Hướng đi mới mang lại ánh sáng cho người khiếm thị

QL| 21/09/2020 06:56

Nhờ thiết bị đặc biệt cấy ghép trên vỏ não, kết hợp cùng phần chụp đầu (headset) tích hợp camera có khả năng truyền tín hiệu không dây, những người gặp vấn đề về thị giác trong tương lai có thể nhìn thấy lại được.

Hướng đi mới mang lại ánh sáng cho người khiếm thị

Các nhà khoa học tại Đại học Monash (Melbourne - Úc) mới đây vừa công bố nghiên cứu chế tạo thành công một thiết bị đặc biệt hứa hẹn mang lại ánh sáng cho người gặp vấn đề về thị giác. Sở dĩ được xếp vào hạng mục thiết bị đặc biệt là vì sản phẩm của các nhà khoa học Monash bao gồm những thiết bị cấy ghép điện tử không dây cực nhỏ “gắn” trực tiếp lên bề mặt vỏ não để giúp những người kém may mắn có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra xung quanh họ.

Theo các nhà khoa học, hiện có không ít người mù là do dây thần kinh thị giác bị tổn thương. Điều này về cơ bản sẽ ngăn cản việc truyền tín hiệu hình ảnh từ võng mạc đến vùng xử lý hình ảnh trên não bộ. Nắm rõ điều này, các nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu và phát triển thiết bị giúp giải quyết triệt để tình trạng này. 

openingeyest.jpg

Hình ảnh thiết bị cấy ghép vào vỏ não đầu tiên trên thế giới giúp mang lại ánh sáng cho người mù sắp được thử nghiệm tại Melbourne (Úc)

Gennaris là tên gọi thiết bị giúp mang lại ánh sáng cho người mù, về cơ bản gồm một camera đeo đầu được thiết kế riêng cho mục đích này. Các nhà khoa học cũng trang bị cho bộ camera đeo đầu này hệ thống truyền tải không dây, bộ xử lý hình ảnh và phần mềm đặc biệt giúp xử lý những hình ảnh được camera “nhìn thấy”. Bên cạnh bộ headset độc đáo này, các nhà khoa học Đại học Monash còn sử dụng một bộ thiết bị cấy ghép kích thước 9x9mm để “đính” trực tiếp vào vỏ não của người.

Hình ảnh được ghi lại từ camera trên headset sẽ được xử lý, truyền tải không dây tới mạch xử lý của mỗi thiết bị cấy ghép bên trong vỏ não và được chuyển đổi thành tín hiệu xung điện kích thích não thông qua những điện cực mỏng như sợi tóc. 

Arthur Lowery - Giáo sư Khoa Điện và Kỹ thuật Hệ thống Máy tính của Đại học Monash giải thích thêm rằng, các bộ phận giả thị giác vỏ não này nhằm mục đích khôi phục nhận thức thị giác cho những người bị mất thị lực bằng cách truyền kích thích điện đến vỏ não thị giác - vùng não tiếp nhận, tích hợp và xử lý thông tin thị giác. Bằng việc kết hợp 172 điểm ánh sáng (phosphene) thiết bị của các nhà khoa học có thể cung cấp đủ thông tin giúp mỗi cá nhân có thể điều hướng trong nhà và ngoài trời. Bên cạnh đó, những người đeo thiết bị đặc biệt này cũng có thể nhận ra sự hiện diện của người và vật xung quanh.

Được biết, các nhà khoa học đã thử nghiệm thành công trên cừu, với những phát hiện được công bố trên Tạp chí Kỹ thuật Thần kinh Quốc tế vào tháng 7/2020. Nhóm cũng đã tiến hành thử nghiệm các nghiên cứu lâm sàng với 7 thiết bị hoạt động phân phối kích thích trong 9 tháng. Với tổng thời lượng kích thích 2.700 giờ đã được thực hiện, nhóm không phát hiện bất kỳ tác dụng phụ nào đối với sức khỏe.

Từ kết quả này, tác giả chính của nghiên cứu - Giáo sư Rosenfeld tự tin có thể đạt được sự kích thích lâu dài thông qua các phần cấy ghép không dây mà không gây tổn thương mô lan rộng cũng như các vấn đề về hành vi hoặc co giật có thể nhìn thấy do kích thích.

Marcello Rosa - giáo sư cũng thuộc nhóm nghiên cứu tự tin rằng, ngoài việc cải thiện chăm sóc sức khỏe và phục hồi thị lực cho người mù, thành công thương mại có thể tạo ra các cơ hội xuất khẩu mới, các công việc chế tạo và thiết kế thiết bị y tế có tay nghề cao và tăng trưởng kinh tế cho Úc. Với những khoản đầu tư thêm, nhóm nghiên cứu sẽ có thể sản xuất những mô cấy ghép vỏ não này ở Úc với quy mô cần thiết để tiến tới thử nghiệm trên người. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hướng đi mới mang lại ánh sáng cho người khiếm thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO