Theo đó, danh sách "Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023" gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Cùng với đó, Vietnam Report cũng công bố hạng mục "Top 10 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân uy tín năm 2023" gồm Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á.
Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các ngân hàng được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; uy tín truyền thông và kết quả khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 6/2023.
Theo Vietnam Report, giai đoạn đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu suy yếu, kéo theo đơn hàng giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục bị thu hẹp. Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống còn 45,3 trong tháng 5 và là tháng thứ 6 nằm dưới ngưỡng 50 trong 7 tháng qua.
Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại. Tình trạng lệch pha diễn ra trong bối cảnh nhóm khách hàng được ngân hàng ưu tiên cho vay là doanh nghiệp sản xuất và cá nhân có nhu cầu vay chậm lại do lãi suất cao, đơn hàng giảm, các thị trường đầu tư tài sản không thuận lợi trong khi nhóm khách hàng khát vốn, chấp nhận vay với lãi suất cao, chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản không đủ điều kiện giải ngân.
Đến hết tháng 5, tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm 2022 là xấp xỉ 8%. Cuối quý I/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9%, trong khi các ngân hàng đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý đầu năm có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát năm 2023 cho thấy không xuất hiện kỳ vọng vào tăng trưởng đột phá ở 6 tháng cuối năm nay so với cùng kỳ năm trước. Thay vào đó, phần lớn ngân hàng cho rằng vào nửa còn lại của năm 2023, toàn ngành sẽ ở trạng thái ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng là 44,2% so với mức 42% như kết quả khảo sát năm 2022. Tỷ lệ ngân hàng dự báo tăng trưởng ngành thấp hơn một chút tăng nhẹ so với năm ngoái, trong khi tỷ lệ các ngân hàng tin vào kịch bản tăng trưởng khả quan hoặc tốt hơn một chút so với cùng kỳ năm 2021 vẫn có nhưng thu hẹp lại còn 14,3%.
Dựa trên kết quả khảo sát của Vietnam Report, top 7 thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2023 được chỉ ra gồm: nợ xấu gia tăng, rủi ro lạm phát, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức thấp, suy thoái của thị trường chứng khoán, bất động sản và trái phiếu. Thêm nữa, sự xuất hiện của các công ty Fintech cạnh tranh gay gắt, thách thức sự thống trị thị trường của các ngân hàng cùng áp lực tăng vốn điều lệ nhằm mục tiêu cải thiện các hệ số an toàn vốn và vị trí xếp hạng của ngân hàng cũng được điểm danh là các thách thức mà ngân hàng cần đương đầu thời gian tới.