Loa kéo lên ngôi

VIỄN DU| 14/12/2016 04:54

Thị trường loa kéo đang thị phần của các sản phẩm Trung Quốc "làm mưa làm gió" bởi công nghệ và tiện ích của sản phẩm đáp ứng được nhiều đối tượng khách hàng...

Loa kéo lên ngôi

Thị trường loa kéo đang thị phần của các sản phẩm Trung Quốc "làm mưa làm gió" bởi công nghệ và tiện ích của sản phẩm đáp ứng được nhiều đối tượng khách hàng. Các hãng lớn nước ngoài và cả doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy "miếng bánh ngon" nên cũng vào cuộc.

>5 loa bluetooth siêu sao cho người dùng thích "xê dịch"

>Đến loa cũng cong

Đọc E-paper

Thu hút vì nhiều công nghệ và tiện ích

Ông Võ Văn Hiếu - quản lý Công ty Phúc Thành Nhân, chuyên về giải pháp âm thanh sự kiện, cho biết: "Năm 2012 có thể được xem là thời điểm bắt đầu bùng nổ loa kéo bởi các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình hay có những đoạn phim giới thiệu những gương mặt người hát rong trong đêm bỗng trở thành người nổi tiếng với giọng ca thu hút, vượt qua vòng loại của các cuộc thi âm nhạc. Thế là giấc mơ đổi đời nhờ hát rong đã khiến nhiều người ôm mộng và đầu tư mua loa kéo vì có đến ba cái lợi: hát rong có thể kiếm được thu nhập, có thời gian luyện giọng để tham dự các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình và cuối cùng là chờ đợi một phép màu vì nếu may mắn lọt vào mắt xanh của một ai đó thì sẽ có cơ hội được lăng xê thông qua các đoạn phim trên YouTube...".

Đó chính là lý do khiến doanh số loa kéo tăng không ngừng trong những năm gần đây. Không dừng lại ở đó, các dòng loa kéo không ngừng "biến hóa", mở rộng thêm nhiều tiện ích nên trở thành sản phẩm không chỉ dành cho người hát rong mà còn là công cụ hữu ích cho những người thích đi du lịch, những tay chơi nhạc nghiệp dư và cả cho việc quảng cáo của các nhà kinh doanh.

Một cửa hàng thời trang trước đây muốn thu hút khách sẽ thuê hoặc mua bộ loa cỡ lớn và kèm theo ampli, đầu đĩa với dây nhợ lằng nhằng đặt trước cửa hàng mở nhạc sôi động, nay chuyển qua đầu tư một loa kéo có đầy đủ công năng và nhiều tiện ích hơn. Còn dân du lịch bây giờ đi đâu cũng cố gắng kéo theo loại loa này do nhu cầu âm nhạc sôi động trên bãi biển khi cần đốt lửa trại, hoặc tập hợp cả đoàn để phổ biến thông tin, hay gắn nhạc cụ vào rồi hát hò với nhau...

Theo ông Hiếu, giờ đây một chiếc loa kéo đã có khoảng 10 tính năng hấp dẫn đủ thu hút những người xung quanh và dễ dàng trở thành sản phẩm có giá trị giải trí và kinh doanh mà không cần phải quảng cáo nhiều lời.

Đa số loa kéo xuất hiện trong những năm gần đây đều có xuất xứ từ Trung Quốc, với các thương hiệu như Best, Temeisheng, MBA, Bosa, Oris..., có giá bán từ 1,5 - 10 triệu đồng. Đặc điểm chung của các dòng loa này chính là công suất và các tiện ích công nghệ tích hợp.

Chẳng hạn, dễ nhận biết nhất chính là hệ thống tay cầm xếp kéo như vali du lịch, kế đến là tích hợp công nghệ bluetooth không dây cho phép người dùng kết nối với smartphone. Một đặc điểm nổi bật nữa là ngõ cắm micro hát karaoke, cắm nhạc cụ để trổ tài chơi nhạc. Cuối cùng là tính năng pin tích hợp với dung lượng từ 2.000 - 20.000mAh đủ sử dụng từ 2 - 4 giờ liên tục.

Các hãng Trung Quốc còn tích hợp nhiều tính năng phụ sinh động để thu hút người dùng, như bộ lọc âm giúp điều chỉnh âm trầm/bổng trực tiếp trên loa, tích hợp anten kết nối với micro không dây, tính năng lọc âm và echo khi dùng với micro để hát karaoke tốt hơn, tính năng ghi âm để người dùng nghe lại giọng hát của mình, hoặc sinh động hơn là hệ thống đèn LED bao xung quanh màng loa chớp tắt theo nhạc, khe cắm thẻ nhớ hoặc USB, nghe đài FM, ngõ bông sen RCA vào/ra để ghép nối thêm các thiết bị âm thanh khác...

Thương hiệu lớn vào cuộc

Trước sự gia tăng đột biến của thể loại loa kéo, các hãng chuyên về thiết bị âm thanh giải trí làm sao có thể ngồi yên. Cụ thể, Samsung đã nâng cấp dòng loa Party Master (hệ thống loa cho các buổi tiệc gia đình) để cạnh tranh. Chẳng hạn như mẫu MX-HS8500 (2 bộ loa) với giá bán khoảng 15 triệu đồng đã được gắn thêm bánh xe để thuận tiện di chuyển, tích hợp bluetooth, tính năng DJ điều chỉnh nhạc trực tiếp, hệ thống đèn LED nhấp nháy theo điệu nhạc...

Samsung MX-HS8500

Sony cũng không chịu lép vế, vì từ năm 2015-2016 đã giới thiệu các mẫu như MHC-V11, MHC-V44D với giá bán từ 5 - 7 triệu đồng (loa đơn), có tính năng không thua kém các loa kéo từ Trung Quốc. Cụ thể, các loa của Sony cũng có hệ thống kết nối bluetooth với smartphone, kết nối micro có dây hoặc không dây để hát karaoke, hệ thống đèn LED chớp tắt theo điệu nhạc và kết nối mở rộng cho phép ghép nhiều loa cùng lúc...

Sony MHC-V11
Sony MHC-V44D

Tương tự, Công ty Triệu Gia, sở hữu thương hiệu loa Soundmax, cũng vừa ra mắt 2 mẫu loa kéo Soundmax M1 và M6 vào tháng 11/2016 với giá bán từ 1,2 - 2 triệu đồng/bộ. Ông Ngô Nguyễn Thế Dương - phụ trách tiếp thị của Soundmax cho biết: "Nhận thấy loa kéoTrung Quốc khá phổ biến tại Việt Nam nên Soundmax cũng phải nhanh chóng ra mắt dòng sản phẩm này để đáp ứng nhu cầu người dùng, mang đến cho họ thêm sự lựa chọn".

Soundmax M1
Soundmax M6

Về chất lượng thì các sản phẩm của các hãng Sony và Samsung vẫn có chất lượng âm thanh vượt trội hơn, đặc biệt là các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến sản phẩm. Trong khi đó, các dòng loa của Trung Quốc "chịu chơi" hơn khi tích hợp thêm pin sạc lithium bên trong.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Loa kéo lên ngôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO