Cuộc "đổ bộ" của công nghệ phân tích cảm xúc

04/09/2015 06:48

Công nghệ phân tích cảm xúc đang dần trở thành một thị trường màu mỡ khi được dự báo có thể đạt đến 10 tỷ đô la vào năm 2020.

Cuộc

Thị trường phần mềm phân tích cảm xúc được dự báo có thể đạt tới 10 tỷ USD vào năm 2020, tăng từ mức hơn 100 triệu USD của năm 2016.

Nếu học sinh cho rằng có thể qua mặt được cô giáo khi đang lơ đễnh trong giờ học thì họ hãy nghĩ lại. Trong một tương lai không quá xa, một chiếc máy tính laptop có thể chiếu một biểu đồ cảm xúc theo dõi sự chú ý của lớp học theo thời gian thực, phân tích được cảm xúc của từng học sinh. Chính công nghệ phân tích cảm xúc này sẽ lật tẩy học sinh nếu họ không tập trung trong giờ học.

Đến cuối năm 2015, có tới 1.000 trường học tại Mỹ và Canada dự kiến sử dụng công nghệ này để theo dõi học sinh, theo Rich Cheston - Giám đốc Giải pháp tại Stoneware (một công ty chuyên sản xuất phần mềm quản lý lớp học thuộc hãng máy tính Trung Quốc Lenovo).

Stoneware sẽ sớm tích hợp công nghệ phân tích cảm xúc vào một trong những sản phẩm của mình để theo dõi sự chú ý trong lớp học. Giảng viên “có thể thấy được một cách rõ ràng biểu cảm trên khuôn mặt của học sinh khi họ đang giảng dạy. Vì thế họ có thể quyết định khi nào thì nên có biện pháp để chấn chỉnh”, Cheston cho biết.

Trong những năm qua, các công ty lớn như Unilever và Coca-Cola đã sử dụng các công cụ phân tích cảm xúc để hiểu rõ hơn những điều mà khách hàng thích và không thích và dựa trên đó, để đưa ra các chiến dịch quảng cáo, marketing cho phù hợp. Có khoảng hơn 10 công ty đang sản xuất và hỗ trợ những phần mềm như vậy, theo hãng nghiên cứu Crone Consulting.

Các công ty dẫn đầu thị trường trong đó có công ty khởi nghiệp Emotient và Affectiva. Unilever phải nhờ cậy đến công nghệ phân tích cảm xúc của Affectiva để đánh giá phản ứng của khách hàng đối với các mẫu quảng cáo của Công ty. Trong khi đó, Emotient đã hợp tác với Honda Motor và Procter & Gamble để theo dõi cảm xúc của người tiêu dùng khi họ thử dùng sản phẩm của mình.

Phần mềm của Emotient cũng sẽ được sử dụng trong sản phẩm quản lý lớp học của Stoneware. Emotient cũng đã thử nghiệm phần mềm với đội bóng rổ chuyên nghiệp Mỹ Golden State Warriors để nghiên cứu sự hào hứng của khán giả.

Mặc dù hiện tại, quy mô vẫn còn khiêm tốn nhưng thị trường dành cho các phần mềm phân tích cảm xúc được dự báo có thể đạt tới 10 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2020, tăng từ mức hơn 100 triệu USD vào năm 2016 và chưa tới 20 triệu USD năm nay, theo Crone Consulting.

Phần mềm có thể được sử dụng trong máy tính cá nhân, ô tô (để cảnh báo người lái khi họ trở nên lơ đễnh, thiếu tập trung) và cả điện thoại thông minh. Phần mềm được dùng kết hợp với video ghi hình hoặc video trực tiếp các biểu cảm trên khuôn mặt.

>>Đỗ Hoài Nam và ứng dụng bộ đọc não người

Sản phẩm của các công ty cũng có nhiều khác biệt. Phần mềm của Affectiva chủ yếu tập trung vào những điểm trên khuôn mặt như khóe mắt hoặc chân mày. Các thuật toán cũng dò tìm những biểu hiện khác nhau khi một người cười to, cười mỉm hay nhíu mày.

Với cơ sở dữ liệu lên tới 3,2 triệu đoạn video khuôn mặt, Affectiva cho biết nó có thể nhận diện được các biểu cảm trên khuôn mặt và cảm xúc với độ chính xác cao. Phần mềm “báo cáo” các trạng thái cảm xúc khác nhau của người dùng, từ hạnh phúc cho đến buồn bã, hoặc từ ngạc nhiên cho đến bình thản. Nó thử nghiệm các thuật toán nhận diện cảm xúc so với các hình ảnh trong cơ sở dữ liệu của mình.

“Đây là cách không phải đặt câu hỏi với ai đó mà đơn giản chỉ quan sát phản ứng, cảm xúc của người đó”, Nicholas Langevold - Giám đốc điều hành Affectiva nhận xét. Affectiva cho biết các phân tích của nó có độ chính xác tới hơn 90% đối với một số cảm xúc.

Trong khi đó, công ty khởi nghiệp Beyond Verbal, được thành lập cách đây 3 năm tại Tel Aviv, Israel, sở hữu một cơ sở dữ liệu không nhỏ lên tới 1,5 triệu giọng nói. Công ty phân tích ngữ điệu để nhận diện hơn 300 trạng thái tâm trạng khác nhau ở hơn 40 ngôn ngữ với mức độ chính xác 80%.

Ngành phân tích cảm xúc khuôn mặt có từ thập niên 1970. Người đi tiên phong nghiên cứu lĩnh vực này là nhà tâm lý học người Mỹ Paul Ekman. “Tôi nghĩ nó sẽ được sử dụng trong nghiên cứu”, Ekman cho biết.

Ông cùng nhiều đồng nghiệp đã phát triển một hệ thống “đo lường” các cử động trên khuôn mặt, cho thấy những cử động nhỏ nhất, tế nhị nhất như nhướng mày hay nhăn mũi có thể tiết lộ những cảm xúc ẩn giấu đằng sau.

Các công ty như Emotient, Affectiva và Eyeris đã dựa vào nghiên cứu của ông để phát triển các sản phẩm phân tích cảm xúc. Tuy nhiên, Ekman cho biết ông lo ngại một số ứng dụng của công nghệ có thể vi phạm quyền cá nhân của con người.

Sau khi ông dọa rời khỏi Hội đồng Quản trị của Emotient - nơi ông đóng vai trò là một chuyên gia cố vấn - Ekman cho biết Công ty hiện tại đang xem xét những lo ngại của ông.

Susan Etlinger - một chuyên gia phân tích dữ liệu tại hãng tư vấn thương hiệu Altimeter Group thì cho rằng cần xem xét về mặt đạo đức vì những người trong diện nghiên cứu có thể không biết là họ đang “bị nghiên cứu”. Theo bà, phần mềm phân tích cảm xúc cũng cần phải được “thử lửa” để cho thấy tính hiệu quả của chúng.

“Làm thế nào bạn chứng thực được khi nào một người thực sự cảm thấy hạnh phúc hoặc giận dữ vào một thời điểm nào đó?”, bà nói.

>>5 chiến dịch marketing thành công nhờ yếu tố cảm xúc

Dù vẫn còn một số quan điểm trái chiều nhưng không thể phủ nhận những ích lợi của công nghệ này. Microsoft đã phát triển các ứng dụng tiêu dùng theo dõi cảm xúc thông qua một cảm biến da gắn trên một dây đeo theo dõi cử động và một thiết bị theo dõi nhịp tim. Chúng cảnh báo người sử dụng khi căng thẳng ở mức cao và đưa ra lời khuyên để người đó giảm căng thẳng.

Eyeris cũng nghĩ đến việc phát triển các ứng dụng mang tính trị liệu, có thể biết được khi nào một người bị căng thẳng để cảnh báo họ.

Công nghệ phân tích cảm xúc còn có thể giúp người, thậm chí cứu mạng người. Các camera được cài phần mềm phân tích cảm xúc có thể biết được khi nào tài xế lái xe tải đang kiệt sức để ngăn ông ta ngủ gục trên vô-lăng. Hoặc việc cài phần mềm phân tích cảm xúc vào camera được gắn trong lớp học có thể giúp thầy giáo biết được họ có thu hút được sự chú ý lắng nghe của học viên... Đây là lĩnh vực mà Stoneware đang nhắm đến.

Cheston - Giám đốc Giải pháp của Stoneware cho biết, công ty ông sẽ cho ra mắt sản phẩm vào tháng 9 tới và sau đó sẽ bắt đầu tiếp thị đến các trường học.

>>Tác động cảm xúc trong B2B và B2C

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc "đổ bộ" của công nghệ phân tích cảm xúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO