Công nghệ cao đua với giá cao!

DIỆU TIÊN| 25/02/2011 09:11

Đợt điều chỉnh tăng tỷ giá USD - VND lên gần 10% của Ngân hàng Nhà nước đã làm tăng giá nhiều mặt hàng, không loại trừ các mặt hàng công nghệ. Song, cũng đúng vào thời điểm hiện tại, như thông lệ mọi năm, sức mua hàng công nghệ vẫn khá mạnh, có vẻ như bất chấp sự thay đổi tỷ giá.

Công nghệ cao đua với giá cao!

Đợt điều chỉnh tăng tỷ giá USD - VND lên gần 10% của Ngân hàng Nhà nước đã làm tăng giá nhiều mặt hàng, không loại trừ các mặt hàng công nghệ. Song, cũng đúng vào thời điểm hiện tại, như thông lệ mọi năm, sức mua hàng công nghệ vẫn khá mạnh, có vẻ như bất chấp sự thay đổi tỷ giá.

Tác động tất yếu

Các mặt hàng công nghệ thông tin chủ yếu được tính theo giá USD

Theo ông Huỳnh Nhân Quí, việc tỷ giá USD - VND liên ngân hàng được điều chỉnh tăng gần 10% so với trước sẽ ảnh hưởng đến các loại hàng hóa nhập khẩu do chi phí đầu vào cao hơn trước.

Vì trên thực tế, hàng công nghệ tại Việt Nam hầu như đều được nhập khẩu. Nếu có hàng “made in Vietnam” thì cũng làm từ linh phụ kiện nhập khẩu.

Cùng ý kiến với ông Quí, ông Nguyễn Văn Xê, Giám đốc siêu thị số Thành Nhân, cho rằng: “Tỷ giá liên ngân hàng tăng thì nhà phân phối cũng sẽ điều chỉnh giá sản phẩm trên tiền Việt khi cung cấp cho nhà bán lẻ, qua đó về lâu dài sẽ tác động đến sức mua trên thị trường”.

Tuy nhiên, ông Quí nhận định, dù tác động đến giá hàng công nghệ nhưng động thái điều chỉnh tăng tỷ giá liên ngân hàng là cần thiết để thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá thị trường tự do và tỷ giá chính thức thị trường liên ngân hàng.

Việc chênh lệch kéo dài lâu nay đã đẩy các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu vào khó khăn, khó kiếm được nguồn cung ngoại tệ từ ngân hàng và trên thực tế, tỷ giá niêm yết của ngân hàng chỉ mang tính hình thức chứ DN luôn phải mua theo giá thỏa thuận, hoặc phải cắn răng mua ngoài thị trường tự do. Thực tế cũng cho thấy, các DN này phải chịu mua USD với giá không thấp hơn tỷ giá sau khi điều chỉnh là bao.

Ông Xê cho biết, lâu nay giữa nhà bán lẻ với các nhà phân phối hoặc hãng sản xuất có ba cách tính tỷ giá: đối với các nhà phân phối lớn thì tính theo tỷ giá liên ngân hàng; nhà phân phối cỡ trung lấy tỷ giá chợ đen cộng tỷ giá liên ngân hàng rồi chia đôi; riêng các nhà phân phối nhỏ thì hoàn toàn áp dụng theo tỷ giá thị trường tự do.

Chính vì thế, tùy vào nhà phân phối và cách tính tỷ giá mà từng mặt hàng sẽ bị tác động ở mức khác nhau.

Vẫn khá bình yên...

Dù giá nhiều mặt hàng như: sắt, thép, xi măng, ô tô, xe máy... đã bị cuốn theo đợt tăng tỷ giá, nhưng hàng công nghệ thì vẫn khá bình yên khi các nhà bán lẻ cho biết họ chưa nhận được thông báo tăng giá từ nhà phân phối.

Tín hiệu tăng giá đầu tiên có lẽ xuất hiện ở một số mặt hàng nhập khẩu số lượng nhỏ, hoặc hàng xách tay (như iPhone 4, máy tính bảng), vì những DN nhập khẩu các mặt hàng này, như cách giải thích của ông Xê, hoàn toàn phải nhờ vào lượng USD mua được ngoài thị trường tự do. Hơn nữa, họ cũng không đủ tiềm lực để hỗ trợ các cửa hàng bán lẻ.

Còn nhớ những đợt tăng tỷ giá trước đây, một số hãng lớn đã áp dụng chính sách hỗ trợ một phần cho nhà phân phối, hoặc trực tiếp cho nhà bán lẻ, đó là sự chia sẻ trong mối quan hệ làm ăn lâu dài.

Tuy nhiên, đợt tăng tỷ giá trên dưới 10% lần này không biết các hãng và nhà phân phối chia sẻ hay cầm cự với giá niêm yết hiện tại được bao lâu?

Theo ông Xê, trong vài ba ngày đầu tỷ giá tăng đã có tác động làm chậm sức mua vì người tiêu dùng có tâm lý e dè khi nghe USD tăng giá. Tuy nhiên, sau đó sức mua được khôi phục nhờ vào khoản tiền lì xì, tích lũy được từ dịp Tết, vì thế chưa thấy việc tăng tỷ giá tác động rõ nét đến thị trường hàng công nghệ.

“Năm nào cũng vậy, sức mua hàng công nghệ tăng gấp hai ngày thường trong khoảng thời gian 15 - 20 ngày sau Tết”, ông Xê cho biết. Nhưng cao trào này cũng sẽ kéo dài không lâu khi các khoản tiền tích lũy, được tặng biếu đã cạn.

Vào thời điểm này, giá bán các mặt hàng công nghệ khá ổn định. Ông Quí cho rằng, việc điều chỉnh giá bán còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như: cung - cầu trên thị trường, lượng hàng tồn kho, chính sách phân phối của các nhà cung cấp...

Không nhà bán lẻ nào dám cam kết sẽ không tăng giá, mà cho biết vấn đề này phụ thuộc vào nhà cung cấp. Khoảng bình yên này của thị trường hàng công nghệ chưa biết sẽ kéo dài được bao lâu, nhưng theo dự báo của nhiều đại lý, khi cao trào của sức mua sau Tết qua đi thì thị trường có thể sẽ trầm hơn, điều đó cũng khiến các hãng và nhà phân phối phải cân nhắc khi tính đến việc tăng giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghệ cao đua với giá cao!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO