Thăm “ bách hóa trực tuyến”

HOÀNG HÀ| 26/06/2009 03:23

Những kho dịch vụ trực tuyến đang tạo nên hứng khởi cho thế giới công nghệ, từ người dùng, doanh nghiệp cho đến những tay mơ viết phần mềm...

Thăm “ bách hóa trực tuyến”

Từ tro tàn, Apple đã hồi sinh và bước lên đỉnh cao nhất trong thế giới công nghệ. Cú ngược dòng ngoạn mục này một phần nhờ vào một dịch vụ hoàn toàn mới mẻ lúc đó là iTunes, AppStore -những kho dịch vụ trực tuyến có thể chia sẻ, buôn bán nhạc, phim và phần mềm qua mạng hỗ trợ cho các siêu phẩm iPod và iPhone. Sức mạnh mềm của AppStore được ghi nhận bằng sự bùng nổ ấn tượng của các thiết kế mới iPhone hay iPod. AppStore hiện có khoảng 15.000 ứng dụng và số lần tải những ứng dụng này đã vượt quá con số 500 triệu.

Các kho ứng dụng trực tuyến và thành công của Apple đã tạo nên một cuộc tranh đua không giới hạn, từ những đối thủ trực tiếp của iPhone đến các tên tuổi lớn trong giới công nghệ. Microsoft vừa giới thiệu cải tiến mới nhất của kho ứng dụng trực tuyến Windows Mobile là Marketplace tại Hội chợ CTIA Wireless (Las Vegas). Hiện đã có hơn 20.000 ứng dụng cho điện thoại Windows Mobile nên Microsoft sẽ chỉ tập trung khai thác tài nguyên sẵn có trên Marketplace đã đủ hạ gục nhiều đối thủ. Trong khi Google cũng tạo được số vốn đáng kể với hơn 500 ứng dụng các loại.

Cuộc chạy đua giữa các hãng điện thoại chuyển từ thiết kế mẫu mã sang xây dựng những ứng dụng trực tuyến, mở rộng kết nối cộng đồng. Người sử dụng có thể lập diễn đàn ảo, chia sẻ hình ảnh, âm nhạc trực tuyến, hay offline gặp gỡ, kết nối với nhau tạo nên những “fan” hâm mộ của Nokia, iPhone hay BlackBerry. Sự kết nối cộng đồng mạnh mẽ tạo nên những hiệu ứng đặc biệt cho từng sản phẩm nói riêng và thương hiệu nói chung.

Theo thông tin chính thức của Nokia, tính đến 1/4/2009 đã có hàng ngàn các nhà cung cấp nội dung số và phát triển phần mềm đăng ký bán hàng trên cửa hàng trực tuyến Ovi Store. Nokia tạo ra Ovi Store nhằm cạnh tranh với AppStore của Apple và các cửa hàng trực tuyến khác. Đồng thời, thông qua Ovi Store, Nokia cũng muốn kiểm soát thị trường điện thoại thông minh. Không chỉ dừng lại tại tại đó, Nokia cũng tung ra dịch vụ Nokia Point & Find (http://pointandfind.nokia.com) - một dịch vụ tương tác giữa các doanh nghiệp và người dùng điện thoại. Nokia Point & Find sử dụng công nghệ nhận diện mã vạch và tích hợp công nghệ định vị GPS. Chiếc điện thoại cùng với máy ảnh, kết nối internet và định vị GPS sẽ “định vị” đối tượng rồi tập hợp các nhóm nội dung và dịch vụ tương ứng. Qua đó, doanh nghiệp có thể tương tác với người tiêu dùng bằng các dịch vụ, sản phẩm phù hợp. Nokia Point & Find là một nền tảng dịch vụ mở, trên đó các công ty có thể xây dựng những trải nghiệm sáng tạo tùy biến để thúc đẩy tương tác tốt hơn với các khách hàng.

Không thể mãi đứng nhìn thành công của các đối thủ nhờ những cửa hàng ứng dụng trực tuyến, RIM cũng đã chính thức đưa ra một cửa hàng trực tuyến AppWorld với các ứng dụng giải trí, trò chơi, tin tức và hỗ trợ du lịch cho người dùng BlackBerry. Những chiếc điện thoại hỗ trợ nhiều chức năng đa phương tiện như Pearl, Curve, Bold hay Storm... sẽ trở nên thông minh và đa dụng hơn. RIM đã đưa ra mức chia sẻ lợi nhuận rất hấp dẫn là 80% dành cho các hãng phát triển ứng dụng, 20% còn lại sẽ được chia giữa RIM và các nhà cung cấp dịch vụ không dây. AppWorld cho phép tìm kiếm những phần mềm được ưa chuộng nhất như MySpace, Facebook, Bloomberg và Viigo. Hai ứng dụng mới sẽ có mặt đầu tiên trên cửa hàng trực tuyến là Slacker, cho phép tạo các kênh radio cho cá nhân; và QuickPlay Media Inc, cung cấp các đoạn TV show.

Chắc hẳn những hoạt động trên của Apple, Nokia, RIM sẽ lôi kéo Samsung, LG, SonyEricsson vào cuộc đua xây dựng những dịch vụ trực tuyến đầy hứa hẹn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thăm “ bách hóa trực tuyến”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO