Kho đầu số và trách nhiệm xã hội

THỤY LÂM| 22/11/2009 09:23

Các nhà mạng MobiFone, Viettel và VinaPhone đang làm thủ tục xin đầu số mới 0120, 0164 và 0129. Tổng cộng 20 đầu số được bảy mạng di động hiện khai thác, sử dụng đang bị “nướng cháy” nhanh chóng.

Kho đầu số và trách nhiệm xã hội

Các nhà mạng MobiFone, Viettel và VinaPhone đang làm thủ tục xin đầu số mới 0120, 0164 và 0129. Tổng cộng 20 đầu số được bảy mạng di động hiện khai thác, sử dụng đang bị “nướng cháy” nhanh chóng. Tốc độ “nướng” hàng đầu cũng rơi vào chính ba nhà mạng lớn trên.

Còn lại hơn 50 triệu số thuê bao đang bị bỏ phí - Ảnh Quý Hòa

Khai thác đầu số để kinh doanh cung cấp dịch vụ thông tin di động là điều hiển nhiên. Thế nhưng, khai thác như thế nào để DN vừa kinh doanh tốt nhưng cũng ích nước lợi nhà, tránh được các hệ lụy thì lại là điều đáng bàn vì đang nảy sinh nhiều vấn đề.

Hai mươi đầu số với khoảng 100 triệu thuê bao di động, nhưng trong đó có tới hơn 50% thuê bao ảo, tính ra bình quân mỗi đầu số đang khai thác được chưa tới 2,5 triệu thuê bao có phát sinh cước. Còn lại hơn 50 triệu số thuê bao đang bỏ phí thì hầu như từ nhà mạng đến người sử dụng chẳng ai cảm thấy áy náy, tiếc rẻ, xót của, dù chúng là nguồn tài nguyên quốc gia.

Cho đến nay mới thấy có S-Fone đưa ra chương trình khuyến khích dùng lại sim số cũ. Lượng thuê bao ảo của S-Fone hay những mạng nhỏ không là gì so với ba đại gia MobiFone, Viettel, VinaPhone. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Quất, Giám đốc kinh doanh tiếp thị S-Fone, chương trình này nhằm góp phần hạn chế lãng phí kho số quốc gia, và vừa hiệu quả hơn cho DN khai thác.

Giới chuyên gia nhận xét, với tốc độ phát triển cao như hiện nay, chẳng mấy chốc cả đầu số 01 sẽ hết. Khi ấy, rất có thể Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải tính tới phương án mới, nâng các thuê bao 10 số hiện nay lên 11 số. Cách này tuy khó làm và gây phiền hà cho khách hàng, song nhà mạng hy vọng sẽ giải quyết vấn đề liên quan đến kho số.

Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, thảo luận về Dự án Luật Thuế tài nguyên, đại biểu Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Bưu điện TP.HCM) đã chỉ ra nguyên nhân: Việc xin đầu số hiện “không tốn nhiều chi phí nên các DN thi nhau xin cấp đầu số để phát triển thuê bao”. Cấp không, khoản phí phải trả chỉ mang tính tượng trưng chính là chất xúc tác có tính dễ dãi, không giúp gì được cho việc nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia.

Ngày nay, một DN khai thác cát, đá gây ô nhiễm, lở núi... thì rất dễ bị dư luận lên án. Đó là nguồn tài nguyên vật chất có thể nhìn thấy. Song đối với kho đầu số, là nguồn tài nguyên phi vật chất, nhận thức về nó chưa nhiều, cho nên ý thức về việc giữ gìn cũng chưa cao. Không chỉ có DN xài đầu số thả dàn, mà người tiêu dùng cũng vô tư “đốt”. Một chuyên gia viễn thông là Việt kiều cho rằng: “Chúng ta còn dư giả quá nên chưa thấy quý, thấy xót. Đến khi eo hẹp, cạn kiệt, người sử dụng phải hứng chịu việc trả phí cao cho nguồn tài nguyên này, thì mới giật mình nhìn lại”.

Dự án Luật Thuế tài nguyên chưa tính tới việc đánh thuế và thu phí đối với việc khai thác, sử dụng kho đầu số quốc gia, còn các đại biểu Quốc hội mới chỉ đưa ra bàn thảo. Chưa có quy định xiết từ gốc thì tình trạng cho không biếu không sẽ tiếp tục gây ra nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, dù chưa có hệ thống văn bản pháp luật cụ thể về đánh thuế và thu phí đối với kho đầu số, nhưng DN và người tiêu dùng vẫn bị ràng buộc về trách nhiệm. Đó là trách nhiệm xã hội đối với việc bảo vệ, giữ gìn và khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia.

Hiện nhiều nước trên thế giới đã đưa kho đầu số, tần số vô tuyến điện... vào diện quản lý tài nguyên. Việc cấp đầu số không chỉ thông qua đấu giá, mà DN còn phải trả phí khai thác, sử dụng đầu số theo tháng. Những nước thu mức phí cao có thể lên đến 10cent/tháng, các nước thu mức thấp từ 1 - 2cent/tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kho đầu số và trách nhiệm xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO