Du học phổ thông: Công nghệ hỗ trợ kết nối

NAM KHUÊ| 27/04/2015 05:15

Ứng dụng công nghệ tại nhà trường không chỉ dừng ở việc sử dụng các thiết bị hiện đại trong giảng dạy, mà còn phải đầu tư ứng dụng các phầm mềm/website hỗ trợ việc dạy và học.

Du học phổ thông: Công nghệ hỗ trợ kết nối

Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục - Đào tạo, hiện có khoảng 60.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại các cơ sở đào tạo nước ngoài ở Mỹ, Nhật Bản, Úc, Singapore, Trung Quốc... Trong đó, đối tượng du học sinh theo học bậc phổ thông trung học ngày càng nhiều.

Những lợi thế của việc du học sớm khiến cán cân giữa du học nước ngoài hay đầu quân vào các trường quốc tế trong nước trở nên khó cân bằng hơn. Theo Ông Lê Đức Ánh – Hiệu Trưởng Trường Quốc tế TIS, nhu cầu đi du học sớm từ bậc phổ thông trung học đang rất lớn. Tuy nhiên, những trở ngại về mặt địa lý và thủ tục đã khiến nhu cầu này bị giới hạn phần nào.

Để dung hòa, phụ huynh thường cho con em đầu quân vào các trường quốc tế trong nước xem như là bước chuẩn bị. Bởi, môi trường này tạo điều kiện cho các em học sinh tiếp cận với các giáo trình phổ biến ở nước ngoài cũng như không gian thực hành Anh ngữ tích cực.

Mục đích ban đầu của phụ huynh là như thế nhưng không phải trường quốc tế trong nước nào cũng có thể nắm bắt được. Trên thực tế, các trường thường ít quan tâm đến định hướng du học nước ngoài của học sinh cho đến tận khi tốt nghiệp phổ thông trung học.

>>Hành trang cần thiết khi du học

“Vừa phải đảm bảo chương trình đào tạo, vừa hỗ trợ học sinh phát triển kỹ năng lẫn năng khiếu… là áp lực lớn mà các trường quốc tế trong nước phải đối mặt”, một chuyên gia của ngành giáo dục nhận định.

Chu toàn những đòi hỏi này, nhà trường buộc phải có chính sách quan tâm cá thể. Nghĩa là, liên tục lắng nghe nhu cầu, theo dõi sự phát triển của học sinh để có thể thiết kế con đường phát triển cá nhân cho từng học sinh. Đáng tiếc, khá ít đơn vị đào tạo trang bị được chính sách này.

Thêm vào đó, tính kết nối với học sinh, gia đình… của các trường quốc tế trong nước, dù vẫn được đánh giá cao hơn so với khối công lập, nhưng cũng còn khá hạn chế, chỉ thông qua các công cụ thông thường như nhắn tin, gọi điện, trao đổi trực tiếp.

Ở các nước đang phát triển, việc ứng dụng công nghệ tại nhà trường không chỉ dừng lại ở việc sử dụng các thiết bị hiện đại trong giảng dạy như ActivBoard, giáo án điện tử…, mà còn phải đầu tư ứng dụng các phầm mềm/website hỗ trợ việc dạy và học.

>>Cổng thông tin hữu ích cho du học sinh tương lai

Như trường hợp của chính sách Google Sponsored Schools, ứng dụng Google vào giáo dục để giúp nhà trường lẫn phụ huynh quan tâm tốt hơn đến học sinh. Ví dụ, giáo viên có thể sử dụng Google Apps trong dạy học để phối hợp với học sinh, tăng cường hoạt động nhóm trong lớp, giúp học sinh tăng tính sáng tạo, sự hợp tác…

Thực trạng kỷ luật học sinh được chia sẻ cho các phòng ban và phụ huynh thông qua ứng dụng Google Docs. Từ đó nhà trường và gia đình cùng phối hợp để đi đến thống nhất trong việc quản lý học sinh và tìm ra giải pháp giáo dục cá thể hóa tối ưu.

Ứng dụng này còn giúp nhà trường cung cấp tất cả về điểm số, tình hình học tập của học viên, kết quả học tập và sổ báo bài điện tử… Nhờ vậy, phụ huynh hoàn toàn có thể biết được mức độ học tập của con em mình.

Xa hơn, khi những học sinh này bước ra môi trường giáo dục quốc tế, kho dữ liệu ghi nhận suốt quá trình học tập trong nước sẽ được kết nối để giáo viên ở nơi học sinh đến du học có thể nắm bắt, tiếp bước quá trình đào tạo nền đã có từ trong nước. Đó gọi là bước đệm thông minh tiền du học.

Rõ ràng, khi việc trao đổi giữa nhà trường và phụ huynh cũng như giáo viên với học sinh được thực hiện tốt, việc lắng nghe, nắm bắt nhu cầu của gia đình và học viên cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Có lẽ, sẽ cần thêm một ít thời gian nữa để những ứng dụng tiên tiến này thực sự phổ biến ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du học phổ thông: Công nghệ hỗ trợ kết nối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO