Công nghiệp xanh thế kỷ XXI: Chuyện của những người dám làm

Ý Nhi| 29/01/2023 06:00

Equo, Buyo Labs và Green Joy là ba câu chuyện đã chiến thắng ở vị trí cao nhất cuộc thi 100+Labs của AB InBev - chương trình nâng cánh cho những "giấc mơ xanh" và cũng là đại diện cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của người trẻ.

Equo, Buyo Labs và Green Joy là ba câu chuyện đã chiến thắng ở vị trí cao nhất cuộc thi 100+Labs của AB InBev - chương trình nâng cánh cho những "giấc mơ xanh" trở thành hiện thực. Họ cũng là đại diện cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của người trẻ với những sản phẩm hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, giảm thải ô nhiễm môi trường, bảo vệ thiên nhiên, sức khỏe người dùng và trái đất… là xu hướng được xem là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ XXI.

1. Buyo: Nhựa sinh học tự hủy

-1470-1673493948.jpg

Các thành viên Công ty Buyo (từ trái sang): TS. Đặng Việt Hưng, CEO Đỗ Hồng Hạnh, TS. Trịnh Thị Hòa tại lễ trao giải cuộc thi 100+ Labs tại TP.HCM. Các thành viên khác của công ty: TS. Vương Văn Thu và TS. Lê Tùng Linh hiện công tác tại Canada

Một chiếc túi nilon được sử dụng trung bình trong 12 phút nhưng mất hơn 500 năm để phân hủy trong môi trường.Hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong máu, sữa mẹ và số lượng hạt vi nhựa có trong phân của trẻ sơ sinh cao gấp 10-20 lần của người trưởng thành.

Từ những con số báo động

Những con số đáng báo động đó đang cảnh tỉnh chúng ta về một thực trạng ô nhiễm nhựa vô cùng nghiêm trọng, đe dọa hành tinh và sức khỏe con người. Đứng trước vấn đề nhức nhối này, nhóm khởi nghiệp Buyo đã tập hợp các doanh nhân và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, môi trường và vật liệu với tâm huyết tìm ra được một giải pháp công nghệ tối ưu để bảo vệ sức khỏe và hành tinh cho thế hệ tương lai.

Những ngày đầu khi bắt tay vào công việc, nhóm dự án đã trăn trở và băn khoăn rất nhiều về tính khả thi của dự án. Làm thế nào để tạo ra được một loại nhựa sinh học thay thế nhựa hóa học thông thường, nhưng phải đáp ứng được hàng loạt tiêu chí “khó nhằn” như có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn trong môi trường tự nhiên, đi từ nguồn nguyên liệu hữu cơ an toàn tuyệt đối cho sức khỏe nhưng vẫn phải đảm bảo được các tính chất cơ lý của sản phẩm như của nhựa thông thường với giá thành cạnh tranh. Đây tưởng chừng như một nhiệm vụ bất khả thi vì rất khó để cạnh tranh được với công nghệ sản xuất nhựa đi từ nguyên liệu dầu mỏ đã được khẳng định hàng trăm năm qua. 

-1251-1673493948.jpg

Đi vào nghiên cứu những công nghệ sản xuất nhựa sinh học tự hủy đã và đang có mặt trên thị trường, Buyo nhận thấy phần lớn sản phẩm hiện tại đều đi từ nguồn gốc tinh bột và cạnh tranh trực tiếp với an ninh lương thực. Một số sản phẩm khác đi từ nguồn lactic axit lại đòi hỏi phải có hạ tầng phân loại và xử lý với nhiệt độ cao mới có thể phân hủy được.

Nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều nguồn chất thải hữu cơ từ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp sẵn có với giá thành gần như bằng không, nhóm dự án đã quyết định phát triển một giải pháp công nghệ hoàn toàn mới để tạo ra nhựa sinh học tự hủy từ nguồn chất thải hữu cơ này.

Đây là một hướng đi tiên phong không chỉ đối với Việt Nam mà cả trên thế giới và với một mũi tên có thể bắn trúng hai đích - vừa tạo ra một sản phẩm ưu việt như mong muốn, vừa giải quyết vấn đề phát thải carbon và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn do đã tận dụng được nguồn rác thải hữu cơ lẽ ra sẽ bị thải bỏ ra môi trường. 

Đến nhựa sinh học tự hủy

Sau rất nhiều tìm tòi, thử nghiệm và cả thất bại, cuối cùng Buyo đã tìm ra được nguồn chất thải hữu cơ ổn định, sẵn có với quy mô lớn từ ngành công nghiệp sản xuất đồ uống và sử dụng công nghệ tổng hợp sinh học độc quyền của mình để tổng hợp thành công sản phẩm nhựa sinh học đúng như mong muốn. Lần đầu cầm trên tay sản phẩm nhựa sinh học tự hủy mang thương hiệu Buyo để mang đi thử nghiệm các tính năng cơ lý, cả nhóm đã vỡ òa trong niềm vui khi kết quả thử nghiệm cho thấy sản phẩm của Buyo hoàn toàn tương đương và có thể so sánh được với nhựa hóa học thông thường.

Ấn tượng hơn cả, sản phẩm có thể phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên trong vòng vài tháng mà không cần bất cứ tác động nào, đồng thời lại có thêm khả năng kháng khuẩn, khả năng thẩm thấu oxy, mở ra những tiềm năng ứng dụng vô cùng to lớn không chỉ trong lĩnh vực bao gói và đồ đựng thông thường, mà còn cả trong y tế, mỹ phẩm, bảo quản nông sản thực phẩm tươi và dệt may thời trang. 

Do đi từ nguồn nguyên liệu là chất thải hữu cơ và sử dụng công nghệ do chính nhóm nghiên cứu và phát triển nên sản phẩm của Buyo có tính cạnh tranh tương đối cao về giá thành, hoàn toàn có tiềm năng thương mại hóa và thâm nhập thị trường tốt trong thời gian ngắn. Hơn thế nữa, các phụ phế phẩm từ quá trình tổng hợp nhựa sinh học của Buyo còn có thể quay vòng để tái sử dụng cho các mục đích khác phục vụ đời sống như phân bón hữu cơ, thức ăn gia súc...

Tự hào là công ty “deep tech” 

Nhận thấy tiềm năng và ý nghĩa to lớn của dự án, quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu Antler đã đầu tư và đồng hành với Buyo từ những ngày đầu tiên. Cuối năm 2022, Buyo cũng đã vinh dự giành giải nhất trong cuộc thi 100+ Labs do tập đoàn AB InBev phối hợp cùng 5Desire tổ chức dành cho các startup về công nghệ xanh, phát triển bền vững.

Giải thưởng này đã giúp Buyo trở thành startup đầu tiên của Việt Nam nhận được tấm vé vàng tham gia chương trình “Tăng tốc khởi nghiệp toàn cầu 100+ Accelerator” - một chương trình danh tiếng được hỗ trợ bởi các tập đoàn hàng đầu thế giới như AB InBev, Unilever, Coca-Cola, Colgate Palmolive dành cho khoảng 20 startup tiêu biểu nhất về phát triển bền vững mỗi năm trên toàn thế giới.

“Chúng tôi rất tự hào vì đây là lần đầu tiên một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiên phong (deep tech) thuần Việt với công tác nghiên cứu phát triển (R&D) được thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam có dịp tham gia vào sân chơi toàn cầu cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển bền vững. Hoài bão của chúng tôi là sẽ giới thiệu giải pháp công nghệ tiên phong của Việt Nam để góp phần giải quyết những vấn đề lớn của thế giới và nhân loại”, chị Đỗ Hồng Hạnh - đồng sáng lập và CEO của Buyo chia sẻ.

Với công nghệ và sản phẩm mẫu đã hoàn thiện, Buyo đã sẵn sàng để đón năm mới 2023 với kế hoạch gọi vốn đầu tư và sẽ đi vào giai đoạn sản xuất trên quy mô công nghiệp, đưa những sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu Buyo ra thị trường trong nước và thế giới. Đây cũng là một sự khẳng định mạnh mẽ về việc phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như là một xu thế tất yếu của kinh tế toàn cầu. 

2. Equo: Ống hút thiên nhiên

Nhà sáng lập Equo - CEO Marina Tran-Vu quyết định khởi nghiệp với Equo, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, 100% tự nhiên, phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên và không có chất độc hại. 

-9866-1673493948.jpg

CEO Marina Tran-Vu - nhà sáng lập Equo

Các sản phẩm của Equo là các loại ống hút đa dạng, như ống hút làm từ cỏ, gạo, bã mía, bã cà phê hay nước dừa. 

Tại chương trình 100+Labs, Marina Tran-Vu đã thuyết trình một cách thuyết phục ban giám khảo. Cô nói: “Ống hút tự nhiên của Equo có vòng đời phân hủy trong vài tháng, chứ không phải hàng thế kỷ như đồ dùng nhựa. 

Bên cạnh đó, các sản phẩm của Equo còn thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn bằng cách chuyển hướng vật liệu đã sử dụng thay vì phải đến các bãi chôn lấp, nay có thể trở mình thành một sản phẩm mới an toàn và thân thiện với môi trường (ví dụ như bã mía, bã cà phê được dùng để tạo ra ống hút bã mía, bã cà phê). Chúng tôi đang làm điều khác biệt với thông điệp rằng “Hãy vì môi trường” và “Hãy chú ý đến sự lựa chọn của bạn trong những món đồ nhỏ nhặt nhất như là một chiếc ống hút hay một chiếc thìa”.

Về quy trình sản xuất, các loại ống hút thiên nhiên được thuyết phục tuyệt đối khi các sản phẩm ống hút thiên nhiên như ống hút gạo, ống hút cỏ bàng, ống hút dừa, ống hút bã mía... được làm từ tinh bột gạo và tinh bột sắn, từ cây cỏ bàng, từ nước dừa lên men, từ bã mía với hương thương ngọt dịu. Hay ống hút cà phê được làm từ bã cà phê với hương thơm sảng khoái như cà phê mới pha, chúng có kích thước đa dạng như ống hút bã mía và không bao giờ bị mềm hay rã trong nước.

Điều đáng nói là quy trình và nguyên liệu để sản xuất chiếc ống hút có thể phân hủy hoàn toàn trong vòng 12 tháng sau khi sử dụng rất đơn giản và không bỏ thêm bất kỳ vật liệu độc hại hay hóa học. Vũ cho biết, có một quan điểm sai lầm phổ biến rằng sản phẩm có thể phân hủy sinh học là tốt. Nhựa mà bạn sử dụng hằng ngày vẫn có thể phân hủy sinh học. Phân hủy sinh học chỉ đơn giản có nghĩa là vật liệu đó có thể được phân tách ra từng mảnh nhỏ, nhưng chúng vẫn còn có thể gây hại đến môi trường.

Nhưng đối với phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên, có nghĩa là bạn có thể phân hủy thành các hợp chất hữu cơ và hoàn toàn không tồn đọng các hợp chất độc hại. Đó là sự khác nhau giữa phân hủy sinh học và phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên. Đồng thời chúng tôi cũng không phun bất kỳ hóa chất nào bên ngoài sản phẩm để khiến chúng trông chắc chắn hơn. Hãy cẩn thận bởi hiện nay có nhiều sản phẩm và bao bì có hóa chất mà bạn không biết đến.

Hiện tại, chiến lược kinh doanh của Equo là mang sản phẩm của Việt Nam ra toàn thế giới. “Chúng tôi tập trung vào các thị trường Việt Nam, Canada, Mỹ và Úc nhưng vì nhu cầu quá lớn, chúng tôi cần phải hợp tác với các đối tác để có thể phục vụ nhu cầu thị trường tốt hơn”, Marina Tran-Vu chia sẻ .

Thời gian tới, Equo sẽ mang đến nhiều sản phẩm đa dạng như hộp đựng mang đi, bộ dao muỗng nĩa, ly uống nước, túi đựng thức ăn... đến với người dùng và tuyên truyền đến người tiêu dùng về tác hại của nhựa một lần, đồng thời là cho họ nhận ra được có rất nhiều cách để thay thế nhựa một lần không chỉ qua việc không xài bao nilon nhựa mà còn qua các vật dụng nhỏ hằng ngày. 

3. Green Joy: Sản phẩm thiên nhiên làm từ cây cỏ bàng

Xuất phát từ mục đích làm ống hút cỏ để bảo vệ môi trường, sản phẩm của Green Joy Straw đã có mặt trong hàng trăm chuỗi nhà hàng và được thế giới đón nhận.

Từ một chú rùa bị nguy hiểm

-5337-1673493949.jpg

Trong một lần lướt web, Nguyễn Võ Thảo Nguyên (hiện là sáng lập Green Joy Straw) nhìn thấy hình ảnh một chú rùa bị nguy hiểm vì chiếc ống hút nhựa găm trong mũi. Nhiều lần đi du lịch, thấy người Việt Nam vô tư xả rác thải nhựa khắp nơi, đặc biệt là tại các bãi biển. Hành động này không chỉ làm mất mỹ quan, mà còn gây ảnh hưởng tới môi trường và cả những sinh vật nhỏ bé khác.

Thảo Nguyên cho biết, qua tìm hiểu cho thấy, mỗi ngày tại Mỹ có khoảng 5 triệu chiếc ống hút nhựa bị vứt bỏ. Mỗi năm cả thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa. Nhưng chỉ có 9% được tái chế. 

Với suy nghĩ, nếu cả triệu, cả tỷ người cùng chung tay bảo vệ môi trường thì số lượng rác thải nhựa khổng lồ sẽ không gây tác động xấu, Thảo Nguyên quyết định theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp. 

Tự mình xoay sở từ vốn liếng tới các thủ tục thành lập công ty, tìm nơi trồng nguyên liệu, rồi một mình gánh vác nhiều công việc khác như quảng cáo sản phẩm, giao hàng, bán hàng, đóng gói, sản xuất, kế toán...không ít lần chùn bước vì... hết vốn. Nhưng một lần gặp vị khách Singapore tới thăm cánh đồng cỏ bàng tại Long An và tận mắt chứng kiến những người nông dân làm ra những chiếc ống hút từ cỏ, vị khách này đã mong muốn đưa sản phẩm này về Singapore. 

Thảo Nguyên cho biết: “Ngoài việc đưa giải pháp kinh doanh bền vững, lan tỏa tinh thần sống xanh, tôi còn muốn giúp được người nông dân có được công việc tốt với mức thu nhập ổn định, giúp họ tăng thêm mức thu nhập gấp 3 lần so với trước đây (nếu như trước đây, người dân bán một bó cỏ bàng tươi giá chỉ từ 10.000-12.000 đồng nhưng khi bán cho tôi thì mỗi bó sẽ được bán với giá 25.000-30.000 đồng).

Giảm thiểu 15 tấn nhựa ra môi trường

Song với ý nghĩa của dự án chính là giảm thiểu số lượng ống hút nhựa thải ra đại đương bằng ống hút cỏ bàng thay thế, giúp giảm thiểu 35 triệu ống hút (tương đương 15 tấn nhựa) ra môi trường.

Với nguyên liệu cỏ bàng tự nhiên, có thể phân hủy hoàn toàn, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính với quy trình sản xuất ứng dụng năng lượng mặt trời, còn giảm thiểu số lượng điện và nước tiêu thụ 30%. 

Với nguồn nguyên liệu phong phú, Thảo Nguyên cho biết cô mới sử dụng hết 100% nguyên liệu, trong đó 50% cho việc sản xuất chế biến ống hút cỏ, còn 50% nguyên liệu dùng để làm các đồ thủ công mỹ nghệ, các phế phẩm, phụ phẩm trong quá trình sản xuất và tiêu dùng được chuyển đổi thành phân hữu cơ hướng đến kinh tế tuần hoàn.  

Hiện tại, Green Joy đã cung cấp hơn 30 triệu ống hút cỏ và đồ dùng có thể phân hủy sinh học và ủ từ cỏ tự nhiên Lepironia cho hơn 25 nước ở châu Âu, Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương. Hợp tác với hơn 50 nông dân, hơn 7 phòng thí nghiệm đại học và nhiều tổ chức phi chính phủ và các cơ quan chính phủ phục vụ môi trường. 

Nói về cạnh tranh, Thảo Nguyên tự tin: “Việt Nam là một trong những nước duy nhất có được cánh đồng cỏ vàng với quy mô rất là lớn và có tiềm năng nguồn nguyên liệu để có thể mở rộng hơn công suất và quy mô doanh nghiệp. Những nước khác như Trung Quốc thì chưa trồng được, ở Đài Loan, Campuchia và Thái Lan thì không thể trồng được nguyên liệu này với số lượng lớn và chi phí thành công khá rẻ. Cho nên, Green Joy tự tin có thể làm được điều đó. 

Hiện nhu cầu của thị trường đang là 30-40 triệu ống hút cho nên công ty đang hướng đến tự động hóa. Tuy nhiên, chi phí khá cao nên chưa thể tự động hóa được hoàn toàn và đây cũng là lộ trình trong năm nay Green Joy hướng đến để tăng năng suất của mình lên gấp 5 và phấn đấu lên gấp 10 lần so với hiện nay.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp xanh thế kỷ XXI: Chuyện của những người dám làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO