SME thiếu “áo giáp” để tự bảo vệ mình trước đại dịch
“Nếu ví dịch Covid-19 như một cơn bão thì khi bão đi qua, những cây nhỏ, yếu sẽ bị tấn công đầu tiên. Với xã hội, thì người già, người có bệnh nền, người sức đề kháng kém sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Còn đối với nền kinh tế, đó là các SME. Là các SME, chúng tôi thấy mình thiếu áo giáp, thiếu đi những thứ để có thể bảo vệ mình trước cơn bão Covid-19 vừa qua”, ông Lê Nguyễn Hồng Phương- Chủ tịch BIT Group chia sẻ tại hội thảo “Đổi mới sau khủng hoảng – cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp SME” vừa diễn ra dưới hình thức trực tuyến trong sáng nay 15/10/2021.
Lấy ví dụ từ chính câu chuyện của doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Cảnh Bình- Chủ tịch Alpha Books cho biết, trong suốt thời gian giãn cách xã hội, Alpha Books gần như lâm vào cảnh bị “đóng băng” hoàn toàn. “Dịch bệnh khiến chúng tôi phải đóng cửa suốt hàng tháng trời. Nhân viên nhiễm bệnh, có người bị nặng phải thở oxy, phải lọc máu, lãnh đạo thì phải đi cách ly, hoạt động kinh doanh ngưng trệ…Lúc này, chúng tôi chỉ xác định, làm thế nào để giữ được sức khỏe cho cán bộ nhân viên, đảm bảo được mức lương tối thiểu để duy trì cuộc sống cho anh em và cố gắng ổn định tổ chức tốt nhất có thể rồi mới tính đến chuyện vượt dịch. Chúng tôi biết rằng, thực tế có nhiều doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn chúng tôi. Dù rất nỗ lực, doanh số của công ty chỉ còn khoảng 20-30% so với bình thường”, ông Bình chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Trần Anh Vương cũng cho biết, hiện cả nước, tổ chức Hội có khoảng 10.000 thành viên thì tại TP.HCM chiếm tới hơn 10%. Trong thời gian dịch vừa qua, thiệt hại với Hội doanh nhân trẻ không chỉ tính ở những mất mát về kinh tế mà còn cả về con người. “Để nói về những khó khăn của SME trong thời gian vừa qua thì một vài câu, vài từ ngắn gọn rất khó để có thể mô tả được. Thực tế cuộc chiến đấu khốc liệt hơn nhiều. Chúng tôi đã có tới hàng loạt chương trình ATM khác nhau để giúp đỡ các thành viên lẫn cộng đồng như ATM oxy, ATM việc làm cho F0, ATM hiến máu cứu người, túi thuốc cứu người,…nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Cho tới bây giờ, chúng ta biết rằng, dịch bệnh sẽ không hoàn toàn biến mất. Vì vậy, tất cả phải thay đổi, phải thích nghi thì mới có thể tồn tại được, các SME không ngoại lệ”, ông Trần Anh Vương khẳng định.
Cuộc “di dân” lớn nhất trong lịch sử loài người là từ offline sang online
Là một doanh nhân đã gắn bó lâu năm cùng các SME, ông Lê Nguyễn Hồng Phương nhận định, có tới gần 90% doanh nghiệp SME tại Việt Nam vẫn mang tính chất tự phát. Vì vậy, khi “bão” đến, đa phần các doanh nghiệp đều nằm trong thế bị động, bị dồn ép và dễ bị quật ngã. Lúc này, doanh nghiệp chỉ có một sự lựa chọn duy nhất đó là tiến lên “một là tiến tới online hai là bị thị trường loại bỏ”.
“Nhiều anh em phàn nàn với tôi, giờ tìm khách hàng sao khó quá. Tìm được rồi giữ chân khách hàng thế nào? Nếu như trước kia, chúng ta có những lý do để lần lữa chuyển đổi số thì nay khác rồi. Xu thế khách hàng hiện nay đang có cuộc chuyển đổi rất lớn, có thể ví như một cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử là đi từ offline sang online. Là người đi câu, nếu không thay đổi về phương thức đi câu, mồi câu…thì làm sao chúng ta bắt được cá, làm sao giữ chân được khách hàng. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp tại TP.HCM đã có sự chuyển biến rất tích cực khi nhanh chóng nắm bắt được hành vi khách hàng và thực hiện chuyển đổi số kịp thời”, ông Lê Nguyễn Hồng Phương nhận định.
Theo quan sát, trong dịch bệnh, không phải doanh nghiệp nào cũng đi xuống, đó là những doanh nghiệp về công nghệ và có yếu tố công nghệ, nắm bắt được công nghệ từ sớm. “Khi chúng tôi tư vấn cho một doanh nghiệp bán rau sạch, chúng tôi thấy rằng nếu chỉ bán rau không thì chưa đủ, khách hàng khi ‘đi chợ’, họ còn muốn nhân tiện mua thêm cân thịt, ít cá tươi,… Hiểu rõ điều đó và thực hiện thay đổi, khi dịch bệnh diễn ra, chỉ một thời gian ngắn, doanh số của đơn vị này đã tăng lên gấp mấy lần so với trước”, ông Lê Nguyễn Hồng Phương chia sẻ về một trường hợp thành công giữa mùa dịch vừa qua.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Bình cũng thừa nhận, hiện nay chúng ta nói nhiều về chuyển đổi số, nhưng chuyển đổi như thế nào, bắt đầu từ đâu thì không phải SME nào cũng biết được. “Chúng tôi trong quá trình chuyển đổi số gặp phải một trong những thách thức lớn là làm thế nào để giao tiếp với nhân viên mình hiệu quả. Có rất nhiều lựa chọn như Facebook, Zalo, Google…nhưng làm thế nào để đo được hiệu quả quản lý nhân sự? Cái chúng tôi thiếu là những phần mềm quản trị nhân sự. Chúng ta cần có những nền tảng uy tín, bảo mật, nền tảng kết nối và đi cùng một chi phí hợp lý để đảm bảo cho quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp được nhanh, thuận lợi”, ông Nguyễn Cảnh Bình hi vọng, những doanh nghiệp công nghệ mang tính dẫn dắt chuyển đổi số như VNPT sẽ có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
“Trong lịch sử loài người đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới lại phát triển mạn mẽ hơn. Mặc dù thách thức của chúng ta đang vô cùng lớn lao nhưng dựa vào lịch sử, dựa vào những thống kê,…chúng ta có quyền để lạc quan vào thành công ở phía trước”, ông Bình cho biết thêm.
Nói về các công cụ chuyển đổi số phù hợp, ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Phó Tổng giám đốc VNPT VinaPhone cho biết, thực tế nhiều SME chưa đủ lòng tin với công nghệ, chưa sẵn sàng để thay đổi, còn những hoài nghi về sự an toàn, bảo mật. Vì vậy, từ cách đây nhiều năm, khi chuẩn bị những phương án, đưa ra các dịch vụ giúp các SME thực hiện chuyển đổi số, VNPT cũng đã chú trọng tới các cam kết bảo mật, đảm bảo về tính pháp lý để củng cổ niềm tin, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp từng bước một trong công tác quản trị. Bắt đầu đơn giản nhưng hiệu quả với chữ ký số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử... để giảm bớt thời gian cho doanh nghiệp, dần dần mới tiến tới các công cụ quản trị trong nội bộ, các giải pháp quản trị doanh nghiệp toàn diện (VNPT oneBusiness) giúp chuẩn hóa môi trường làm việc doanh nghiệp, đồng bộ dữ liệu, chi phí thấp....
Cũng theo đại diện VNPT, trong giai đoạn hiện đơn vị này, VNPT cũng đang tiếp tục đầu tư để cho ra mắt những sản phẩm chuyển đổi số tối ưu hơn, an toàn và hiệu quả hơn như dịch vụ chữ ký số từ xa (SmartCA) với tốc độ ký cao, có thể truy cập mọi lúc mọi nơi, không token,... đặc biệt thuận lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh số hóa toàn cầu.