Công nghệ “đánh dấu”: Lợi đủ đường

03/10/2014 06:29

Khi xem các bộ phim hình sự, ta thường cảm thấy choáng ngợp trước vô vàn công nghệ cao để theo dõi nhân vật, đồ vật, tích hợp vệ tinh, GPS…

Công nghệ “đánh dấu”: Lợi đủ đường

Khi xem các bộ phim hình sự, ta thường cảm thấy choáng ngợp trước vô vàn công nghệ cao để theo dõi nhân vật, đồ vật, tích hợp vệ tinh, GPS… Ngày nay, cảnh tượng này không chỉ diễn ra trong phim ảnh mà các công ty công nghệ trên khắp thế giới đang từng bước biến điều này thành hiện thực.

Nếu không tìm thấy chùm chìa khóa, bạn chỉ cần bật điện thoại lên và hỏi: “Chìa khóa ở đâu?”

Ngày càng có nhiều công ty ở mọi quy mô chạy đua để cung cấp câu trả lời. Họ sử dụng các ứng dụng hay thiết bị đánh dấu, đôi khi nhỏ như đồng xu hay thẻ bài và tích hợp chúng với các thiết bị không dây như smartphone. Pixie Technology do doanh nhân người Israel Amir Bassan-Eskenazi sáng lập, chẳng hạn, xem nhu cầu này là một thị trường thực thụ trong tương lai và giải pháp mà họ cung cấp sẽ là tìm kiếm đồ vật với độ chính xác rất cao.

Hầu hết các hệ thống đánh dấu hiện tại đều sử dụng công nghệ sóng âm hoặc dùng các hình ảnh gần giống với đối tượng để nhận diện. Để làm được việc này, họ cần các công cụ đánh dấu nhỏ có chức năng truyền nhận tín hiệu. Những thiết bị này sẽ được gắn với các đồ vật, hay thú nuôi cần theo dõi và chúng có thể phát ra tiếng kêu để hướng dẫn người dùng đến vị trí của đồ vật được đánh dấu.

Công nghệ của Pixie thì cho phép người dùng tìm được những món đồ được đánh dấu thông qua một giao diện giống như la bàn, chỉ phương hướng của đối tượng và khoảng cách đến đó. Ứng dụng này cũng tận dụng camera của smartphone để ghi nhận hình ảnh của không gian xung quanh và căn cứ vào đó, xác định món đồ được đánh dấu đang nằm ở đâu. Nếu bạn muốn tìm nhiều món đồ cùng một lúc thì ứng dụng vẫn có thể đáp ứng.

Công nghệ đánh dấu này từ lâu đã được triển khai tại các môi trường làm việc như nhà xưởng, kho, bệnh viện... để giúp bảo vệ bệnh nhân và những trang thiết bị có giá trị cao. Những hệ thống này sử dụng các biến thể khác nhau của công nghệ mang tên RFID (nhận diện qua tần số radio) hay qua các thiết bị thu phát sóng wifi.

Tuy nhiên, chi phí để trang bị những hệ thống này rất cao. Chẳng hạn như với AeroScout, công ty hiện cung cấp hệ thống đánh dấu cho các mỏ than và các công ty có nhu cầu theo dõi laptop trong văn phòng, thì mỗi thiết bị theo dấu có giá từ 50 đến 80 USD, chưa kể hàng trăm USD để cài đặt các đầu phát wifi nữa.

Ứng dụng đánh dấu dành cho người tiêu dùng thì không cần những công nghệ phức tạp như thế, nên chi phí cũng thấp hơn, tầm 25 USD. Sự phổ biến của công nghệ này phần lớn là nhờ công nghệ Bluetooth năng lượng thấp, một biến thể của công nghệ giao tiếp không dây trong cự lý ngắn, được tích hợp trong các smartphone thế hệ mới. Bluetooth LE có phạm vi hoạt động khoảng 5 m, giúp dễ dàng bao phủ không gian của một ngôi nhà bất kỳ.

Những thiết bị đánh dấu sử dụng công nghệ mới này có thể hoạt động trong một năm chỉ với một cục pin có kích thước bằng đồng xu, thay vì chỉ trong vài ngày như công nghệ Bluetooth truyền thống, theo Nick Evans, Giám đốc Điều hành của Tile Inc. Công ty non trẻ ở Thung lũng Silicon này đã bắt đầu cung cấp các thiết bị đánh dấu cho hơn 150.000 đơn hàng tính đến thời điểm hiện nay.

Những hệ thống khác dành cho người tiêu dùng hiện phổ biến như Tile của công ty Tile Inc., HipKey của công ty Hippih Inc., TrackR của Phone Halo Inc. và Duet của Innova Technology LLC, Chipolo của SDK, LoccaPhone, hay Gecko. Tất cả sản phẩm đều hiện được cung cấp ở mức thuê bao 20-30 USD/tháng, có kèm thiết bị hoặc không tùy vào thời hạn sử dụng dịch vụ.

Những sản phẩm này thường “giao tiếp” với đối tượng được đánh dấu bằng một đồ thị cường độ tần số hay một số ký tự. Nếu mang một chiếc smartphone có cài ứng dụng của Tile đến gần một thiết bị đánh dấu của hãng này, thì thiết bị đánh dấu sẽ gửi đến smartphone của bạn một tin nhắn là “Còn khoảng 1 m nữa.”

Những tính năng phổ biến khác là báo động bằng âm thanh nếu chiếc smartphone di chuyển ra khỏi vị trí của đối tượng được đánh dấu, hoặc chia sẻ dữ liệu giữa các người dùng với nhau để tìm một món đồ bị mất trộm.

Pixie và Tel Aviv thì có phương pháp khác. Các thiết bị đánh dấu của hãng này hoạt động với một ứng dụng trên smartphone giúp xác định vị trí bằng cách tính toán thời gian một tin nhắn Bluetooth LE di chuyển từ các thiết bị đánh dấu gần đó.

Mỗi Pixie Point, tên gọi của thiết bị đánh dấu, cũng theo dõi vị trí của các Pixie Point khác trong khu vực lân cận, không chỉ trong không khí mà còn trong nước, trong tường hay trong hộp thủy tinh... Càng có nhiều Pixie Point trong hệ thống thì việc xác định vị trí càng chính xác.

Tham vọng của Pixie là tiếp tục cho ra đời những ứng dụng tích hợp với bản đồ để giúp tìm kiếm quân nhân, lính cứu hỏa trong những khu vực đầy khói, theo dõi hành lý tại sân bay, hay tìm kiếm sản phẩm yêu thích trong hội chợ... Sản phẩm của Pixie dự kiến ra mắt cuối năm nay với giá ước tính khoảng 13-15 USD cho một thiết bị.

Còn quá sớm để nói về quy mô thị trường này. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận rằng ý tưởng về thiết bị và ứng dụng đánh dấu là rất khả thi và có thể mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Sau này, nếu không tìm thấy chùm chìa khóa, tất cả những gì bạn cần bật điện thoại lên và hỏi: “Chìa khóa ở đâu?” mà thôi.

>Xu hướng thời trang trong kỷ nguyên công nghệ
>14 thiết bị công nghệ ấn tượng tại IFA 2014
>
Tia laser phát hiện ma túy, thuốc nổ từ xa
> Máy in cũng di động

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghệ “đánh dấu”: Lợi đủ đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO