Covid-19 là cơ hội thay đổi toàn diện quản trị doanh nghiệp

Dương Nguyễn| 12/10/2020 06:00

Không những tận dụng thời gian dịch bệnh để tái cấu trúc doanh nghiệp (DN), nhiều doanh nhân còn tạo ra nền tảng chuẩn bị cho đà phát triển nhanh hơn sau dịch bệnh. Đó là chia sẻ của nhiều doanh nhân trong dịp kỷ niệm 4 năm chương trình "Café Doanh nhân HUBA" vừa diễn ra.

DN lớn tái cấu trúc ra sao?

Bà Trần Thị Lệ - Tổng giám đốc NutiFood cho biết, song song với việc đảm bảo sức khỏe cho 6.300 nhân viên từ 15 công ty thành viên, công ty vẫn triển khai tất cả dự án đã được chuẩn bị 1-2 năm trước. Đáng chú là dự án Café Ông Bầu mà Nutifood góp 51% vốn. Chỉ trong 6 tháng, thương hiệu mới này đã mở được 170 cửa hàng trong mục tiêu 1.000 cửa hàng vào cuối năm 2020. 

Bà Lệ cho rằng, những lúc khó khăn thử thách sẽ cho mình rất nhiều thời gian xem lại và hoàn thiện tất cả quy trình vận hành tạo đà phát triển nhanh hơn sau này. Ngoài ra, tất cả dự án phải sẵn sàng, để sau khi hết dịch thì được chạy cùng lúc.

Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ, khi dịch Covid-19 bùng phát, ông cảm thấy thiếu tự tin và căng thẳng rất nhiều. Tuy nhiên, càng trải qua khó khăn càng giúp ông cứng rắn hơn. "Trong dịch, Hưng Thịnh làm được nhiều việc mà bình thường chưa làm được. Chẳng hạn số hóa quy trình làm việc, đào tạo lại nhân sự... Tôi nhận ra có khi làm việc online còn hiệu quả hơn cách làm việc offline", ông nói.

Chỉ trong vài tháng của đợt dịch đầu, việc tái cấu trúc của Hưng Thịnh có hiệu quả bằng nỗ lực hai năm trước đó. Tuy nhiên, đợt dịch thứ hai như một đòn đau. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng các DN bất động sản nên có chiến lược chia sẻ khó khăn với khách hàng nhều hơn, chẳng hạn như ra chính sách giãn tiến độ thanh toán các dự án. 

1-7549-1602209828.jpg

Trái với các lĩnh vực khác, việc kinh doanh hàng hiệu lại có kết quả khá thú vị. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cho biết: "Khi dịch bệnh xảy ra, người nghèo gặp khó khăn nhưng giới nhà giàu thì không. Họ không ra nước ngoài được thì mua sắm nội địa. Nhờ đó, doanh số công ty đã tăng 15% trong thời gian qua trong khi chi phí giảm được khoảng 20%".

Trong lĩnh vực hàng không, ông cho biết IPP nắm 55% vốn tại Công ty CP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIAS) nên cũng bị ảnh hưởng rất nặng, nhưng nhờ giải pháp dùng nguồn lãi dự phòng để duy trì hoạt động nên ông khẳng định CIAS vẫn an toàn trong 5 năm tới. Trong khi một công ty khác của IPP là Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) thì tái cấu trúc bằng cách chuyển nhân viên phục vụ khách nước ngoài sang làm việc cho mảng nội địa. Đồng thời giảm bớt thời gian làm việc chứ không sa thải.

"IPP đang có quỹ lãi dự phòng hơn 2.000 tỷ đồng, dự kiến tung ra trong lúc khó khăn. Nhưng vừa qua chúng tôi cũng không cần tung ra. Các công ty con có quỹ dự phòng riêng và tự cứu được", ông Hạnh Nguyễn chia sẻ. 

Tham vọng lớn

Sau 20 năm, NutiFood vượt qua nhiều công ty nước ngoài để chen chân vào tốp 3 tại thị trường sữa Việt Nam. Theo bà Lệ, để đạt được thành quả này, NutiFood luôn tập trung nghiên cứu cho ra các sản phẩm mới. Điển hình như dòng sản phẩm đặc trị là ống nuôi ăn bệnh nhân qua dạ dày, sản phẩm dành cho trẻ đái tháo đường và béo phì... với giá chỉ bằng 10-50% các sản phẩm ngoại nhập. 

Bên cạnh các dòng sản phẩm đặc trị, NutiFood còn tiên phong cho ra dòng sản phẩm cao cấp tương đương sữa tươi ngoại nhập, với hàm lượng 3,5g đạm và 4g béo trong 100ml sữa. Đặc biệt là giá bán chỉ bằng 70% sữa nhập khẩu. Với những thành quả này, bà Lệ nói NutiFood đang nuôi khát vọng vươn ra toàn cầu nhằm minh chứng thực lực của DN Việt.

Trong khi đó, "ông vua hàng hiệu" Hạnh Nguyễn lại nuôi tham vọng với dự án khu phi thuế quan bằng thế mạnh có sẵn là hàng miễn thuế. 35 năm trước, ông đem 30 triệu USD về Việt Nam đầu tư. So với bây giờ, ông so sánh số tiền này tương đương khoảng 3 tỷ USD vì giá nhà mặt tiền đường Trần Hưng Đạo (TP.HCM) hồi đó chỉ vào khoảng 5.000-10.000 USD/căn. Tuy nhiên, ngày đó ông không đầu tư bất động sản vì cho rằng hàng hiệu mới là lá chắn kinh tế và là sức hút lớn cho ngành du lịch.

"Câu hỏi đầu tiên tại khách sạn khi du khách vào Việt Nam thường là các cửa hàng Factory Outlet (hàng hiệu lỗi thời và được giảm giá mạnh) nằm chỗ nào", ông Hạnh kể. Mỗi năm, với 108 thương hiệu hàng xa xỉ, ông Hạnh nhập khẩu đến 100 triệu USD và chỉ bán một nửa hàng mới, còn lại bán qua các Factory Outlet này. 

Link bài viết

Với nguồn lực này, ông cho biết sẽ phát triển các khu phi thuế quan để thu hút du lịch. Hiện tại, IPP đã trúng thầu khu phi thuế quan thí điểm ở Phú Quốc với giá trị 6.800 tỷ đồng. Đây là dự án IPP xây dựng rồi tặng lại cho Nhà nước để đấu thầu. Theo ông Hạnh Nguyễn, các thủ tục pháp lý hỗ trợ khu phi thuế quan cũng đã ra đời. Chẳng hạn Nghị định 100 về hàng miễn thuế ra đời vào ngày 28/8/2020. Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng trong tháng 9. Trung tâm tài chính cùng với khu phi thuế quan là những yếu tố quyết định sự thành công của việc hình thành các đặc khu kinh tế. 

Khi dự án khu phi thuế quan này được triển khai, ông Hạnh Nguyễn hứa sẽ thông qua Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để có cơ chế hợp tác với các DN TP.HCM.  

Sẽ dìu dắt DN nhỏ 

Ông Trung cho biết, Hưng Thịnh là đơn vị đầu tiên kêu gọi cộng đồng DN trong ngành giảm giá tiền thuê nhà khi dịch Covid-19 ập đến. Thời gian qua, Hưng Thịnh đã chủ động giảm giá rất nhiều mặt bằng cho thuê, đây là cách theo ông có thể chia sẻ tốt nhất cho các DN cùng nhau vượt qua khó khăn. Ông Trung tiếp tục đề nghị HUBA kêu gọi DN trên địa bàn TP.HCM cùng thực hiện điều này, để tiếp tục hỗ trợ cho các DN. 

Trong khi đó, bà Lệ nói nếu các DN nhỏ thấy khó khăn, cứ mạnh dạn kêu gọi đối tác hỗ trợ, như ngân hàng, khách hàng... Quan trọng là cho đối tác thấy được định hướng phát triển sắp tới. NutiFood cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm hoặc hợp tác để phát triển các dự án mới cùng đối tác. Nếu có chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ thì NutiFood cũng sẵn sàng đóng góp. 

Bà cũng đưa ra lời khuyên cho các DN vừa và nhỏ, rằng trong lúc khó khăn, nên bình tĩnh phân tích lại hết các hoạt động của mình, từ đó xác định được giá trị cốt lõi để tập trung vào đầu tư. 

Còn ông Hạnh Nguyễn thì cam kết, IPP đã có kế hoạch dành sẵn khu vực cho hàng Việt trong khu phi thuế quan tại Phú Quốc. Hiện tại, hàng Việt Nam đang chiếm khoảng 60% diện tích trong các khu bán hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế của IPP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Covid-19 là cơ hội thay đổi toàn diện quản trị doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO