không thể quản lý lỏng lẻo như thời gian vừa qua.
Còn bà Nguyễn Thị Nguyệt, cử tri phường Đa Kao băn khoăn: "Quốc hội có chính sách giám sát như thế nào về kinh tế vĩ mô? Vinashin, Vinalines chỉ mới là 2 vụ được báo chí phanh phui, thế còn những vụ khác nữa thì sao? Ai là người tham mưu, đưa ra dự án mà khi thực hiện không có kết quả thì phải chịu trách nhiệm".
Cũng đánh giá cao kết quả của Hội nghị trung ương 6 vừa qua, song cử tri Lương Minh Nguyệt lo lắng: "Sau Hội nghị Trung ương, Tổng bí thư đã thay mặt Bộ Chính trị nhận khuyết điểm trước toàn dân. Nhưng bước tiếp theo sẽ là gì, bằng biện pháp nào để xử lý những lỗi đó để người dân tin tưởng vào Đảng?".
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh những góp ý rất thẳng thắn của cử tri về Hội nghị trung ương 6 vừa qua. Chủ tịch nước khẳng định:
"Báo cáo của Bộ Chính trị chỉ là bước đầu, còn nhiều việc phải làm. Chúng tôi còn nhiều lỗi lớn, chúng tôi hiểu người dân hy vọng vào Đảng rất lớn. Những gì Đảng làm được vẫn chưa tương xứng vào sự mong đợi của bà con".
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ thông qua quy chế Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Những người giữ chức vụ quan trọng thì Ban chấp hành Trung ương cũng sẽ làm tương tự.
"Công tác phòng chống tham nhũng kỳ này cũng sẽ chuyển sang để Đảng tập trung lãnh đạo. Từ giờ đến cuối năm Ban Phòng chống tham nhũng sẽ được tổ chức và đi vào hoạt động, đồng thời cũng sẽ công bố nhân sự Ban Nội chính Trung ương. Trong đó có Ban phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư làm trưởng ban", Chủ tịch nước thông tin với cử tri.
Cử tri Đặng Quốc Hùng, đại diện doanh nghiệp quận 1 đề nghị Quốc hội kỳ này phải có biện pháp cụ thể hơn để giải cứu các doanh nghiệp đang "hấp hối".
Theo ông Hùng trong 9 tháng đầu năm chỉ doanh nghiệp có vốn nước ngoài là tăng trưởng, còn doanh nghiệp Việt Nam đang thua trên sân nhà. "Nếu tình hình này kéo dài, doanh nghiệp Việt Nam sẽ biến mất và trở thành kẻ làm mướn cho doanh nghiệp nước ngoài", vị này lo lắng.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, sắp tới phải có giải pháp cứu hàng loạt doanh nghiệp đang kêu cứu, đồng thời phải có giải pháp trả nợ xấu. "Trong vòng 10 năm qua, giá bất động sản tăng từ 50 đến 100 lần, trong khi mức tăng trưởng cả nước chỉ khoảng 7%/năm. Cái bong bóng sẽ vỡ và hậu quả là vô cùng nghiêm trọng", Chủ tịch nước nhấn mạnh.