Phát hiện protein quan trọng hứa hẹn giúp phục hồi thính lực

QL| 18/09/2020 00:46

Nghiên cứu mới nhất cho thấy sự thiếu hụt protein GFI1 là nhân tố chính liên quan đến việc phát triển tế bào lông trong ốc tai, gây suy giảm thính lực ở người.

Phát hiện protein quan trọng hứa hẹn giúp phục hồi thính lực

Các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Maryland - UMSOM (Mỹ) vừa tuyên bố phát hiện một protein tên gọi GFI1 rất quan trọng trong việc phát triển tế bào lông bên trong ốc tai. Nghiên cứu này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người suy giảm thính lực hoặc gặp vấn đề thính giác bởi các tế bào lông này vốn không thể thiếu trong việc hình thành chức năng nghe của con người.

Theo giải thích từ các nhà khoa học, chức năng nghe phụ thuộc vào một loại tế bào đặc biệt bên trong ốc tai gọi là tế bào lông. Về cơ bản, khi những tế bào lông này không phát triển một cách đầy đủ hoặc bị tổn thương do các tác động từ bên ngoài như âm thanh cường độ lớn, khả năng nghe của con người sẽ bị suy giảm theo. Riêng tại Mỹ, tỷ lệ mất thính lực tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm tuổi, ảnh hướng khoảng một nửa số người trưởng thành ở độ tuổi 70 và khoảng 80% số người ở độ tuổi 85.

cau-tao-tai-nguoi_1600242552.jpg

Tai trong (ốc tai) chứa các lưu chất và các tế bào lông có độ nhạy cao. Các tế bào lông có cấu trúc nhỏ giống như sợi tóc chuyển động theo dao động của âm thanh

Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã không ngừng tập trung vào việc mô tả các bước phát triển một tế bào lông chức năng có khả năng tạo ra các tế bào mới khi các tế bào cũ bị hư hỏng. Tuy nhiên, việc phát hiện protein quan trọng trong việc hình thành tế bào lông từ nhóm nghiên cứu mới của tiến sĩ Ronna Hertzano hiện nhận được không ít sự quan tâm từ cộng đồng khoa học.

Theo Ronna Hertzano, để phát hiện ra sự ảnh hưởng quan trọng của protein GFI1 nói trên, nhóm nghiên cứu của cô đã sử dụng những phương pháp tiên tiến nhất để nghiên cứu sự biểu hiện gen của tế bào lông trên những con chuột sơ sinh biến đổi gen. Cũng theo giải thích từ nữ tiến sĩ Ronna Hertzano những con chuột sơ sinh mà cô nghiên cứu đã được biến đổi gen để không hình thành các protein GFI1. Điều này nhằm chứng minh việc thiếu đi protein GFI1 sẽ khiến các tế bào lông của phôi không thể tiến triển trong quá trình phát triển để trở thành các tế bào trưởng thành đầy đủ chức năng. Trên thực tế, các gen được biểu hiện bởi các tế bào này cho thấy chúng có khả năng phát triển thành các tế bào giống tế bào thần kinh.

37-researchersi.jpg

Hình ảnh tế bào lông bề mặt của cơ quan thính giác (ốc tai) từ chuột trong thử nghiệm được các nhà khoa học chụp bằng kính hiển vi đồng tiêu

Nữ tiến sĩ tự tin rằng, nghiên cứu của nhóm là lý giải quan trọng cho sự hiện diện của protein FGI1 sẽ cho phép các tế bào lông phát triển hoàn chỉnh. Những dữ liệu từ công cuộc nghiên cứu cũng cho thấy tầm quan trọng của GFI1 trong các quy trình thực nghiệm để tái tạo tế bào lông/tóc từ tế bào gốc. Những phương pháp cải tạo này thực sự tiềm năng vì có thể áp dụng cho những bệnh nhân mất thính lực do tuổi tác, hoặc các yếu tố môi trường như thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn.

Được biết, Ronna Hertzano lần đầu hứng thú với nghiên cứu về protein GFI1 từ khá lâu. Trong luận án trước đây, cô đã phát hiện ra rằng việc mất thính giác do đột biến ở một protein khác có tên là POU4F3 dường như phần lớn là do mất GFI1 trong tế bào lông. Kể từ đó, Ronna Hertzano bắt đầu thực hiện những nghiên cứu tầm ảnh hưởng của protein GFI1 và các protein khác đối với thính giác.

Nghiên cứu mới của nhóm Ronna Hertzano đã nhận được sự tài trợ bởi Viện Quốc gia về Điếc và Rối loạn Giao tiếp Khác (NIDCD), một bộ phận của Viện Y tế Quốc gia (NIH) và Quỹ Khoa học Binational (BSF). Theo giới quan sát, việc xác định các con đường phức tạp để hình thành nên thính giác bình thường có thể là chìa khóa để đảo ngược tình trạng mất thính lực ở người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát hiện protein quan trọng hứa hẹn giúp phục hồi thính lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO